Thông tin được công bố tại họp báo công bố kết quả dự án “Khảo sát và bình chọn Ví điện tử tiêu biểu Việt Nam” năm 2018 do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức, diễn ra chiều 17-4.
Dự án “Khảo sát và bình chọn Ví điện tử tiêu biểu Việt Nam” năm 2018 được thực hiện hơn ba tháng, với sự tham vấn của các chuyên gia dựa trên năm tiêu chí: Tính nhận biết và phổ biến; Bình chọn được người tiêu dùng yêu thích và tin cậy nhất; Khả năng liên kết, mở rộng với các nhà cung cấp và hệ thống ngân hàng; Tính tiện lợi trong giao dịch, thanh toán, sử dụng ứng dụng; Tính an toàn, bảo mật.
Đối tượng khảo sát trải rộng từ học sinh, sinh viên cho đến công nhân, viên chức với độ tuổi từ 18-60 tuổi.
Kết quả thu được từ hơn 800 phiếu khảo sát, ban tổ chức công bố, dẫn đầu là ví điện tử MoMo (trực thuộc Công ty cổ phần dịch vụ Di động Trực tuyến).
Ra đời từ tháng 6-2014, ứng dụng ví MoMo hiện nay đã có mặt trên hai hệ điều hành phổ biến iOS và Android với hơn 5 triệu người dùng. MoMo hiện là đối tác của 15 ngân hàng và thẻ quốc tế. Người dùng MoMo có thể thanh toán mọi tiện ích hằng ngày.
Ứng dụng MoMo cho phép mua sắm và thanh toán khoảng 200 dịch vụ tiện ích như mua vé xem phim, vé may bay, các e-voucher; thanh toán các khoản vay tiêu dùng hoặc các điểm bán hàng có kết nối ứng dụng… Bên cạnh tiện ích thanh toán, ứng dụng MoMo cũng giúp nhắc cước thanh toán hằng tháng các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, internet, truyền hình… Hiện MoMo đặt mục tiêu tăng lượng người dùng ứng dụng lên 50 triệu người vào năm 2020.
Ở những hạng mục bình chọn khác, ví điện tử Samsung Pay (trực thuộc Công ty TNHH Điện tử Samsung Vina) được bình chọn là phương thức thanh toán di động độc đáo.
Trong khi đó, ở hạng mục giải pháp thanh toán di động đa năng, ví điện tử BankPlus trực thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội được bình chọn vị trí số 1.
Tính đến thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử được cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam. Trong cuộc khảo sát lần này một thiếu vắng một số tên tuổi như Payoo của VietUnion, Senpay của FPT hay Webmoney VietNam của Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Việt Nam Trực tuyến – Vietnam Online…
– Theo Báo Người đô thị