Ở tuổi 34, cùng một lúc kinh doanh bốn ngành nghề khác hẳn nhau: Làm du lịch, gia công giày, kinh doanh đồ gỗ xuất khẩu, nuôi trồng thủy hải sản… với Nguyễn Quang Hướng Dương – Giám đốc khu du lịch biển Ánh Dương, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Dương, cuộc đời lúc nào cũng là mới bắt đầu. Chưa bao giờ anh cho rằng mình là một doanh nhân thành đạt, những gì mà anh muốn chia sẻ với mọi người, nhất là giới doanh nhân trẻ, chủ yếu là kinh nghiệm … thất bại. Làm thế nào để đối chọi với thất bại? Cách hành xử với thất bại, làm thế nào để “mổ xẻ” đến tận cùng nỗi đau, để thấy được niềm vui chế ngự?…
____
Tốt nghiệp kỹ sư cơ khí Đại học Bách khoa TP.HCM, rồi học tin học, quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế, dường như anh đã chuẩn bị sẵn cho mình kiến thức để trở thành doanh nhân… Vậy mà anh đã liên tục vấp phải thất bại?
Tôi vốn là một chàng trai người Đà Lạt, xuất thân từ một gia đình làm nghề dạy học, hoàn toàn không có khái niệm gì về kinh doanh. Trong hoàn cảnh khó khăn, sau khi tốt nghiệp đại học, là anh cả trong gia đình, lúc ấy tôi chỉ nghĩ cách làm sao kiếm sống. Nhưng cùng với sự thay đổi của đất nước, ý niệm của tôi về công việc cũng thay đổi, từ mưu sinh, tôi tập tễnh bước vào kinh doanh.
Năm 1995-1996, tôi lập một trang trại nuôi tôm rất lớn ở bán đảo Cam Ranh – Khánh Hòa theo quy mô công nghiệp, đòi hỏi đầu tư về khoa học kỹ thuật với vốn gần ba tỉ đồng. Đó là số vốn lớn của gia đình và tôi quyết định dốc hết vào cuộc chơi. Đang lúc công việc diễn ra tốt đẹp thì một buổi sáng thức dậy, thấy tất cả các đìa tôm chết sạch. Lúc ấy tôi tưởng có thể chết đi được. Tôi loay hoay với không biết bao nhiêu nghề, từ khai thác rừng, chế biến gỗ, nuôi trồng thủy hải sản, trồng rừng, trồng cây công nghiệp… Rồi nảy ra ý tưởng đi làm du lịch… Những ngày đầu mò mẫm, thất bại nhiều lắm.
Cho đến giờ phút này khi nhìn lại, sự sống còn buộc tôi phải vươn tới nhanh đến mức không còn nhớ những thành công mà mình đã trải qua… mà chỉ nhớ đến thất bại. Không phải ai cũng thích “rút kinh nghiệm” dám mổ xẻ đến tận nơi tận chốn. Riêng tôi lại rất thích thú nghiền ngẫm thất bại của mình, càng đau càng thích, để rồi thấy rằng cái quý giá nhất mà tôi có được chính là những thất bại. Sự khác biệt lớn nhất giữa mong mỏi của tuổi trẻ và sự thiếu hiểu biết môi trường mình đang làm là lỗi mà hầu như bất cứ doanh nhân trẻ nào như tôi cũng mắc phải trong bước đường khởi nghiệp.
____
Nhưng anh lại thành công với khu du lịch biển Ánh Dương, một khu resort có slogan ấn tượng: “Khu du lịch Việt Nam, giá cả Việt Nam”, phải chăng đó là nhờ một ý tưởng kinh doanh tốt?
Mỗi lần đi nghỉ ở resort, tôi không hiểu tại sao giá cả mắc đến thế. Bản thân mình là người có đồng ra đồng vào mà còn không chịu nổi, làm sao người dân bình thường tới được đây? Từ đó tôi mong ước được làm resort dành cho người Việt Nam với giá rất… Việt Nam. Làm thế nào giữ được chất lượng và xóa đi ác cảm về giá cả, từ đó mới có thể kéo khách, để giải quyết bài toán doanh thu.
Chọn một vùng biển êm, rất hoang sơ, để đánh vô thị trường nội địa, điều đầu tiên tôi quan tâm là cự ly… Khó khăn mọi điều, từ chế ngự những khắc nghiệt thiên nhiên, trồng cây tạo quang cảnh, suốt hai năm đầu chỉ để tìm xem cây nào thích hợp và cây nào không thích hợp… Tôi không muốn nói về khó khăn, quan trọng là mình có say mê và quyết tâm tới cùng.
Tháng vừa rồi, Ánh Dương tiếp mấy đoàn thầy cô giáo và rất nhiều các tập thể công ty, như vậy là ý tưởng ban đầu đã thực hiện được. Dần dà, tôi thấy cả người ngoại quốc cũng tới đây, như vậy mới thấy đối với du khách trong hay ngoài nước thì giá cả vẫn là chuyện mọi người quan tâm. Du lịch đòi hỏi phải lớn kịp theo tình hình khu vực, không phải làm nhanh, làm tốt, mà làm cho thị trường tiếp cận dần giữa cung và cầu, tác động qua lại.
Tôi thích làm những gì đẹp cho cuộc sống, nhưng khi đã định hình, tổ chức xong, tôi để lại cho các em của mình làm. Biết đâu mấy tháng sau tôi lại bước sang một lĩnh vực hoàn toàn khác (cười)…
Không phải ai cũng thích “rút kinh nghiệm” dám mổ xẻ đến tận nơi tận chốn. Riêng tôi lại rất thích thú nghiền ngẫm thất bại của mình, càng đau càng thích, để thấy cái quý giá nhất chính là những thất bại.
____
Làm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Bình Dương bảy năm liền, công tác hội mang lại cho anh điều gì? Anh đánh giá thế nào về những đồng nghiệp trẻ của mình?
Công tác hiệp hội giúp tôi tự rèn luyện kỹ năng vận động và hòa mình vào cộng đồng, đó là kỹ năng mà bất cứ doanh nhân nào cũng cần. Tôi biết rất nhiều doanh nhân trẻ đang trải qua những vấn đề mà mình đã trải và đang còn mặc cảm nhỏ bé, nhưng tôi tin chính họ đang là những mầm sống rất năng động của tương lai.
Tôi nghĩ, vốn tiền bạc có được hay không chưa phải là quyết định, quan trọng nhất là làm sao biết mổ xẻ thất bại, đúc kết kinh nghiệm cho mình. Phải tư duy đúng và có khả năng đo lường rủi ro, có biện pháp bổ sung hỗ trợ… Tôi mong những doanh nhân trẻ không bị vấp những ổ gà không đáng như mình đã từng bị. Và cũng không có nghĩa là mình không vấp ổ gà một lần nữa.
____
Anh nghĩ gì về cơ hội? Có bao giờ anh cảm thấy khó khăn khi đi chinh phục một miền đất lạ? Khi đã lớn mạnh đến một mức nào đó, cần mở rộng kinh doanh, khó khăn thường gặp của các doanh nghiệp trẻ Việt Nam là gì?
Tôi nghĩ đã là doanh nhân thì thử thách bao giờ cũng ở phía trước, thường thường hôm nay nghĩ chuyện của ngày mai, ngày mốt. Nếu không lo tốt cho tương lai, sẽ tự đào thải trong thời điểm đất nước phát triển quá nhanh. Khi đất nước mở cửa, như một người ở giữa ngã tư đường, dù bạn có đứng yên thì cơ hội cũng va đập vào mình, quan trọng là xử lý nó thế nào.
Tôi nghĩ lớp trẻ bây giờ đều có cơ hội như nhau. Tôi không có khái niệm về ranh giới địa phương, làm ăn nơi khác riết rồi quen, mặt khác càng ngày đất nước càng tôn vinh doanh nhân đầu tư, đến địa phương nào cũng được đón tiếp rất vui vẻ, thuận lợi. Điều này đã xóa bỏ ranh giới khác biệt giữa các tỉnh rất nhanh và tạo điều kiện cho doanh nhân học hỏi.
Có ý tưởng là một chuyện, thành công được phải nhờ cách tổ chức thực hiện. Sau một thời gian khám phá nhiều nghề, tôi lại thấy tất cả đều có một điểm chung: đều cần đến phương pháp tư duy đúng về chuyên môn, nhân sự, đánh giá thực tế khách quan và có kiểm chứng. Đó là khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay. Đôi khi ý tưởng kinh doanh của người lãnh đạo đi nhanh hơn các nhân viên cấp dưới của mình, cần chấp nhận phương pháp bổ sung mang tính giai đoạn, phương pháp thăm dò về mặt nhân sự. Làm lãnh đạo mà tư duy không chuẩn thì chỉ có “bơi”.
____
Cách hành xử với đồng tiền, với thành công khi mình còn quá trẻ có là điều anh quan tâm?
Điều rất khó đặt ra cho các doanh nhân trẻ hiện nay là sắp xếp lại cuộc sống cho bản thân khi họ có tiền. Làm thế nào để thu xếp chuyện nhà, chuyện gia đình, họ hàng, bạn bè, người thân, hàng xóm láng giềng… sao cho ai cũng có công ăn việc làm, mọi người cùng phát triển giống mình là cả một vấn đề.
Chính lúc này mới cần hơn đến cái tâm, bản lĩnh. Do sống qua nhiều thời kỳ quá khó khăn cực khổ, khái niệm về đồng tiền của họ khá nặng nề, làm sao giải quyết được những day dứt với đời sống những người thân bên cạnh mình? Tôi rất tâm đắc với lời phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải: Khi có tâm phải có tầm, khi có tầm lại càng cần phải có tâm.
Tôi hay tự hỏi mình, ngày mai lỡ trắng tay liệu có còn làm lại được từ đầu? Khi nào trả lời “Còn” thì vẫn có nghị lực để tiến về phía trước.
____
Điều nào giúp anh vượt qua được những thất bại ấy?
Ý chí không muốn thua sút bạn bè, những người cùng trang lứa với mình. Nhiều lúc tôi nghĩ làm doanh nhân rất mong manh. Tôi hay tự hỏi mình, ngày mai lỡ trắng tay liệu có còn làm lại được từ đầu? Khi nào trả lời “Còn” thì vẫn có nghị lực để tiến về phía trước. Điều này rất quan trọng, làm như nó đã tồn tại trong vô thức, trong tâm cảm của riêng tôi. Điều kích thích mình trong cuộc sống chính là mong muốn mọi người xung quanh được hạnh phúc.
Mình đâu có nhu cầu bản thân nhiều đến mức phải lao vào kinh doanh nhiều như thế, mà là làm cho người thân, cho bà con mình vui… Nhìn vào ba mẹ, tôi thấy sức làm việc của mình vẫn chưa ăn thua gì. Ba tôi hiện cũng đang quản lý một công ty, làm việc ở hai trường đại học, còn mẹ tôi lo một khu vườn trồng lan trên Đà Lạt, và chuẩn bị khai trương khu du lịch núi… Thời gian này là lúc tôi đang cố gắng nghỉ ngơi một tháng, vì thấy sức khỏe mình đi xuống, cần phục hồi… Tôi không nghĩ mình thành đạt, mà chỉ thấy kinh doanh mang lại cho mình nhiều điều, đó là yêu công việc, yêu con người.
____
Khi gặp thất bại, anh có chia sẻ được với ai những vấn đề của riêng mình?
Người duy nhất mà tôi có thể chia sẻ là ba tôi. Chia sẻ khác an ủi. Chia sẻ đòi hỏi nội lực người đó phải mang tính tương đồng. Mỗi lần thất bại, tôi hay gặp ba, trò chuyện với ông, có khi chỉ là nhìn nhau mà cười, nhưng phải là cười cho sảng khoái. Đó là cả một quá trình “đọc” lại bản thân mình.
Lịch sử đất nước song hành với số phận từng con người, ở thời điểm này, nhu cầu cá nhân không còn quan trọng nữa, mà là nhu cầu làm giàu để quay ngược lại tái đầu tư cho đất nước. Nhiều lúc không ai có khả năng chia sẻ với mình chuyện đó đâu, phải học kinh nghiệm người lớn tuổi, hiểu vai trò đối với hiện tại và phải tiên đoán được tương lai… Đó cũng là quá trình hết sức tự nhiên.
____
Là anh cả trong gia đình, cáng đáng nhiệm vụ đầu tàu hướng dẫn các em trong kinh doanh, liệu anh đã giải được bài toán cân bằng giữa gia đình, công việc, chính mình?
Đó mãi mãi là bài toán, đời sống gia đình cũng là thách thức phía trước, đối với doanh nhân không có chữ “xong”. Mấy em tôi được đào tạo trong và ngoài nước, nên khá giỏi. Thời gian này tôi phải “né”, để cho các em của mình được chủ động điều hành công việc. Tôi luôn cố gắng hướng dẫn các em đúc kết kinh nghiệm ngày càng ngắn, yếu tố vấp váp trong cuộc sống sẽ ít đi. Quản lý theo kiểu gia đình đỏi hỏi nội lực văn hóa và điểm chung đủ lớn để lấn át mọi chuyện khác, nếu không sẽ rất dễ tan vỡ. Tôi nghĩ truyền thống là những gì bắt đầu từ sự cố gắng của bố mẹ, có thể hai ba thế hệ sau mới tượng hình, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ tri thức, đều phải học.
____
Anh vừa nói đến kỹ năng đối chọi với thất bại? Cách hành xử với thất bại của anh có bao giờ làm phiền hay ảnh hưởng đến gia đình?
Người Nga có câu: “Hãy để đôi giày bùn ngoài cửa”. Đối diện với thất bại, cần phải biết đè nén, chế ngự cảm xúc, chờ đợi sóng gió qua đi. Mọi chuyện đều phải đúng thời điểm, kể cả sự chia sẻ, bởi mỗi người có một khả năng chịu đựng và tiếp nhận khác nhau. Tôi rất tự hào vì có được một người vợ chu toàn, lo lắng cho hai đứa con trai nhỏ, cho gia đình chồng, mấy đứa em, toàn những công việc không tên… Rồi lại hỗ trợ tôi về sổ sách, giấy tờ… như người chị cả trong nhà. Ở cô ấy là những tố chất rất Việt Nam, kể cả cách cô ấy chia sẻ với tôi về thất bại.
Tôi không thích dấn sâu vào những triết lý mà mất đi ý chí chiến đấu. Tôi làm việc như một người già, nhưng hưởng thụ cuộc sống như một người trẻ.
____
Lúc nãy anh có nói sẽ nghỉ ngơi một tháng, anh đã thực hiện được chưa? Làm thế nào anh giải tỏa được stress cho chính mình?
Thực sự là chưa. Tôi cũng mong sao thu xếp được để đi chơi, có lẽ do khả năng thu xếp của mình kém quá. Giây phút hạnh phúc nhất là những buổi sáng uống cà phê, hay những bữa cơm tối cùng gia đình. Dù bận rộn tới đâu anh em tôi cũng cố gắng ăn cơm với nhau… Khi quá căng thẳng, tôi thích ở một mình, trồng cây, câu cá, gần với thiên nhiên. Tôi dường như cũng có máu nông dân trong người. Giống như “bò nhai lại” tôi đang gặm nhấm mọi chuyện, đó là giây phút con người tôi cảm thấy thỏa mãn, tự vui cả với những thất bại đã trở thành một thói quen…
____
Nghe sao có vẻ giống một ông già thế, khi anh còn rất trẻ?
Ba tôi vốn là một giáo sư dạy triết, 13-14 tuổi tôi đã đọc ngấu nghiến sách của ông mang về, tôi rất mê Cổ học Tinh hoa, Văn học phương Đông, chưởng Kim Dung, Tam Quốc Chí, hay những sách viết về các nhà thơ như Tô Đông Pha, Lý Bạch… bởi nó hàm chứa những triết lý sống rất gần với người Việt Nam mình. Nhưng tôi không thích dấn sâu vào những triết lý mà mất đi ý chí chiến đấu. Tôi làm việc như một người già, nhưng hưởng thụ cuộc sống như một người trẻ.
____
Dường như anh vẫn giữ được nguyên chất người Đà Lạt, lãng mạn, hào hoa, thích làm những gì mới, lạ?
Làm sao mà mất được. Khi con người sống hòa vào thiên nhiên, mới thực sự tìm được sự thăng hoa. Có những ngày ở Đà Lạt không một đồng xu dính túi, nhưng tôi thấy mình vẫn cười và huýt sáo vang trời… Chỉ có sự thăng hoa mới tạo ra những thang giá trị mới, giúp mình tìm thấy sự đột phá, mới lạ.