Những bài học về quản trị của ông bà Đỗ Long – Lai Kim, chủ thương hiệu Bitas’ là cái nhìn tích cực về mô hình doanh nghiệp gia đình.
Là dòng họ sản xuất giày dép hàng đầu của Việt Nam, “bộ đôi hoàn hảo” Đỗ Long – Lai Kim đã tạo dựng nên thương hiệu Bitas’ nổi tiếng phủ sóng khắp cả nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn thế giới. Cuộc đời ông bà với 36 năm gắn bó từ thời khởi nghiệp là một chuỗi khát vọng không ngừng để chinh phục những đỉnh cao mới, từ giày dép đến thời trang cao cấp, xây dựng khu công nghiệp…
Khởi nghiệp từ thời đất nước còn bao cấp, trải qua bao chinh chiến, thăng trầm, được mất, cốt cách của hai nhà sư phạm đã giúp ông bà làm giàu cho thương hiệu mà vẫn giữ được mái ấm gia đình.
“Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn”, ở chặng cuối cuộc đời, ông bà lại sánh bước bên nhau, cùng đem hết nhiệt huyết của đời doanh nhân để truyền lửa cho thế hệ trẻ, với group Quản trị và Khởi nghiệp đã lên đến 42 ngàn thành viên. Những bài học về quản trị của ông bà Đỗ Long – Lai Kim là cái nhìn tích cực về mô hình doanh nghiệp gia đình
Quan sát những cuộc đổ vỡ gần đây của các cặp vợ chồng doanh nhân, theo anh, thường những đổ vỡ trong công ty gia đình là vì những nguyên nhân nào?
Có lẽ có cả ngàn lý do, khó mà kê khai cho hết, tuy nhiên khi còn khó khăn thì các cặp vợ chồng doanh nhân thường gắn bó hơn khi đã làm ra nhiều tiền. Chính tiền bạc là “hung thủ giấu mặt” gây đổ vỡ cho các gia đình doanh nhân và cũng chính tiền từ người vợ hoặc người chồng đưa đẩy kẻ phá bĩnh thứ ba xuất hiện trong cuộc sống vợ chồng như chuyện bình thường khi mà cả vợ và chồng có mâu thuẫn nhỏ không giải quyết được.
Cũng có một thứ dễ gây đổ vỡ đó là nhóm cơ hội lợi dụng mâu thuẫn vợ chồng để khoét sâu thêm nhằm trục lợi. Sự gây gổ của vợ chồng về nuôi con cái, định hướng con cái không đến nỗi gây đổ vỡ gia đình bằng các nguyên nhân như lợi ích bên vợ, lợi ích bên chồng do những người thân hai phía khuấy động.
Ngay từ những ngày đầu thành lập và kéo dài cho đến hôm nay, sự phân chia quyền lực trong Bitas’ đã được tuân thủ nghiêm ngặt như thế nào? Vai trò của từng người trong từng giai đoạn có gì thay đổi?
Chúng tôi lập Công ty Bitas’ cũng từ mối quan hệ gia đình và có cùng quan điểm về ngành nghề ngay từ khi thành lập. Xuất phát điểm cũng từ chỗ vợ chồng cùng là bạn học từ trung học, đại học, dạy học rồi lập nghiệp, đây có lẽ là điểm căn cơ để chúng tôi hiểu nhau, cần nương tựa, hợp tác làm ăn ra sao trong từng bối cảnh khác nhau.
Với ba công ty: giày dép, may mặc, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, chúng tôi đều phân công chức danh theo bề nổi, ai cũng là chủ tịch, ai cũng là tổng giám đốc. Vấn đề là điều hành thì định rõ vai trò để không chồng lấn, tầng nấc, hoặc gây cho nhân viên phải chịu cảnh trên đầu nhiều chủ. Giải pháp cho một công việc là việc đó một người xử lý nhưng vợ hoặc chồng đều nắm rõ được.
Theo anh, để “thuận vợ thuận chồng” cần những yếu tố gì?
Ngoài nghĩa vợ chồng thì khi cùng làm ăn chung trong một doanh nghiệp, vợ hoặc chồng cần phải biết rõ những ưu khuyết điểm của nhau, để tự xác nhận và “phân công, phân cấp” cho thực dụng, không vì tự ái, nể nang mà chỉ có áp dụng thế mạnh của nhau để điều hành công ty.
Thí dụ tôi thích công việc giao tiếp xã hội, thích mảng xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp trong cả năm năm, 10 năm khi chưa có hình hài. Vợ tôi hiểu ông chồng mơ mộng kiểu đó thì “thả”, để tôi phát huy, nói một cách rõ hơn là “mơ mộng nhưng không viển vông”. Như vậy, tôi làm nhiều việc về quan hệ công chúng, khách hàng, đối tác và nhất là các giai tầng xã hội phức tạp tôi vẫn thích “đeo” để hỗ trợ cho việc kinh doanh.
Còn khả năng về “việc thật, việc tỉ mỉ, chi tiết, hạch toán lời lỗ, chăm sóc nhân viên”, theo sát kế hoạch sản xuất kinh doanh thì vợ tôi luôn là thế mạnh, cộng với tính tình trầm tĩnh, hòa hợp, chịu lắng nghe mọi người, nhất là nghe nhân viên đóng góp cho nên vợ tôi rõ từng li từng tí mọi việc ưu, khuyết trong công ty, để xử lý cho tốt.
Tính cách chị Lai Kim và anh có nhiều khác biệt không? Giữa hai người có bao giờ tranh cãi quyết liệt trong đầu tư kinh doanh hay phát triển dự án mới? Trong những tình huống ấy, nguyên tắc nào giúp anh chị vượt qua mâu thuẫn và tránh được đổ vỡ?
Cả nhân loại chắc khó tìm ra cặp vợ chồng nào không có mâu thuẫn, cãi vã, vợ chồng tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên chắc có lẽ sự tự hào của chúng tôi nằm ở chỗ là càng ở với nhau lâu thì sự cãi vã hầu như bớt dần bớt dần.
Và nhất là khi thấy con cái ngày càng trưởng thành, biết sự đời, biết có ý kiến đến các công việc làm ăn của cha mẹ thì chúng tôi gần như không còn cãi vã, hay nói đúng hơn không còn nhiều thời gian để cãi vã, mà chỉ còn đủ thời gian để trao đổi định hướng cho con cái sắp tới đây tiếp tục kế nghiệp ra sao, hoặc tự lập ra sao? Rồi khi đã đến cái tuổi quá 60 thì chúng tôi lại nghĩ đến thế hệ thứ ba sẽ ra sao?
Tuy nhiên thời kỳ khai nghiệp, chuẩn bị cho một vài dự án, ngoài những điểm tương đồng, chúng tôi vẫn có những bất đồng, tranh cãi, đôi khi quyết liệt nhưng có lẽ vì là bạn đồng học cho nên chúng tôi tìm giải pháp giữ yên lặng, không đẩy sự việc lên cao trào.
Tìm đến những người tư vấn ngoài gia đình hoặc tham khảo các doanh nhân bạn để giải tỏa những bất đồng, và nhiều lúc một phía chấp nhận phương án của phía kia rồi khi thành công hoặc thất bại thì vợ chồng sẽ tự điều chỉnh.
Bitas’ đang ngày càng phát triển, mở rộng lĩnh vực đầu tư và ngành nghề khác, mô hình quản trị gia đình cần phải thay đổi thế nào cho phù hợp?
Bitas’ đã có chặng đường 27 năm, nếu cộng cả thời gian chúng tôi làm việc tại Bitis’ thì chúng tôi đã có 36 năm lập nghiệp, dù con số không nói lên tất cả, nhưng chừng ấy năm thăng trầm, vất vả vì vật lộn với bao nhiêu thời kỳ lạ lùng của kinh tế Việt Nam, thật không dễ dàng gì!
Chúng tôi vẫn chưa giàu vật chất đúng ý nhưng chúng tôi giàu về tình cảm, tình thân gia đình, đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ, góp ý kiến cho từng thời kỳ đầu tư, kinh doanh
Hiện tại, mọi suy nghĩ về nghề nghiệp truyền thống mà chúng tôi đã trải qua hơn 25 năm có những lúc phải thay đổi, cách nhìn rộng lớn hơn. Khi mà công nghiệp tự động đã lấn sang ngành giày dép ngày càng nhiều, chúng tôi buộc phải xem xét lại mô hình sản xuất để kịp thời thay đổi công nghệ, thiết bị, kể cả xem xét thay đổi phương pháp quản lý.
Một trong những thay đổi có tính quyết định là cách điều hành theo phương pháp gia đình cần phải tăng gia “công nghệ”, không thể dùng kiểu gia trưởng trong từng công việc mà phải để công nghệ giải quyết công việc và cũng may mắn là thế hệ tiếp nối chúng tôi đều được đào tạo tại các nước công nghệ mạnh, họ tiếp nhận và chấp nhận thay đổi.
Chúng tôi nhận thức giữ truyền thống gia đình ở mảng văn hóa như tôn trọng, hiếu thảo với người già, cha mẹ, đoàn kết anh em, quan tâm xã hội là tốt, nhưng trong quản trị thời 4.0 thì cần đột phá cả nhận thức khó sửa từ những người quản lý kiểu cũ và chúng tôi làm được, hay nói đúng nhất “phải đi theo thế hệ thứ 2 để phát triển doanh nghiệp”.
Để tránh rủi ro cho thương hiệu, việc đào tạo đội ngũ kế thừa và chuyển giao quyền lực được Bitas’ chuẩn bị thế nào?
Việc đào tạo chuyển giao quyền lực không một sớm một chiều nhưng không được phép bỏ qua cơ hội cũng như kỳ vọng. Mọi việc sản xuất, kinh doanh giờ không hề đơn giản nếu không có sự chuẩn bị về mặt nhân sự, khi mà biên giới của thị trường không còn phân biệt đâu là thị trường trong nước, đâu là thị trường nước ngoài, hàng hóa của các nước đối thủ cạnh tranh đã hiện diện ngay tại sân nhà.
Chúng tôi không thể không chuẩn bị có những thay đổi, cho nên cốt lõi là ai sẽ tham gia trong cơ cấu quản trị công ty giai đoạn mới cũng sẽ đi theo hướng không phải lúc nào cũng là người của gia đình.
Anh có thể nói một chút về vợ mình – “Người đàn bà quyền lực của Bitas”? Kỷ niệm nào anh nhớ nhất từ thủa hàn vi đã hình thành nên mục đích kinh doanh bền vững của gia đình?
Tôi có một tài sản quý báu nhất là người vợ của tôi, chúng tôi đã có 36 năm vợ chồng, nếu tính cả thời gian là bạn học thời trung học và quen biết thì là 48 năm. Một nửa đời người!
Chúng tôi đều là giáo viên từ những năm đầu giải phóng và tưởng như sẽ lấy nghiệp nhà giáo để mưu sinh nhưng thật sự đến những năm sau 1978 thì không thể sống nổi với nghề nhà giáo khi cả hai quyết tâm sinh con.
Ngã rẽ khi lập nghiệp cũng khác, xuất phát từ gia đình, các anh chị đang có cơ sở sản xuất giày dép dù quy mô nhỏ nhưng làm ít ăn ít, làm nhiều ăn nhiều, thế là đồng cam cộng khổ cùng gia đình dựng nghiệp, đến 1991 tự tách ra thành Công ty Bitas’, đến nay đã 25 năm.
Vợ tôi, Lai Kim, nói cho đúng bản chất là người hào phóng, thương người, dễ động lòng thương cho dù người không phải trong gia đình, nhưng vẫn sẵn sàng giúp đỡ nếu rõ hoàn cảnh, lại là người ít muốn nổi tiếng theo kiểu xuất hiện trên mặt báo nên rất nhiều báo đài muốn tiếp cận, cô ấy đều tìm cách hoãn binh hoặc tôi chịu trận.
Riêng sức làm việc có lẽ tuổi trẻ bây giờ cũng khó ai bì kịp, mỗi sáng 6 giờ cô ấy đã chong đèn xem tài liệu, tối mịt hơn 18 giờ mới về nhà, ngày lễ, ngày nghỉ vẫn dành cho công việc. Nếu nói người làm kế hoạch giỏi thì cô ấy là số một: sắp xếp công việc, gia đình, con cháu, bạn bè không bao giờ lệch lịch và luôn hoàn thành công việc.
Chúng tôi vừa lo sản xuất giày dép, vừa lo nhà máy quần áo, vừa lo cho việc kêu gọi đầu tư và phát triển KCN tại Bình Thuận, không hề đơn giản tí nào, rõ ràng nếu bảo một ngày có 24 tiếng thì chúng tôi không thể đủ để làm việc.
Vài năm trở lại đây, con gái và con rể cũng bắt đầu tham gia, gánh một phần công việc, mặc dù các con cũng có lập nghiệp riêng. Nên chúng tôi luôn nói rằng gia đình chúng tôi sợ làm một việc không đủ sống hay sao mà làm thêm việc khác nữa? Chắc có lẽ do “thích công việc”, và chính công việc làm cho mọi thành viên gắn kết hơn.
Để gìn giữ mái ấm gia đình và phát triển thương hiệu giày dép hàng đầu Việt Nam, anh chị đã từng trải qua những thử thách nào cam go nhất? Làm thế nào để truyền niềm tin ấy cho từng nhân viên?
Thách thức trong lĩnh vực sản xuất giày dép, may mặc là rất lớn, độ lớn mạnh của ngành da giày, may mặc Việt Nam không kịp với thế giới, cho dù đang đứng hạng nhất nhì về sản xuất, nhưng gần 70% là gia công.
Những doanh nghiệp tự nỗ lực xây dựng thương hiệu như Bitas’ thì vật vã chống chọi trên thương trường vì đụng nhiều cơ chế, nhiều thứ cạnh tranh không lành mạnh, rồi hàng giả, hàng nhập lậu tràn lan không thể xử lý nổi, bất cập về nguồn lực sản xuất luôn biến động.
Chúng tôi không ngừng nghỉ để luôn tìm hướng thay đổi, luôn biến hóa, luôn chăm chút mở rộng thị trường cũng như điều chỉnh chiến lược kinh doanh, luôn đặt niềm tin với người tiêu dùng trung thành tại Việt Nam, vẫn luôn tin tưởng về chất lượng, kiểu dáng và giày dép Bitas’ sẽ có nhiều không gian, phân khúc phát triển.
Các con anh cũng đã và đang chuẩn bị cho cuộc chạy tiếp sức này như thế nào? Thế mạnh và vị trí của từng người?
Cả ba người con khi bước sang năm mới của cấp tiểu học chúng tôi đã có định hướng về nghề nghiệp, mong muốn con cái nối nghiệp trong tương lai, đương nhiên chúng tôi vẫn là lớp người cởi mở, không đóng khung, vẫn để cho con cái có những lựa chọn cho tương lai của chính bản thân mình.
Khoảng cách từ học thức, tiếp cận thời đại khác nhau cũng là trở lực trong vấn đề thuyết phục con cái theo nghề nghiệp cha mẹ cho dù ngành nghề đang phát đạt nhưng vẫn lo con cái bị áp lực.
Cách duy nhất để con cái dần dần thu ngắn khoảng cách là cho các con vào các vị trí công việc cấp thấp, có va chạm nhiều, thấy rõ quy trình, hiểu con đường cha mẹ đã đi qua… Nhiều việc giao dần để con chủ động tiếp cận, xử lý, và ủng hộ để các con ra lập một nghiệp khác chẳng ăn nhập gì với giày dép, miễn là các con phải đóng tròn các vai do muốn nhiều vai.
Hiện hai con lớn đều mở công ty khác nghề giày dép của gia đình, tuy nhiên vẫn phải lên lịch làm việc tại công ty.
Anh có thể chia sẻ một chút về kinh nghiệm nhiều đời của các gia tộc Trung Hoa trong việc nuôi dưỡng thương hiệu gia đình cả trăm năm?
Một kinh nghiệm mà không riêng gì chúng tôi, các doanh nhân người Hoa trên thế giới này khi nuôi dạy và chuyển giao sự nghiệp cho con cái đều có một điểm giống nhau là: “Nói cho con biết sẽ làm gì trong tương lai ngay từ rất nhỏ, có khi mới học lớp 5, lớp 6”, và nuôi dưỡng mãi ý tưởng đó cho con, ngay cả khi cha mẹ mất thì ý tưởng đó vẫn theo con cái.
Thêm một kinh nghiệm của vợ chồng tôi khi quyết tâm làm một thương vụ hay một dự án thì chúng tôi đặt mục tiêu “làm tốt nhất” ngay cả khi xây dựng KCN Bitas’ tại tỉnh Bình Thuận, chúng tôi cũng biết rõ sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn kêu gọi nhà đầu tư vào KCN, vì KCN chúng tôi xây dựng không chấp thuận nhiều ngành ô nhiễm.
Chúng tôi phải bỏ nguồn kinh phí rất lớn để xây nhà ở cho công nhân, có chất lượng như nhà ở thương mại hạng nhất tại đô thị lớn khác. Quan niệm “làm tốt nhất” khiến chúng tôi vất vả, đôi lúc hụt vốn nhưng chúng tôi vẫn phải làm, vì tôi tin xã hội sẽ nhìn nhận, người lao động yên tâm và môi trường làm việc xanh, sạch làm cho con cháu chúng tôi khi tiếp nối không phải nhận hậu quả do chúng tôi để lại.
–Theo TheLeader