- Ngân hàng Thế giới WB vừa đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2018 sẽ tăng và đạt mức 3,1%, tiếp tục thời kỳ tăng trưởng cao hơn dự đoán trong năm 2017. Cơ sở dự báo mức tăng trưởng này là do đầu tư, công nghiệp chế tạo và thương mại đều hồi phục và các nền kinh tế xuất khẩu nguyên vật liệu được hưởng lợi từ xu thế tăng giá các loại mặt hàng này. Theo WB, chắc chắn năm 2018 sẽ là năm đầu tiên nền kinh tế thế giới hoạt động hết hoặc gần hết công suất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Dự kiến các hiện tượng trì trệ trong nền kinh tế sẽ không còn nữa nên các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn xa hơn việc đơn thuần sử dụng các công cụ tiền tệ và tài khóa vốn chỉ thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn.
- Các thông tin về tài khoản ngân hàng của công dân nước ngoài tại Thụy Sĩ từ nay được tự động chia sẻ hằng năm. Thụy Sĩ đã tập hợp thông tin khách hàng từ năm 2017 và sẽ bắt đầu tiến trình chia sẻ này với một số quốc gia như Áo, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc từ năm 2018. Với các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Brazil, Mexico, Argentina, Nam Phi, tiến trình chia sẻ thông tin sẽ được bắt đầu từ năm 2019. Với các nước nghèo hơn, tiến trình chia sẻ thông tin sẽ không được triển khai do bị xem là thiếu nguồn lực để chia sẻ tự động thông tin một cách an toàn. Những dữ liệu mà Thụy Sĩ cung cấp sẽ chỉ phục vụ cho mục đích khai thuế và được bảo mật.
- Chuyên gia kinh tế cấp cao của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo, năm 2018, giá lương thực thế giới sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu tăng mạnh. Ngày 12-1, FAO công bố số liệu cho thấy giá lương thực toàn cầu trong năm 2017 tăng 8,2% so với năm trước đó. Đây là mức trung bình cả năm cao nhất kể từ năm 2014. Báo cáo của FAO cho thấy tính trong cả năm 2017, giá tất cả các mặt hàng thực phẩm đều tăng, trừ đường. Các sản phẩm làm từ sữa tăng mạnh nhất, với 31,5% so với năm trước đó. Giá dầu thực vật tăng 3%, ngũ cốc tăng 3,2% và thịt tăng 9%. Trong khi đó, giá đường trong năm ngoái lại giảm 11,2% so với mức trung bình năm trước đó do nguồn cung dư thừa từ Brazil – quốc gia sản xuất đường hàng đầu thế giới.
- Được sự thúc đẩy từ Nghị định thư Paris 2016 về chống biến đổi khí hậu, một số công ty tại châu Âu đang nghiên cứu khả năng xây dựng các đảo nhân tạo để đặt trang trại điện gió. Mới đây, Công ty TenneT, Đức, cho biết đang lên kế hoạch xây dựng một hòn đảo nhân tạo tại địa điểm cách bờ biển nước Anh chỉ 60 dặm về phía đông với nguồn năng lượng 100% đến từ gió. Dự án được nhận định là khá “điên rồ” và táo bạo bởi sẽ gặp phải rất nhiều trở ngại. Trong đó, trở ngại lớn nhất của việc xây dựng các trang trại điện gió là thiếu không gian. Khu đất được chọn phải rất rộng để có đủ chỗ cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn turbine cỡ lớn, và phải cách xa khu dân cư vì lý do an toàn. Nếu mọi kế hoạch đều suôn sẻ thì trang trại điện gió này sẽ hòa vào lưới điện năm nước vào năm 2027.