Năm Đinh Dậu (2017) sắp qua và năm Mậu Tuất (2018) đang tới, là lúc người Việt thường nhìn lại năm cũ để rút kinh nghiệm và chuẩn bị đón năm mới, với tất cả hy vọng và lo âu lẫn lộn.
Nếu năm Đinh Dậu có những điểm sáng và khoảng tối chồng chéo, với những diễn biến bất thường đầy kịch tính, thì năm Mậu Tuất cũng sẽ có nhiều cơ hội và rủi ro lẫn lộn. Việt Nam đang trải qua những năm tháng đầy sóng gió của thời kỳ hội nhập và chuyển đổi còn dang dở và hỗn độn, với chiến dịch chống tham nhũng ngày càng quyết liệt. Nhưng năm mới ai cũng mong điều tốt lành và nuôi hy vọng trong họa có phúc, trong nguy có cơ, trong âm có dương, để “cùng tắc biến”.
Những điểm sáng và khoảng tối năm Đinh dậu
Việt Nam đã đạt và vượt mức cả 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP trong quý III-2017 đạt mức 7,46% so với 5,15% trong quý I và 6,28% trong quý II, và tính cả năm tăng 6,7% (cao nhất trong 10 năm qua). Khu vực nông/lâm/thủy sản tăng 2,78% so với năm trước (là 0,62%) trong khi khu vực dịch vụ tăng 7,25% so với năm trước (là 6,67%). Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mức 400 tỉ USD, riêng xuất khẩu nông/thủy sản đạt mức 36 tỉ USD. Vốn FDI vượt mức 16 tỉ USD (cao nhất từ trước đến nay). Đó là những điểm sáng đầy ấn tượng của năm 2017.
Tuy thành tích nói trên không thể phủ nhận, nhưng cũng gây tranh cãi. Các chuyên gia kinh tế có những cách lý giải và đánh giá hơi khác nhau. Tiến sĩ Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế) lý giải năm 2016 vốn đầu tư của tư nhân tăng 48% “trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP trong năm 2017… Khi nguồn vốn nhà nước gặp khó khăn thì nguồn vốn tư nhân đã bù đắp cho động lực tăng trưởng”. Trong chín tháng đầu năm 2017, tuy vốn đầu tư của tư nhân tiếp tục tăng 43,5%, nhưng xu hướng chậm lại có thể tác động đến tăng trưởng GDP năm 2018. Tuy tăng trưởng GDP không tồi (trung bình trên 6%), “nhưng cơ cấu tăng trưởng vẫn chậm thay đổi, nên kinh tế chậm trưởng thành, làm doanh nghiệp chậm lớn”.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành (Giám đốc phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng “chưa năm nào có sự cải thiện tăng trưởng từ quý I đến quý III như năm nay… Với dự kiến quý IV còn cao hơn nữa… Có lẽ không cần đợi số liệu thực tế vào cuối năm, Chính phủ đã có thể báo cáo ngay với Quốc hội là mục tiêu tăng trưởng 6,7% của 2017 sẽ đạt được”. Ông Thành phân tích (trong chín tháng đầu năm 2017) “trong khi điện chỉ tăng 8,3%, thì làm sao công nghiệp chế biến – chế tạo tăng được 12,8%?”. Theo quy luật và kinh nghiệm những năm trước, khi GDP tăng 6 – 6,5%, và công nghiệp chế biến-chế tạo tăng 11 – 12% thì điện phải tăng 11 – 12%.
Trong khi dư luận vui mừng thì các chuyên gia kinh tế quan tâm đến chất lượng tăng trưởng, và đặt dấu hỏi liệu tăng trưởng cao có phản ánh đúng thực chất bức tranh kinh tế? Ông Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển) nhận xét chỉ số tăng trưởng cao trong quý III-2017 “rất khó hiểu và khó lường”. Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (12-10-2017) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Tăng trưởng GDP 6,7% nhưng tăng thu ngân sách so với dự toán chỉ 2,3%? Giải ngân vốn đầu tư thì chậm mà tăng trưởng lại cao, điều này nghe có mâu thuẫn?” (Tăng trưởng kinh tế ấn tượng dựa vào đâu?, Thanh Niên 13-10-2017).
Theo thông báo chính thức, Chính phủ sẽ mời TBT Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị mở rộng tổng kết năm 2017 với các địa phương vào cuối tháng 12-2017. Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ từ trước tới nay, như một dấu hiệu “nhất thể hóa Đảng và Chính phủ”, tiếp theo Hội nghị TW 6 đã mở màn chủ trương “nhất thể hóa” với những thay đổi về nhân sự trong hai năm tới. (VNEconomy 15-12-2017).
Trong bốn động lực tăng trưởng của Việt Nam (kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và FDI), chỉ có khu vực FDI là “ăn nên làm ra”. Tiến sĩ Võ Trí Thành (nguyên Viện phó Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% là nhờ vào tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu của Samsung.
Theo chuyên gia thống kê Vũ Quang Việt, “nếu thống kê theo tiêu chí của Liên Hiệp Quốc thì xuất khẩu của Samsung, Intel, Nike, v.v… thực chất là xuất khẩu của Hàn Quốc và Mỹ, không được ghi là của Việt Nam. Đây là hàng hóa thuộc sở hữu của nước ngoài do họ định giá và gửi tới khách hàng của họ ở nước khác, họ chỉ trả phí gia công cho Việt Nam. Như vậy, Việt Nam chỉ xuất 5 – 10% phí gia công trên tổng số 41 tỉ USD hàng điện thoại di động của Hàn Quốc xuất khẩu từ Việt Nam”.
Bức tranh kinh tế 2017 có những khoảng tối, trong đó có sự kiện trạm thu phí BOT Cai Lậy đã đặt sai chỗ và tận thu khiến người dân bức xúc nên đã phản ứng quyết liệt. Giống như Đồng Tâm, Cai Lậy đã trở thành một sự kiện truyền thông được báo chí cả nước lên tiếng. Nhưng câu chuyện BOT không phải mới xảy ra mà đã âm ỉ suốt mấy năm qua. Nó không chỉ liên quan đến ngành giao thông, mà còn làm bộc lộ những góc khuất của cơ chế độc quyền đã bị các nhóm lợi ích thân hữu thao túng để làm giàu bất minh, làm khủng hoảng lòng tin. Một sự kiện khác làm dư luận xôn xao là EVN vừa quyết định tăng giá điện lên 1.720,65 đồng/kWh (bằng 6,08%) từ 1-12-2017. Đợt tăng giá này diễn ra trong bối cảnh giá than trên thế giới tăng cao làm các nhà máy nhiệt điện chạy than (gây ô nhiễm môi trường) bị thua lỗ (do phải nhập than). Nhưng nếu không tăng giá để bù lỗ do “hệ quả kép” của chủ trương đầu tư trái ngành (trước đây) và vào nhiệt điện (gần đây) thì EVN có thể phá sản (vì nợ gần 487.000 tỉ VNĐ).
Cơ hội và rủi ro năm Mậu Tuất
Mặc dù thế giới tiếp tục chu kỳ tăng trưởng trong năm 2018-2019, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 vẫn là một bài toán đố khó giải, vì năm mới còn nhiều ẩn số. Hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng khả năng bứt phá trong năm 2018 chắc không thuận lợi bằng năm 2017. Rủi ro vĩ mô có thể đến từ việc làm thế nào giữ được tăng trưởng bền vững trong môi trường lạm phát thấp. Họ khuyến nghị cần xử lý hài hòa giữa tăng trưởng ngắn hạn và tái cấu trúc thể chế, đồng thời chú ý đến diễn biến phức tạp trên thế giới và khu vực, vì thách thức lớn nhất thường đến từ bên ngoài. Có lẽ vì vậy mà Quốc hội đã thận trọng đặt ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2018 ở mức 6,5 – 6,7% (thấp hơn hoặc tương đương với năm 2017).
Theo ông Trần Đình Thiên, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước đây đã cạn kiệt, phải thay bằng động lực mới. Vì vậy cần tái cơ cấu và đổi mới thể chế làm nền tảng cho tăng trưởng, nhưng mấy năm qua vẫn chưa làm được. Hiện vẫn còn 5.719 giấy phép kinh doanh và các doanh nghiệp muốn thành lập vẫn phải xin mấy chục thứ giấy phép. Sắp tới phải tập trung dọn dẹp các cơ chế và điều kiện kinh doanh trói buộc doanh nghiệp. Trong ba năm tới Chính phủ cần cải cách thể chế, tập trung vào các mục tiêu cơ bản dài hạn, không nên ưu tiên phát triển ngắn hạn bằng mọi giá (The Leader 11-12-2017).
Về câu chuyện cổ phần hóa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói “đây là chủ trương đúng, song khi thực hiện không nên cố làm bằng mọi giá… cứ được giá là bán mà không tính đến nguy cơ để mất những thương hiệu lớn”. Việc bán “thành công” 53,59% cổ phần Sabeco cho Thai Beverage là một ví dụ về “lợi bất cập hại” nếu chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không tính đến thiệt hại lâu dài. Nếu muốn phát triển bền vững thì đừng “tham bát bỏ mâm”. Nhà báo Vũ Kim Hạnh đặt câu hỏi, “đây là bước đi tình cờ hay cái bẫy thâu tóm?” sau khi Berli Jucker đã thâu tóm cả hệ thống bán lẻ Metro C&C. Sau Vinamilk là Sabeco, và sau Sabeco chắc là Habeco.
Việc xử lý 12 dự án trọng điểm của ngành công thương trong năm 2017 tuy có một số kết quả bước đầu, nhưng chưa đủ quyết liệt nên các tồn đọng chắc được chuyển sang năm mới. Chúng ta hy vọng năm 2018 không hứa hẹn điều gì tốt lành cho những “sân sau” của các nhóm lợi ích. Nếu Chính phủ quyết liệt triển khai kế hoạch “tái cơ cấu ngân hàng”, có thể một số ngân hàng yếu kém sẽ đứng bên bờ vực phá sản.
Nợ công của Việt Nam dường như đang “đi vào ổn định” khi số nợ của các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước (khoảng 230 tỉ USD) không được đưa vào tổng số nợ công quốc gia, vì vậy mức nợ công chính thức chỉ “sát trần” (65% GDP), mặc dù nếu tính theo thông lệ của Liên Hiệp Quốc (như ông Vũ Quang Việt đã đề cập) thì nợ công của Việt Nam vào khoảng 450 tỉ USD (bằng 210% GDP).
Sang năm 2018, quan hệ Việt-Trung vẫn phức tạp. Trung Quốc không chỉ theo đuổi tham vọng kiểm soát Biển Đông mà còn muốn từng bước kiểm soát kinh tế Việt Nam (bằng đầu tư và mua lại các doanh nghiệp). Theo ông Vũ Quang Việt, cho đến nay không có hiệp định nào quy định về tự do mua bán doanh nghiệp (bán hay không là quyền của mỗi nước). Vì vậy không nên cho nước ngoài mua và kiểm soát các doanh nghiệp lớn (ảnh hưởng đến an ninh kinh tế). Đến nay, cũng chưa có nước nào trong khu vực cho phép tư nhân nước ngoài làm chủ đất đai (ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia).
Theo Bộ Công thương (năm 2016), trong khi Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 29,4 tỉ USD thì nhập siêu của Trung Quốc 28 tỉ USD (chưa tính qua đường tiểu ngạch gần 20 tỉ USD). Tuy xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam ngày càng quan trọng, nhưng hiện nay nông nghiệp của Việt Nam lạc hậu khoảng 20 năm so với Trung Quốc. Hầu hết hàng hóa nhập từ Trung Quốc thường là các loại vật tư nông nghiệp đã lạc hậu khoảng bảy đến mười năm. Hơn nữa việc buôn lậu và gian lận thương mại được bảo kê bởi các ban ngành chức năng cùng với thương lái, đang giết chết dần sản xuất trong nước.
Tuy Việt Nam vẫn phải làm ăn với Trung Quốc nhưng phải thận trọng và cảnh giác. Cần tạo dựng lòng tin với các đối tác chiến lược khác (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, v.v…) làm đối trọng để cân bằng và đa dạng hóa quan hệ. Chiến lược đa phương hóa của Việt Nam là đúng nhưng cần vận dụng linh hoạt để tập hợp lực lượng và xây dựng lòng tin (qua TPP-11 và EVFTA) nhằm đối phó hiệu quả hơn với tham vọng của Trung Quốc.
12-2017