Tại diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2018 diễn ra trong tuần qua, quy trình xuất khẩu hàng thông qua nền tảng Amazon là một trong những chủ đề được các doanh nghiệp trong nước quan tâm nhiều nhất. Thời gian gần đây, một số đại diện của Amazon đã bày tỏ ý muốn hợp tác với các đại diện Việt Nam để khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam xuất khẩu hàng hóa thông qua kênh của họ.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, Amazon hiện chưa có ý định tham gia vào thị trường bán lẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, Amazon sẽ thông qua VECOM để cung cấp kiến thức, công cụ, giáo trình, chuyên gia đầu ngành… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt bán hàng trên trang web này, tiếp cận với khách hàng trên khắp thế giới. Bằng công cụ Fullfillment by Amazon (FBA), Amazon làm nghiệp vụ kho, đóng gói và vận chuyển hàng đến cho người mua, chăm sóc khách hàng tại thị trường quốc tế.
So với các phương thức xuất khẩu truyền thống cần qua nhiều trung gian nhập khẩu và phân phối, việc xuất khẩu qua Amazon đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tiết kiệm chi phí vận chuyển, hoàn thiện đơn hàng và quy trình phân phối sản phẩm tới khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt sẽ được tiếp cận với lượng khách hàng khổng lồ trên Amazon dưới chính tên thương hiệu mình.
Theo chuyên gia Phạm Khánh, người từng có ba năm kinh nghiệm đưa hàng qua Amazon thì xuất khẩu qua Amazon mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ với tiềm lực về tài chính, nhân lực hạn chế. Tuy nhiên, để thành công trong quy trình đưa hàng từ Việt Nam sang Amazon, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ càng. Đặc biệt là về nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng thị trường nước ngoài và các đối thủ.
Để kiểm soát chất lượng sản phẩm, phía Amazon luôn yêu cầu doanh nghiệp có những giấy tờ cần thiết tương tự như việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, doanh nghiệp cần giấy chứng nhận FDA đối với các mặt hàng chăm sóc sức khỏe cho con người và động vật. Để đơn giản hóa, doanh nghiệp nên hợp tác với các đơn vị hỗ trợ có chuyên môn và kinh nghiệm.
Ngoài ra, tại diễn đàn, ông Phạm Khánh cho biết Amazon tính phí FBA dựa vào nhiều yếu tố như loại mặt hàng, kích cỡ và phí trung bình khoảng 30% giá trị sản phẩm, trong đó có khoảng 15% phí đóng gói, vận chuyển tại thị trường quốc tế. Về việc vận chuyển hàng từ Việt Nam sang kho của Amazon, ông Khánh cho biết doanh nghiệp Việt phải tự tìm các đối tác logistics để vận chuyển hàng qua cho Amazon.
Như vậy, từng bước trong chuỗi quy trình đưa sản phẩm từ Việt Nam sang kho hàng của Amazon: từ thủ tục, làm giấy tờ sản phẩm, vận chuyển… đều đòi hỏi doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng và cần hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Trên thực tế tại Việt Nam, vì việc xuất khẩu bằng thương mại điện tử xuyên biên giới đang ở giai đoạn đầu nên cơ hội cho những doanh nghiệp đi đầu khá lớn.
Điển hình là Công ty May 10 đã tận dụng được Amazon để bán hàng cho người tiêu dùng cá nhân. Lãnh đạo Công ty May 10 cho biết xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử có nhiều lợi thế như tăng hiệu quả tiếp cận, marketing đến khách hàng, giảm thời gian chuyển hàng. Các chuyên gia tính toán lợi nhuận có thể tăng gấp ba lần khi doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp được hàng hóa đến tay từng người tiêu dùng trên thế giới.