Số liệu từ Hiệp hội cà phê – cacao Việt Nam cho thấy hiện cả nước có khoảng 150 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua nông sản quan trọng này. Năng lực quản trị của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê còn chưa chuyên nghiệp, vì vậy không đủ khả năng để thu mua trực tiếp tại vườn của nông dân. Có tới 90% số các doanh nghiệp trong nước và 100% số các doanh nghiệp nước ngoài thu mua cà phê nhân thông qua thương lái và đại lý thu mua để xuất khẩu. Vì vậy chất lượng cà phê xuất khẩu chưa cao do cách làm ăn của một số thương lái thiếu nghiêm túc trong việc kiểm tra chất lượng. Đó là chưa kể nông dân còn bị ép giá do không nắm được thông tin thị trường, nhiều khi bị quỵt nợ do thương lái làm ăn thất bát. Mặc dù cà phê là cây trồng chủ lực đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu trên dưới 3 tỉ USD mỗi năm, thế nhưng chúng ta chỉ thu được vài phần trăm lợi nhuận trong số này, còn lại công ty nước ngoài hưởng hết. Bên cạnh nguyên nhân do cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô, tỷ lệ sản phẩm chế biến thấp, còn vì mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến, vẫn còn lỏng lẻo, chưa thực sự gắn kết thành một khối về quyền lợi phù hợp. Hiệp hội cà phê – cacao Việt Nam nhận định: 94,5% nông dân tham gia vào chuỗi cà phê, nhưng 1 hécta chỉ cho được khoảng trên dưới 3 tấn hạt thì giá trị gia tăng với số lượng nhỏ bán ra đó sẽ không đáng kể. Nhưng thương lái trung gian thu lời rất cao vì mua được nhiều nơi với số lượng lớn. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững, thì hiện chỉ có 10% lượng cà phê nông dân sản xuất ra được bán trực tiếp cho công ty lớn, 90% còn lại được thu gom bởi các thương lái trung gian.
Hiện nay do lượng cà phê của người dân tương đối nhiều nên xu hướng người trồng thích bán cà phê tươi rất phổ biến. Chính vì vậy thương lái là đầu mối quan trọng để nối người trồng cà phê với thị trường. Nếu không có đội ngũ thương nhân thu mua, nông dân sẽ không thể bán cà phê một cách nhanh chóng trong khi các công ty cà phê lớn cũng không đủ nhân lực và chi phí đầu tư để thu gom. Chính vì vậy thương nhân có vị trí đáng kể trong sự phát triển bền vững của ngành hàng cà phê Việt Nam. Chúng ta đều thấy bên cạnh yếu tố tích cực đành phải chấp nhận một số mặt tiêu cực, nhưng không phải vì vậy mà phủ nhận vai trò thành phần trung gian này. Vấn đề tuy khó nhưng không phải là bế tắc về hướng giải quyết. Ở một số địa phương tại Tây Nguyên hiện nay đã bắt đầu tạo dựng được những mối liên kết doanh nghiệp – thương nhân – nông dân, qua đó cho thấy con đường đi của hạt cà phê ngày càng sáng sủa. Nhiều công ty cà phê lớn như Intimex, Nestlé, OLAM, ACOM đang liên kết với hàng ngàn hộ trồng cà phê và một số đại lý để thu mua theo hợp đồng liên kết. Với mô hình này, nông dân được tổ chức thành các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để có đủ năng lực liên kết trực tiếp với doanh nghiệp cà phê, hạn chế khâu trung gian. Các thương nhân ký hợp đồng với doanh nghiệp cà phê chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi và thu mua cà phê của người nông dân theo đúng hợp đồng với doanh nghiệp. Đây chính là một phương thức phát triển tốt để giúp hạt cà phê mang lại lợi nhuận cao nhất cho người nông dân, thương nhân và doanh nghiệp, đồng thời xây dựng chất lượng bền vững cho hạt cà phê của Việt Nam xuất khẩu.
- Ngọc Anh