Năm qua, chỉ có hơn 30% trong khoảng 600 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp cận được vốn ngân hàng và số vốn họ được vay chỉ chiếm 3% tổng vốn các ngân hàng cho vay trong nền kinh tế, theo số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Thành phố Hồ Chí Minh được xem là nơi nguồn quỹ hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp SME hoạt động hiệu quả hơn so với các tỉnh thành khác nhưng theo ông Hoàng Đình Thắng, Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố, thì sau gần 10 năm thành lập, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được hình thức bảo lãnh tài chính cũng còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.
Doanh nghiệp “than” rằng các ngân hàng luôn đòi hỏi tài sản thế chấp và luôn ở vào “thế thủ” vì tỷ lệ nợ xấu ở doanh nghiệp cao. Ngược lại, phía ngân hàng cho rằng họ vẫn dành những khoản vay tín chấp cho nhóm SME không có tài sản thế chấp nhưng vấn đề là doanh nghiệp lại không cung cấp đủ thông tin để thực hiện các thủ tục cho vay. Tại buổi hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào sáng 28-7 vừa qua, đại diện VP Bank cho rằng điều khiến các ngân hàng quan ngại khi thẩm định để cho vay là trình độ quản lý vốn của phần lớn doanh nghiệp này rất hạn chế. Khả năng lập dự án, cân đối tài chính của nhóm này thường thiếu khả thi, chưa nói đến việc quản trị nhân lực, hệ thống sản xuất… Đại diện một doanh nghiệp có doanh thu 2 tỉ đồng mỗi năm cho biết công ty thường chỉ “nhẩm tính” về doanh thu chứ không lên kế hoạch cụ thể, vì kế hoạch đặt ra thường không đúng như doanh thu thực tế. “Đây chính là một trong những điểm yếu của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là không chứng minh được đầu ra bền vững, kế hoạch không rõ ràng, chỉ mang tính thời vụ… doanh nghiệp không biết xây dựng phương án vay vốn rõ ràng để ngân hàng thấy rõ dòng tiền trả nợ nên rất khó để xét duyệt cho vay”, đại diện phía ngân hàng nói.
Mặt khác, doanh nghiệp khó vay vốn là do không thực sự minh bạch về tài chính. Nhiều doanh nghiệp duy trì hai hệ thống sổ sách kế toán, một là sổ sách thực và một để đối phó với các cơ quan thuế, hành chính. “Các doanh nghiệp ngoài việc minh bạch hơn về tài chính thì cũng nên ứng dụng các công nghệ trong sản xuất và quản lý thì khả năng vay vốn sẽ tốt hơn. Ngân hàng khi cho vay rất cẩn trọng vì bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp. Vì không muốn rủi ro nên họ chỉ cho những chủ thể mà họ tín nhiệm vay”, đại diện của Ngân hàng BIDV nói.
Theo góc nhìn của chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vai trò của Chính phủ cũng rất quan trọng trong việc xác định đây là quỹ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như là những người khởi nghiệp, nên phải xác định mức độ rủi ro nhất định. “Trước đây, doanh nghiệp không tiếp cận được các quỹ bảo lãnh phát triển doanh nghiệp, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là do cơ chế giải ngân không phù hợp. Nay Chính phủ đã muốn đổi mới thì phải có cách quản lý, cơ chế, điều kiện giải ngân khác đi, phải đơn giản, phù hợp hơn với điều kiện của nhóm doanh nghiệp SME”, điều TS Nguyễn Trí Hiếu nói cũng chính là mong mỏi của phần lớn doanh nghiệp đang khát vốn và hy vọng điều này sẽ trở thành hiện thực khi Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực từ tháng 8-2017.
Xem thêm: