Dự báo trong 24 giờ tới, bão Tembin di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h) và có khả năng mạnh thêm.
Đến 4h ngày 25-12, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Tây quần đảo Trường Sa, cách Côn Đảo 380km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 8-10m.
Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 250km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 13 có bán kính khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Cơ quan khí tượng báo cáo vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh do bão cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 6,0 đến 11,0 độ vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 107 độ kinh Đông.
Thời gian tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/h). Đến 16h ngày 25-12, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau.
Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15, sóng biển cao 8-10m.
Bão số 16 có hoàn lưu rất rộng
“Dự báo của các nước cho thấy xu thế rất rõ bão đang di chuyển theo hướng Tây, hướng về phía Nam Bộ. Mô hình dự báo bão của các nước cũng nêu xu hướng như vậy và thống nhất cao bão đạt cấp độ cuối cấp 12, đến cấp 13 khi vào khu vực quần đảo Trường Sa lớn, vì vậy ở Trường Sa sẽ có sóng cao trên 10m.
Sau khi qua đảo Trường Sa, bão giảm cấp, nhưng mức độ giảm cấp không nhanh.
Các dự báo đều cho rằng, sau đó bão có xu hướng lệch hơn về phía Nam còn vùng ảnh hưởng trực tiếp vẫn giữ nguyên suốt từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau” – ông Cường cho biết.
Theo ông Cường, dự báo của các nước cũng nêu khi vào đất liền Nam bộ, cấp độ bão vẫn ở cấp 10-11 khi tiếp cận vào bờ. Thời gian tâm bão vào đất liền là đêm 25-12 và rạng sáng 26-12 nhưng từ chiều mai 25-12 ở vùng ven bờ đã có gió mạnh cấp 6 trở lên.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cũng dự bão xu hướng di chuyển bão như vậy, quỹ đạo của bão vẫn di chuyển theo hướng Tây. Cường độ bão vẫn giữ như ngày 23-12, bão đạt đến cuối cấp 12 khi đến đảo Trường Sa lớn, sau đó giảm cấp.
“Bão vào đất liền khu vực Nam bộ còn cấp 10, cấp độ thiên tai cấp 4, vì vậy, tác động và ảnh hưởng rất lớn đến vùng Nam bộ” – ông Cường nói và lưu ý vùng tâm bão sau khi vào đất liền và qua mũi Cà Mau, bão Temtin di chuyển sang biển Tây vẫn đạt cấp độ cấp 9.
“Vùng biển Tây là vùng đặc biệt lưu ý trong chỉ đạo ứng phó tiếp theo, đề nghị cần có chỉ đạo ứng phó sớm tại khu vực này” – ông Cường kiến nghị.
Theo Tuổi Trẻ