Hiện nay, theo quy định, ngày 21 tháng 6 hằng năm được lấy là “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”. Đây là một ngày kỷ niệm rất có ý nghĩa. Tuy vậy, xét về lịch sử báo chí, không thể không nhắc đến Gia Định báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên của nước ta.
Theo các tư liệu lịch sử, Trương Vĩnh Ký (1837-1898) người Bến Tre, được biết như một nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng. Năm 1865 ông làm đơn xin phép xuất bản tờ báo tiếng Việt lấy tên là Gia Định báo. Tờ báo được phép xuất bản theo Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ ngày 1-4-1865, nhưng là cấp cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, thông ngôn tại Soái phủ Nam Kỳ. Tờ báo ra số đầu tiên ngày 15-4-1865 tại Sài Gòn. Đến ngày 15-5-1869, mới có Nghị định của Chuẩn Đô đốc Ohier giao cho Trương Vĩnh Ký làm Giám đốc và Huỳnh Tịnh Của làm Chủ bút. Báo hoạt động được 44 năm, số cuối cùng ra ngày 31-12-1909 và ngày 1-1-1910 thì đình bản. Gia Định báo phát hành trong phạm vi vùng chiếm đóng của thực dân Pháp lúc đó là ba tỉnh miền Đông Nam bộ, có khổ 25 x 32cm và giá 0,97 đồng/tờ. Thời gian đầu, báo ra mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 15 hằng tháng, sau đó, ra mỗi tháng 2 kỳ, rồi mỗi tuần 1 kỳ, tuy nhiên ngày ra báo của Gia Định báo không cố định. Số trang của Gia Định báo cũng không cố định, khi thì 4 trang, lúc 12 trang. Tiếp theo Gia Định báo, một số tờ báo tiếng Việt khác đã ra đời, như Phan Yên báo (năm 1868), Nông cổ mín đàm (1900), Lục tỉnh báo (1910), v.v… Tuy theo các nhà nghiên cứu, còn một số vấn đề về tờ báo này như văn kiện xác định thời điểm chính thức xuất bản và đình bản, các thời kỳ phát triển của báo, v.v… cần được xác minh đầy đủ hơn, song việc ra đời của Gia Định báo và những báo tiếng Việt nói trên là một sự kiện lịch sử quan trọng trong việc đặt nền móng cho báo chí Việt Nam.
Trong bối cảnh nước nhà thời đó, việc ra đời Gia Định báo là một cố gắng rất đáng trân trọng của các sĩ phu thức thời trong việc mở mang dân trí, chấn hưng đất nước. Đó chính là thời gian mà giới tân học đang thích dùng chữ Pháp, giới sĩ phu còn nhiều người lưu luyến chữ Hán, cho nên tuyên truyền, quảng bá chữ quốc ngữ là cực kỳ gian nan. Thời gian đầu, Gia Định báo còn tập trung vào đăng tải các nghị định, thông tư của chính quyền thực dân, nhưng từ thời Trương Vĩnh Ký, đã có nhiều bài biên khảo, nghiên cứu, thơ, văn, lịch sử; báo không chỉ cổ động cho việc học và sử dụng chữ quốc ngữ mà còn mở đường cho thể loại văn xuôi Việt Nam, và quan trọng hơn cả, là đã đặt nền móng cho sự hình thành nền báo chí nước ta. Với tài năng bẩm sinh, nhà báo họ Trương đã tạo được sự thu hút của độc giả đương thời. Ông đề ra ba mục đích cho tờ báo: truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân. Cũng như một số văn sĩ sinh ra ở miệt vườn phương Nam, nhà báo họ Trương chủ trương dùng một thứ chữ dễ dãi, viết như nói, không chải chuốt, hoa mỹ, cầu kỳ, có ý thức giữ gìn sự trong sáng, phong phú của ngôn ngữ dân tộc, nhưng không dung tục, thực dụng, mà là ngôn ngữ của những người bình dân tự trọng, có văn hóa.
Tại cuộc Hội thảo kỷ niệm 140 năm Gia Định báo tổ chức ngày 23-12-2005 tại TP. Hồ Chí Minh, các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu đều nhất trí nhấn mạnh vai trò của Gia Định báo từ khi ra đời đến những đóng góp của tờ báo này trong tiến trình phát triển tiếng Việt và những giá trị quan trọng cống hiến cho nền báo chí và lịch sử nước nhà. Đặc biệt, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đánh giá cao Gia Định báo và coi đây như là “một di sản văn hóa phi vật thể xuất hiện từ đầu thời Pháp thống trị giúp ta hiểu được khúc quanh lịch sử của đất nước ta: từ phong kiến Á Đông chuyển sang thuộc địa nửa phong kiến, bắt đầu sử dụng quốc ngữ Latin đồng thời học tập theo khoa học thực nghiệm Tây phương”. Tiến sĩ ngôn ngữ Lê Khắc Cường cho rằng ngôn ngữ sử dụng trên Gia Định báo là những lời ăn tiếng nói của người dân Nam bộ, gần gũi với phong cách báo chí hiện nay.
Rất mong các nhà báo và những người yêu lịch sử nước nhà hãy nhớ đến Gia Định báo, tìm hiểu sâu hơn nữa về lịch sử báo chí tiếng Việt từ những năm đó, coi đây là một cách tri ân những người đã khai phá, qua đó càng thêm tự hào tiếp nối truyền thống báo chí tốt đẹp của cha ông chúng ta.
- Vũ Quốc Tuấn, Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng (1993-2006)