Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) – một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên đã lên tiếng cảnh báo, nếu chúng ta muốn bảo vệ đại dương xanh, bảo vệ động thực vật ở các đại dương không bị đe dọa tuyệt chủng thì phải có ngay các biện pháp ngăn chặn nạn xả chất thải rắn xuống biển, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ lệ vô cùng to lớn.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đại dương Thế giới tổ chức tại Playa del Carmen, Mexico vào ngày 11-3 vừa qua, Chủ tịch WWF đã chính thức lên tiếng kêu gọi xây dựng một Hiệp định Đại dương tương tự như Hiệp định biến đổi khí hậu Paris (COP21) về bảo vệ môi trường biển. Bà Jenna Jambeck, kỹ sư môi trường của Đại học Georgia – trưởng nhóm nghiên cứu của WWF cho hay, hiện có 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra biển mỗi năm. Bà cũng nhấn mạnh nguy cơ đến năm 2025, sẽ có tới 155 triệu tấn mỗi năm nếu không cải thiện cách thức xử lý rác hiện tại.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới từ năm 2016 đã kết luận: Với đà tăng của các loại rác thải nhựa trên biển như hiện nay, đến năm 2050, khối lượng các loại rác thải này sẽ ngang bằng với khối lượng của các loài cá trên khắp các đại dương nếu tốc độ gia tăng vẫn “chóng mặt” như hiện nay. Một nghiên cứu mới đây của APEC ước tính, các nước thành viên của tổ chức này hằng năm phải chi trả tới 1,3 tỉ USD để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường biển.
Cũng theo báo cáo của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), hằng năm thế giới phải chi trả số tiền từ 80 tỉ USD đến 120 tỉ USD cho việc sản xuất bao bì bằng nhựa. Theo các nhà khoa học, một vỏ chai bằng nhựa cần đến 400 năm mới có thể bị phân hủy, sau khi bị phân hủy, nó biến thành các hạt vi nhựa và tiếp tục thâm nhập vào nguồn động thực vật.
Sự gia tăng nhanh chóng lượng rác thải nhựa ra biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn hải sản cũng như sức khỏe con người. Tuy nhiên, giải pháp chung hiện nay vẫn chỉ thông qua những chương trình hành động cụ thể của các quốc gia trong việc hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, nỗ lực cùng nhau tuyên truyền, vận động ý thức của người dân. Mặt khác, ưu tiên cho các chương trình ngăn chặn, hạn chế tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển.
Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường biển trên toàn cầu, đề xuất trên đang được cộng đồng quốc tế quan tâm nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa gây ra.