Đa số các doanh nghiệp tư doanh nhỏ không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, một phần do nhiều ngân hàng thương mại cổ phần gặp khó khăn về thanh khoản, phần khác do các ngân hàng lớn thường chỉ nhắm đến mối quan hệ với các doanh nghiệp thân hữu và các doanh nghiệp lớn. Các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nợ do đầu tư tràn lan và không hiệu quả vào những lĩnh vực như tài chính và bất động sản từ những năm trước. Sản xuất kinh doanh nội địa tăng trưởng chậm, tồn kho hàng hóa ứ đọng, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hệ thống ngân hàng suy yếu là những đám mây xám che phủ bầu trời kinh tế năm 2012. Tuy rằng cũng có những tia nắng le lói làm giảm bớt độảm đạm như tốc độ lạm phát còn một con số, tỷ giá đồng bạc Việt Nam khá ổn định trong suốt năm 2012 so với đồng USD, thâm hụt cán cân thương mại thấp nhất so với nhiều năm qua và dự trữ ngoại hối quốc gia được củng cố, nhưng theo nhiều nhà phân tích, các dấu hiệu được coi là tích cực này cũng chỉ là phó phẩm tự nhiên của một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm dần. Tốc độ lạm phát ở mức 8% không thấp khi nền kinh tế đang lún sâu vào giảm phát, khi sản xuất đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp lên xấp xỉ 10% và tăng trưởng GDP chỉ còn 5,3%. Một đồng bạc Việt Nam ổn định so với một đồng USD giảm giá liên tục trong năm 2012 cũng có nghĩa là đồng Việt Nam đang giảm giá, nhưng điều đáng suy nghĩ là sựổn định của đồng bạc Việt Nam phản ánh một mức cung tiền đồng thấp kỷ lục so với nhiều năm trước, thể hiện qua hiện tượng thiếu thanh khoản tiền đồng triền miên của các ngân hàng thương mại, lãi suất cho vay và huy động tiền đồng trên thực tế tăng cao, tăng trưởng tín dụng đạt thấp dẫn đến hiện tượng khát vốn tiền đồng nghiêm trọng của doanh nghiệp trong nước. Sự cải thiện cán cân thương mại trong năm 2012 là một dấu hiệu tích cực nhưng không chắc sẽ lâu bền, khi trên thực tế, nó chỉ phản ánh tình hình giảm sút nhập khẩu do giảm đầu tư tạm thời trong năm 2012 của các tập đoàn kinh tế nhà nước khi họ phải tập trung giải quyết khủng hoảng nợ. Bằng chứng là dự báo chính thức về nhập siêu năm 2013, như sẽ thấy dưới đây, vẫn là một con số không hề nhỏ.
Trong tình hình đó, một triển vọng phục hồi kinh tế ngay trong năm 2013 của Việt Nam là không chắc chắn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới năm 2013 từ 4,1% xuống 3,9%, trong đó tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển chỉ còn 1,9%, còn tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi (emerging economies) tại châu Á là 5,9%, với viễn ảnh không sáng sủa về khủng hoảng lương thực mang tính toàn cầu, hậu quả của hạn hán kéo dài trong năm 2012 và giá dầu tăng do nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng thêm 1 triệu thùng mỗi ngày, lên 90,1 triệu thùng/ngày. Các đầu tàu kéo của nền kinh tế thế giới như Tây Âu và Mỹ chưa chắc đủ lực để kéo lê bản thân họ. Nhiều nước trong EU vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng nợ công lan rộng, đồng euro ngày càng trở nên suy yếu, dự kiến sẽ giảm giá đến 2,5% vào năm 2013 so với năm 2011. Cũng vậy, một nước Mỹ đang lơ lửng trên bờ vực tài chính công (fiscal cliff) rất cần tập trung nguồn lực để vượt qua khó khăn này, dù rằng Tổng thống Obama tái đắc cử nhiệm kỳ hai mang đến tia hy vọng về một sự đồng thuận chính trị có thể giúp nước Mỹ vượt qua vũng lầy kinh tế. Trong tình hình đó, các nhà phân tích kinh tế quốc tế đều nhận định rằng các động lực khả dĩ thúc đẩy nền kinh tế thế giới thoát khỏi vũng lầy suy thoái kép xem ra còn rất mờ nhạt trong năm 2013. Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil tuy đang có những động thái tích cực như nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất và mở rộng tín dụng để kích thích nền kinh tế của họ, nhưng những nền kinh tế hướng về xuất khẩu này chưa bao giờ đủ giàu có và đủ rộng mở để trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Tình hình chung nói trên chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với khả năng hồi phục của những nền kinh tế mới nổi (emerging economies) trong đó có Việt Nam. Nhưng đối với Việt Nam, các trở ngại trên con đường tăng trưởng kinh tế không chỉ bắt nguồn từ tác động suy thoái của nền kinh tế thế giới. Nền kinh tế chúng ta còn có những vấn đề riêng, những chấn thương riêng và hậu quả của các tổn thương này – đặc biệt là tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, sự kém hiệu quả của đầu tư công và một khu vực tư doanh đói vốn nghiêm trọng – sẽ xuất hiện rõ rệt hơn trong năm 2013 và có thể kéo dài sang những năm tới, khiến nền kinh tế có thể lún sâu vào tình trạng lạm phát trì trệ, nếu chúng ta không sớm có những liệu pháp chữa trị kịp thời và một chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn.
Báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế xã hội năm 2012 và định hướng phát triển cho năm 2013 trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã dự báo tốc độ tăng trưởng GDP là 5,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 124,3 tỉ USD, tăng 10% so với 2012, trong đó nhập siêu tương đương 8% kim ngạch xuất khẩu, tức khoảng 10 tỉ USD, bội chi ngân sách chiếm 4,8% GDP và lạm phát, được đo bằng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ giữở mức 7 – 8%. Đây có thể nói là một dự báo khá lạc quan về tốc độ tăng trưởng, một sự tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư công khi mức bội chi ngân sách được dự kiến lên đến gần 5% GDP và khiếm hụt cán cân thương mại lên đến 10 tỉ USD. Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trên 5% cho năm 2013 cũng là dự báo của ADB (5,1%), IMF (5,8%) và một báo cáo độc lập của Ngân hàng HSBC (5,3%). Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế trong nước có một cái nhìn thiết thực hơn và hợp lý hơn. Theo một nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam gồm các tác giả Trần Đình Thiên, Bùi Trinh, Phạm Sỹ An và Nguyễn Việt Phong, chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2013 ở mức 4 – 4,5% và nên dồn sức vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô thông qua các chương trình tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng cường hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Nhóm khuyến cáo không nên chạy theo mục tiêu tăng trưởng bằng cách tăng đầu tư công tràn lan và không hiệu quả thí dụ như đập phá và xây dựng trụ sở mới của cơ quan nhà nước, mua sắm xe cộ, đào và lát lại vỉa hè…, những kiểu đầu tư công như vậy có thể làm tăng GDP nhưng không tạo được hiệu ứng dây chuyền cho các khu vực kinh tế khác và nhất là không hiệu quả và sẽ thúc đẩy lạm phát.
Thật vậy, một năm 2013 có thể mang nhiều ý nghĩa hơn cho một tiến trình tăng trưởng mới lâu bền của nền kinh tế Việt Nam nếu chúng ta mạnh dạn nhìn lại những nhược điểm cố hữu của nền kinh tế và thực hiện một chương trình tái cấu trúc kinh tế hợp lý mà mục tiêu chiến lược là sung dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên trong và bên ngoài. Trong nhiều năm, khiếm hụt ngân sách quốc gia lớn và các khoản tài chính khổng lồ vay trong nước và ngoài nước nhằm cung ứng nguồn lực cho khu vực kinh tế nhà nước mà chủ yếu là các tập đoàn kinh tế lớn đã không mang lại hiệu quả. Khủng hoảng nợ của các tập đoàn kinh tế và tình hình nợ tồn đọng trong hệ thống ngân hàng là những hệ quả tất nhiên phải đến. Khi hệ số ICOR của nền kinh tế lên cao, trong đó hệ số ICOR của khu vực kinh tế Nhà nước lên xấp xỉ hai con số, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế chắc chắn phải sút giảm, nền kinh tế thường xuyên bị lạm phát đe dọa. Đây chính là nguyên nhân làm lệch lạc chính sách tiền tệ, đưa đến việc duy trì thường xuyên lãi suất và tỷ giá đồng bạc cao. Điều này ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Một nghiên cứu độc lập cho biết, tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng hiện nay là 2,7 triệu tỉ đồng, với lãi suất cho vay bình quân là 15%/năm, mỗi tháng nền kinh tế phải trả lãi cho hệ thống ngân hàng 40 ngàn tỉ đồng, tương đương 2 tỉ USD. Với một nền kinh tế có quy mô GDP 130 tỉ USD, mỗi năm khu vực sản xuất kinh doanh phải trả đến 24 tỉ USD cho hệ thống ngân hàng (trên lý thuyết), tương đương 18,6% GDP, như vậy là quá cao.
Một chiến lược sung dụng tài nguyên hiệu quả phải hướng các nguồn lực vào khu vực kinh tế tư doanh, nơi đầu tư tỏ ra hiệu quả hơn với hệ số ICOR luôn luôn thấp hơn nửa so với khu vực kinh tế nhà nước. Bài học vừa qua cho thấy các tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả không phải vì họ thiếu thốn các nguồn lực mà là vì họ quá dư thừa nguồn lực, dẫn đến đầu tư tràn lan, thất thoát vốn và khủng hoảng nợ. Rõ ràng con chiều là con hư. Các tập đoàn kinh tế lớn chắn chắn sẽ hoạt động tốt hơn nếu được quản trị có trách nhiệm hơn bằng việc tiết kiệm các nguồn lực, nhất là nguồn vốn từ ngân sách. Cắt giảm đầu tư công sẽ giúp việc sử dụng các nguồn lực quốc gia trở nên hiệu quả hơn, đồng thời giúp làm giảm khiếm hụt ngân sách, giảm công chi và giảm lạm phát. Trong điều kiện đó, một chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất thấp và tăng trưởng tín dụng ngân hàng sẽ phát huy tác dụng kích thích sản xuất trong nước, và khi nó đồng hành với một chính sách thuế khoan dưỡng sức dân, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam sẽ được tăng cường mạnh mẽ. Nhưng trước hết, củng cố hệ thống ngân hàng, giải quyết tình hình nợ tồn đọng thông qua các giải pháp hợp lý, công bằng và hiệu quả sẽ phải là công việc ưu tiên hàng đầu của năm 2013. Một thị trường tiền tệ năng động và lành mạnh, đến lượt nó, sẽ làm hồi sinh thị trường vốn, chỗ dựa tài chính lâu dài của doanh nghiệp.
Kinh Dịchnói rằng “Vật cùng tắc biến, biến tắc thông”. Mong rằng nguyên lý đó sẽ mang lại niềm hy vọng cho năm 2013.
Huỳnh Bửu Sơn