“Kinh doanh là một lời nguyền cay đắng” – tôi nhớ ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch tập đoàn Thép Việt đã nói như vậy khi tâm sự về nghề kinh doanh. Câu nói này, bất giác hiện về khi nghe Lê Thái Hoàng, “chàng công nhân nghèo là chủ hệ thống 16 nhà hàng Thái tại Việt Nam với 463 nhân viên”, kể về những lần thất bại của mình…
Từ những nỗ lực vượt khó
Lê Thái Hoàng là một cái tên rất quen ở Đà Nẵng. Quen, vì hệ thống nhà hàng Thái của anh rất nổi tiếng và đông khách. Nhưng quen hơn, là vì anh luôn nhận lời xuất hiện ở vai trò người cố vấn cho các cuộc thi khởi nghiệp, hoặc một nhà tài trợ vui vẻ cho các hoạt động của sinh viên, hoặc đôi khi là nhà đầu tư thiên thần cho một dự án sáng tạo độc đáo nào đó của người trẻ miền Trung. Và lại càng quen hơn nữa, khi Hoàng luôn có mặt ở các lớp học, các chuyên đề, hội thảo và lắng nghe, học hỏi một cách vô cùng nghiêm túc. Tôi thích nói chuyện với Hoàng, là vì sự nghiêm túc học tập không ngừng này.
Hơi có chút thành công, nên chuyện ôn nghèo kể khổ một thời vượt khó là điều… vô cùng phổ biến. Ai ở Đà Nẵng có lẽ cũng từng biết chuyện Hoàng hai lần thi rớt đại học, đi làm công nhân xây dựng, làm thầu xây dựng, bị phá sản rồi đi học nấu ăn về mở nhà hàng. Thậm chí, có cộng đồng “fuck-up – tắt đèn kể chuyện kinh nghiệm thất bại cuộc đời” ở Đà Nẵng còn tụ nhau lại nghe Hoàng tâm sự chuyện đời, đổ vỡ quan hệ hợp tác với đối tác đến mất lòng tin, lao đao hai năm trời mới vượt qua sóng gió này nọ…
Xứ Đà Nẵng nhỏ, nên người ta còn kể vanh vách Hoàng đã mở bao nhiêu cái nhà hàng không thành công, phải chịu lỗ mà đóng cửa chắc bị ngân hàng “ăn thịt” ghê lắm nữa!
Nhưng mấy chuyện đó… không có vui. Chuyện vui là được theo dõi hành trình của Hoàng suốt nhiều năm, thấy được sự trưởng thành của cá nhân anh và doanh nghiệp của mình. Thí dụ, tôi có xách hồ sơ của Hoàng, lúc đó muốn mở một chuỗi nhượng quyền thương hiệu nhà hàng Thái Lan sau bốn nhà hàng rất thành công ở phân khúc bình dân tại Đà Nẵng, đi gặp chuyên gia.
Chuyên gia phán: nho hãy còn xanh. Hoàng không nản chí, cũng không xấu hổ tí nào, lụi cụi đăng ký đi học. Học quản lý nhà hàng. Học thương hiệu. Học nhượng quyền. Học tiếng Anh. Học tùm lum thứ. Mỗi lần ghé quán của Hoàng, là biết ngay anh mới đi học món gì đó mới, vì thấy một chút cải tiến được ứng dụng.
Hồi đó tôi có dạy học quản trị kinh doanh, hay dẫn sinh viên vô nhà hàng Thai Market của Hoàng ở gần trường để giải thích: “Hôm nay các bạn thấy quán khác chỗ nào không? À, có thêm món da heo chiên giòn để trên bàn. Đó vừa là tăng trải nghiệm cho khách hàng khi phải chờ. Lại tăng doanh số. Lại tạo thêm việc làm cho đội ngũ lúc rảnh rang. Đó là một loại suy nghĩ theo hướng tối ưu hóa, mỗi ngày một chút. Mà nói như triết lý nhà Phật, là tinh tấn, không có thay đổi đột phá, mà đều đặn, mỗi ngày một chút. Và đó là bền bỉ…”.
Đến hành trình trải nghiệm cuộc đời
Tinh tấn, mà theo toán học thì chính là nguyên tắc “mỗi ngày tốt hơn 1%”. Nguyên tắc này cũng đơn giản như sau: nếu mỗi ngày chúng ta tốt hơn 1%, thì một năm 365 ngày nhân lên chúng ta sẽ tốt gấp 37,8 lần so với năm trước. Khi nhìn thấy Hoàng cương quyết xin đóng cửa toàn bộ hệ thống để tổ chức huấn luyện cho gần 500 nhân viên của mình khắp cả ba miền đất nước, tôi nghĩ đã đến lúc mình trao đổi với Hoàng một câu chuyện khác, chuyện của một người sắp bốn mươi tuổi – tứ thập nhi bất hoặc…
____
Anh định nghĩa thành công với mình là gì? Nó có khác gì với định nghĩa trước đây của anh không?
Thành công với tôi đơn giản là cảm thấy được tự do. Tự do trong công việc, tự do trong cuộc sống, tự do trong lựa chọn và quyết định…
Tự do ở đây không đồng nghĩa với việc không làm gì cả, tự do là khi mình có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả, đặc biệt là giúp người khác cùng làm được những điều đó. Hiểu một cách đơn giản hơn, tự do đó là khi năng lực của mình có thể giúp mình hoàn tất trách nhiệm của bản thân, lúc đó mình sẽ cảm thấy tự do, và tất nhiên thành công chính là hệ quả của việc đó. Nó khác rất nhiều so với trước đây. Xưa tôi chưa từng định nghĩa được bản thân, luôn thấy quá nhiều việc và rối hết cả lên…
____
Điều gì đang làm anh thấy tự hào nhất?
Tôi tự hào nhất với 3 thứ:
– Gia đình: là nơi tôi được sinh ra, lớn lên, được nuôi dạy thành một con người đầy tính trách nhiệm và làm việc một cách tận tâm. Là nơi tôi cảm thấy bình yên nhất khi trở về, nơi tôi được yêu thương vô điều kiện.
– Sản phẩm của tôi: là những bữa ăn ngon miệng, nơi mà Thai Market, Pi Thai, MorFai đang phục vụ, là những văn hóa tận tâm mà tôi tạo ra…
– Đội ngũ cộng sự của tôi: Họ chính là tài sản vô giá mà tôi đã may mắn có được, tập hợp, kết nối được trong suốt quá trình học tập và cùng nhau trải nghiệm 10 năm khởi nghiệp qua, có những người đã làm cùng tôi 3 năm, 5 năm, 7 năm và có người đã 10 năm.
____
Điều gì đang làm anh thấy hạnh phúc nhất?
Tôi là một người khá lạc quan, có thể chính điều đó giúp tôi luôn có một tinh thần sảng khoái, vui vẻ. Tôi hạnh phúc khi được phục vụ mọi người, điều đó càng hạnh phúc hơn khi những người được phục vụ cảm nhận được những tình cảm mà tôi trân trọng gửi vào đó, đặc biệt là những người tôi yêu quý.
____
Điều gì đang làm anh thấy lo lắng nhất?
Tôi thấy mình khá thách thức với vấn đề sức khoẻ, tôi không phải là người chăm rèn luyện thể dục, thể thao. Việc đó có thể hệ lụy đến công việc và cuộc sống.
____
Khó khăn lớn nhất mà anh đã gặp phải là gì? Làm sao để đi qua khó khăn đó?
Tôi từng là người rất bốc đồng, nóng tính và giữ cái tôi lớn mà mình không nhận thức được. Vượt qua được những điều đó đối với tôi là khó khăn lớn nhất. Hiện tại tôi đang học và rèn luyện để biết cách kiểm soát “con quỷ” đó trong mình…
____
Ai là doanh nhân mà anh ngưỡng mộ nhất? Vì sao?
Tôi ngưỡng mộ nhiều người, trong đó tôi ngưỡng mộ một anh doanh nhân trong ngành thời trang về tấm gương cầu tiến và tinh thần hỗ trợ đồng đội hướng đến khát vọng lớn.
Ngoài ra còn có nhiều người khác về mặt đời sống, văn hóa, trí tuệ…
____
Tố chất nào của một doanh nhân mà anh theo đuổi nhất? Vì sao?
Tinh thần dấn thân, tận tâm, trách nhiệm đối với công việc, đối với cộng sự.
____
Là một doanh nhân “tỉnh lẻ”, mở rộng làm ăn ở Sài Gòn và Hà Nội, điều gì là áp lực lớn nhất và điều gì là lợi thế lớn nhất?
Tâm thế của tôi là cho dù mình ở đâu thì khát vọng vươn lên mới định nghĩa được đó là “tỉnh lẻ” hay “tỉnh chẵn”. Không có địa phương nhỏ bé, chỉ có khát vọng to nhỏ khác nhau mà thôi. Tôi nhận ra là cho dù ở đâu cũng sẽ có thuận lợi, khó khăn khác nhau.
Tôi thấy mình cũng có nhiều lợi thế từ việc đi ra từ một địa phương nhỏ như Đà Nẵng, cụ thể đó là tinh thần và tính cách của mình: chân thành, ham học hỏi và sự cần cù chịu khó của mảnh đất đầy khắc nghiệt.
Tôi cũng dự đoán và đón nhận những thách thức ở thị trường mới Sài Gòn, Hà Nội như môi trường và áp lực cạnh tranh, chuyển dịch văn hóa kinh doanh và các khác biệt pháp lý, hành vi người tiêu dùng.
____
Nếu bây giờ làm lại, anh muốn thay đổi quyết định nào trong kinh doanh?
Nếu được quay lại, tôi muốn mình bắt đầu bằng việc học tập chăm chỉ và nhận thức bản thân trước khi kinh doanh. Đó chính là nền tảng cho mọi câu trả lời nên học gì, nên làm gì.
– Ảnh: TLNV