Nếu có dịp tiếp xúc với anh trong công việc, chúng ta có cảm giác như mọi thứ trong con người Trần Quốc Mạnh đều sắt lại. Dường như sự từng trải, bao vất vả lo toan với những thăng trầm của Sadaco đã “cô đặc” mọi thứ trong anh.
Tiếp nhận một cái tên đang trong diện “giải thể” của Nhà nước vì làm ăn thua lỗ với món nợ lên đến 30 tỉ đồng, vì làm “nhiệm vụ chính trị” cho vùng kinh tế mới Đắc Lắc, tâm nguyện của anh là giữ được thương hiệu Sadaco trên trường quốc tế, phát triển lên một bước mới hoàn thiện hơn. Và cũng từ đấy, tình cảm với một tập thể hơn cả ngàn con người đã tạo nên bản lĩnh của anh, dù anh luôn khiêm tốn nói rằng: “Đó là nhờ tôi đã học được từ bản lĩnh của Sadaco”.
Trong cuộc trò chuyện, anh thường xưng “tớ”, một từ Bắc ấm áp và thân thiện. Căn phòng làm việc của một đại gia về chế biến gỗ xuất khẩu khá thanh bạch, chiếc đèn lồng bằng gỗ xinh xắn trên trần là vật trang trí duy nhất, những ngăn tủ đựng đầy sách sau lưng, và một khoảng không rợp màu xanh của cây nhãn lồng tỏa bóng…
____
Từng khoác áo lính trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất, nhưng khi trở lại với đời thường, anh còn nổi tiếng là người rất ham học, học đủ mọi thứ, học liên tục. Làm giám đốc mà vẫn đi học đều đặn vào mỗi buổi tối như thế chắc chẳng dễ dàng?
Chân thành mà nói, cũng phải chiến đấu với bản thân dữ dội, vì tôi cũng là con người mà, có biết bao nhiêu cám dỗ hàng ngày lôi kéo. Nhưng do đã xác định được mục tiêu, vả lại ở vị trí anh em nhìn lên, trông vào, phải làm sao sống cho xứng đáng với niềm tin ấy… Chuyện học hành cũng thế, chỉ là thôi thúc bản năng khiến tôi phải luôn học hỏi cái mới. Có những ngày đi làm, tối về đi học, đói quá chỉ kịp chạy ra căn tin ăn một tô bò kho, rồi lên lớp ngay, riết rồi trở thành khách hàng quen thuộc của quán…
Nếu nói về bản thân, tôi là người rất vất vả. Tôi tuổi Thìn, nói giọng Bắc, nhưng lại sinh ở miền Nam. Tôi điển hình cho những người có hai quê. Đúng lúc vào đại học thì tôi nhập ngũ, nên sau ngày giải phóng, lại tiếp tục “cắp sách đến trường”, khoa cơ khí Đại học Nông nghiệp 1. Con đường học của tôi cũng rất thăng trầm (cười). Khi bước vào ngành gỗ, tôi học tiếp đại học tại chức ngành Kinh tế ngoại thương, rồi lấy bằng cử nhân Luật, tham gia lớp Giám đốc quản trị kinh doanh… và bây giờ đang học MBA chương trình Đại học Touro Mỹ tại trường Đại học Quốc gia… Ngày xưa thời bao cấp, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình phải hoàn thành nhiệm vụ, nhưng nhờ học hành đàng hoàng, đầy đủ, tiếp cận, từng trải, tôi thấy mình hiểu ý nghĩa công việc hơn, rủi ro nhờ thế cũng ít đi.
Cả một quá trình trần ai vất vả đưa Sadaco từ chỗ bị giải thể trở thành một đơn vị lành mạnh về tài chính, nếu người lãnh đạo không có cái đầu, không học liên tục, để có thể xác định đúng mục tiêu, thì không thể tồn tại và giữ vững được thương hiệu của mình. Cuộc đời làm doanh nghiệp nhà nước chẳng khác làm doanh nghiệp tư nhân, cũng phải bươn chải theo kinh tế thị trường, vay vốn ngân hàng, tìm kiếm thị trường, phát triển kinh doanh, ấy là chưa kể đến khó khăn áp lực về cơ chế…
____
Trong từng bước đường cụ thể của Sadaco để trả xong món nợ đó và phát triển đi lên, có bao giờ anh cảm thấy mình quá mệt mỏi, hụt hơi?
Khi tôi nhận chức giám đốc công ty, mỗi lần ra một quyết định mới là một lần trăn trở. Anh em bạn bè thấy tôi nhận nhiệm vụ này ai cũng bảo tôi dại, đâm đầu vào bụi rậm. Nhưng mình nghĩ đã gắn bó với anh em từng ấy năm trời, thành quả của cả một tập thể bao nhiêu năm chẳng lẽ tan thành mây khói? Công sức anh em xây dựng vùng kinh tế mới là rất lớn, 13 anh em đã hy sinh vì sốt rét, điều ấy rất đáng trân trọng. Đối với tôi, mọi thành quả đạt được đều phải trải qua những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Chắc là tôi cũng không hay lắm (cười), kết quả đạt được đều do “cày sâu cuốc bẫm” mà thành. Nghĩ lại ngày đầu cũng rất nản, từ chỗ hai bàn tay trắng, cơ sở vật chất không có gì, để mở rộng và xây dựng mới 5 xí nghiệp chế biến gỗ như hôm nay là do sự đóng góp của tập thể anh em chịu cực, đoàn kết thương yêu nhau, đồng lòng nhất trí… Ở bước phát triển mới, Sadaco cũng còn nhiều khó khăn về máy móc, con người, quản lý, nhưng theo tôi, vốn quý nhất mà chúng tôi đã có được chính là thương hiệu, là một cơ ngơi nhất định tạo nền tảng vững chắc cho phát triển tương lai.
Ngành gỗ có thể cải tạo những người nông dân không có tay nghề trở thành những công nhân kỹ thuật, thợ bậc cao, kế tục được truyền thống của ngành mộc lâu đời Việt Nam.
____
Làm thế nào để tăng hàm lượng chất xám trong đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam, và vẫn giữ được nét đẹp truyền thống?
Gần đây, rất nhiều đơn vị đã vươn lên tự thiết kế, phối hợp với khách hàng đưa ra những mẫu mới, làm những sản phẩm cao cấp để đi vào thị trường cao cấp. Đây cũng là hướng đi của Sadaco, nhưng theo tôi, hiện sản phẩm của ta vẫn chưa đạt, phải phấn đấu nữa. Đây là hướng đi đúng, đòi hỏi không chỉ là chất xám, sức lực, tâm huyết của người làm nghề, marketing tốt… mà còn phải phát huy tối đa sức sáng tạo của anh em, đồng thời phối hợp với các công ty nước ngoài, mời các chuyên gia tư vấn về gỗ của nước ngoài để học hỏi về chế biến gỗ. Sự phối hợp này mới có thể giúp sản phẩm vừa giữ vẻ đẹp truyền thống độc đáo của Việt Nam, vừa phù hợp với thị hiếu hiện đại…
____
Theo anh, khách hàng cao cấp ở châu Âu, Úc có gì khác so với các khách hàng cao cấp trên thị trường Mỹ?
Khách hàng Úc, châu Âu thường quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm, thời hạn giao hàng, yêu cầu sản phẩm. Còn khách hàng Mỹ thì khắt khe hơn, yêu cầu cả về bố trí dây chuyền sản xuất theo chuẩn mực của họ. Khách hàng vừa và nhỏ của Mỹ thì phù hợp với Việt Nam hơn.
____
Việc Mỹ kiện đồ gỗ Trung Quốc phá giá có phải là một cơ hội đối với Việt Nam?
Mình phải phát triển lên bằng chính nội lực của mình, coi đó là một cơ hội, nhưng cũng là một bài học kinh nghiệm. Đi vào thị trường đồ gỗ cao cấp cũng chính là vì vậy. Đây là xu hướng lâu dài, dù vất vả, khó khăn.
____
Những hội thảo liên tục về chế biến gỗ gần đây đã thực sự thiết thực với các doanh nghiệp để cùng nhau làm một cái gì đó tốt hơn cho ngành? Vai trò tư vấn của Hiệp hội đối với Nhà nước trong thời gian qua được cụ thể như thế nào?
Dưới góc độ doanh nghiệp, tôi nhận thấy Nhà nước đã “điểm” rất đúng lúc, rất kịp thời, hiện thực hóa cơ hội cho các doanh nghiệp. Tất nhiên về mặt chính sách, chủ trương còn cần phải thay đổi nhiều. Hội nghị toàn quốc về sản xuất đồ gỗ chế biến xuất khẩu, vào lúc thị trường đang bắt đầu sôi động, nghiêng dần về phía Việt Nam, với 5 chương trình mục tiêu chế biến gỗ của thành phố đã truyền đến cho doanh nghiệp những nhận thức mới về xuất khẩu, hiểu mình đang ở đâu, phải làm gì. Hiệp hội không chỉ là người tư vấn, mà đang phấn đấu vươn lên trở thành như một đối tác của Chính phủ, để cùng hoạch định chính sách phát triển của ngành. Tôi cho đó là điều kiện tốt nhất và tối ưu.
____
Lý do nào khiến anh có được một kiến thức và tầm nhìn như thế trong ngành kinh doanh này? Gỗ đã gắn bó với bản thân anh như thế nào?
Tôi có duyên nợ với gỗ, nó gắn bó với Sadaco và bản thân tôi vì nhiều lý do. Đó là một ngành hàng rất nhạy cảm. Vòng đời của sản phẩm chế biến gỗ ngắn, 4, 5 tháng là phải có sản phẩm mới. Điều đó đòi hỏi người làm nghề phải có đầu óc sáng tạo, luôn thay đổi phù hợp với thị hiếu và sở thích của khách hàng trong từng thời kỳ khác nhau. Là người năng động, nhanh nhẹn, tôi rất thích những cái mới, sáng tạo.
Càng đi sâu vào ngành gỗ, tôi càng thấy đam mê. Mỗi lần tổ chức các hội chợ, các đợt xúc tiến thương mại để ra một đơn hàng mới theo yêu cầu hoàn toàn khác nhau, lại đòi hỏi mình phải mày mò, suy nghĩ, không thể dừng lại. Làm mới mình bằng những chuyến đi sẽ giúp cho người lãnh đạo có tầm nhìn xa hơn, phân khúc thị trường phù hợp hơn với từng loại sản phẩm, cung cách kinh doanh, bố trí sản xuất, quản trị doanh nghiệp cũng mới mẻ hơn.
Ai đã bước vào ngành này đều rất gắn bó với nghề, vì nó luôn cho mình cơ hội để đổi mới, phát triển đi lên. Một điều đáng quý nữa là ngành gỗ có thể cải tạo những người nông dân không có tay nghề trở thành những công nhân kỹ thuật, thợ bậc cao, kế tục được truyền thống của ngành mộc lâu đời Việt Nam.
Làm lâu trong nghề, tôi nhận thấy phần lớn những người khai thác gỗ trái phép, buôn bán làm giàu nhanh chóng, về sau cũng bại xuội hết.
____
Anh có cảm thấy tâm tính của mình thay đổi nhiều khi theo đuổi ngành này?
Vất vả là thế, nhưng khi ra một thành phẩm rất tự hào, vì nó làm đẹp cho đời, tạo ra được một dòng sống, một phong cách sống mới. Thực sự nghề gỗ đã thay đổi khá nhiều tâm tính của tôi, nó buộc tôi vừa phải năng động, nhưng lại vô cùng cẩn thẩn, kỹ tính trong việc tạo ra chất lượng sản phẩm, nhất là những sản phẩm tinh xảo, độc đáo. Người ta thường nói “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Làm nghề mộc mà không có tâm, không là người tốt, làm việc tốt, thì không thể tồn tại được đâu. Có một yếu tố tâm linh rất huyền bí trong nghề này.
Làm lâu trong nghề, tôi nhận thấy phần lớn những người khai thác gỗ trái phép, buôn bán làm giàu nhanh chóng, về sau cũng bại xuội hết. Những người ky cóp chịu khó bằng bàn tay khối óc, có căn cơ, có gốc, thì đều có sự nghiệp vững vàng. Năm nào Hội của chúng tôi cũng gặp nhau trong ngày giỗ tổ. Ngoài ý nghĩa truyền thống, còn có yếu tố tâm linh, nhắc nhở những người làm nghề luôn hướng về điều thiện. Nghề này, chuyện lên xuống, thành bại rất thất thường, nhưng nếu có tâm linh tốt, thì cuối cùng cũng sẽ thành công.
____
Anh có cho rằng mình có khả năng đối chọi với những rủi ro?
Một doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, phải luôn chuẩn bị tinh thần đón nhận thành công và đương đầu với thất bại là chuyện bình thường. Trong quản trị có hẳn một khâu là quản trị rủi ro, phải biết chấp nhận rủi ro, dám nghĩ dám làm. Trong sự chấp nhận rủi ro phải có trí tuệ, mới có thể đi đến thành công được. Có những lúc suy nghĩ, thử nghiệm của mình chưa thành công, tôi cũng mua được một bài học kinh nghiệm.
____
Còn trong cuộc đời riêng, có bao giờ anh bị thua thiệt chưa?
Trong cuộc đời riêng cũng vậy. Sức ép của một trận bom năm xưa đã làm sức khỏe của tôi không được tốt. Nhưng tôi luôn nghĩ nếu đem hết sức phấn đấu cho một mục đích mà mình theo đuổi, thì kết quả đạt được sẽ thấm hơn, sâu sắc ý nghĩa hơn… Tôi có một cái dở là quá ham việc, luôn lấy hiệu quả là trên hết, làm việc bất kể ngày đêm. Kiểu sống như thế cũng không hay, nên có một thời gian hợp lý để nghỉ ngơi. Sức khỏe là vàng mà (cười sảng khoái). Tôi và anh em đã quá lao lực để xây dựng công ty đến ngày hôm nay. Đối với cuộc đời, cũng phải luôn chấp nhận thử thách, rủi ro, biết tiếp nhận nó và biết thay đổi bản thân mình.
____
Vì sao anh có được bản lĩnh đó?
Bản lĩnh không tự nhiên mà có, đó là cả một quá khứ đã trải qua, đã nếm mùi, đã đi đến và thấu hiểu. Tôi không dám nhận mình là người có bản lĩnh, những gì mà tôi có được chính là nhờ đã học được Sadaco.
____
Với tư cách là người lãnh đạo, theo anh làm thế nào để có được sự đồng lòng?
Trong một doanh nghiệp nhà nước, để có sự đồng lòng ấy là khó vô cùng, cái chính là mình sống với anh em phải thật lòng, thật tâm, cố gắng hết mình, phải thể hiện mình là người chăm chỉ trước tiên, mới có thể lôi kéo anh em hết lòng. Điều quan trọng nữa là luôn đặt ra cái mới cho anh em hướng tới, tạo sự hứng khởi, vươn tới trong công việc.
____
Nhưng đòi hỏi luôn luôn mới ấy có trở thành một gánh nặng?
Thực chất là có. Nhưng nếu một doanh nghiệp mà không có áp lực, không có động cơ gì cả thì làm sao đi đến thành công? Cuộc sống mà không có áp lực thì không có ý nghĩa gì cả.
Nỗi sợ lớn nhất của con người là sự cô độc. Dù anh có quyền lực đến đâu chăng nữa, thì cũng phải hòa đồng với tập thể.
____
Vậy với riêng mình, anh đã vượt qua được sự bận rộn của công việc để tận hưởng cuộc sống? Anh có thực sự tìm thấy niềm vui và sự đồng cảm trong mái ấm gia đình?
Tất nhiên là khó, nhất là cân bằng giữa gia đình và nghề nghiệp. Một trong những nhược điểm của người kinh doanh là thời gian dành cho gia đình quá ít, vì bị cuốn hút vào công việc. Tôi cũng hơi dở trong việc nghỉ ngơi thư giãn, không biết nhậu nhẹt, lại học suốt, nên thời gian lúc nào cũng thiếu. Nhưng “ăn nhau” là phải biết thuyết phục gia đình, phải truyền sự say mê của mình đến với gia đình, làm sao tạo được sự đồng cảm đối với những khó khăn của mình.
Vợ tôi là một trung tá quân đội, cô ấy rất thông cảm và hiểu được tâm huyết của tôi. Hai đứa con tôi một đang học ở New Zealand, một đang học đại học trong nước. Các cháu cũng theo đuổi ngành quản trị kinh doanh. Tôi rất muốn con theo nghiệp của bố, dẫu biết rất vất vả. Nghề kinh doanh luôn sáng tạo, có ý tưởng, kích thích trí tuệ con người phát triển theo hướng thị trường.
____
Anh không sợ con sẽ không đủ bản lĩnh?
Nó buộc phải đủ bản lĩnh, nếu không sẽ bị loại khỏi môi trường.
____
Điều gì làm anh hạnh phúc nhất?
Những suy nghĩ, trăn trở của mình được anh em đồng tình ủng hộ, và ngược lại niềm vui, vất vả của mình cũng được anh em cùng ghé vai chia sẻ. Niềm vui của mình là niềm vui người khác, cuộc sống của mình là hòa đồng với anh em. Nỗi sợ lớn nhất của con người là sự cô độc. Dù anh có quyền lực đến đâu chăng nữa, thì cũng phải hòa đồng với tập thể, thực sự đó mới chính là thành công của tôi.
____
Sự hòa đồng, gần gũi ấy có làm anh mất đi uy lực cần có của người lãnh đạo?
Tôi chỉ là người tổng hợp được sức mạnh của anh em, không có tôi thì người khác cũng có thể thay thế, nhưng không có anh em là thua. Chính vì vậy mà chưa bao giờ tôi lo lắng sự gần gũi anh em sẽ làm mất đi uy lực của người lãnh đạo, ngược lại, nó giúp tôi làm tăng lên sức mạnh của người lãnh đạo. Theo tôi người lãnh đạo phải có tầm nhìn, cao hơn thực tế, táo bạo. Luôn luôn phải là người tiên liệu xuất phát từ thực tế, nhưng lại có khả năng vươn tới những điều mà người bình thường cho đó là viển vông. Sợ nhất với người lãnh đạo là không có ý tưởng gì cả.