Cách đây mươi năm, có lẽ ít ai nghĩ đến lúc con người lệ thuộc vào “sóng điện thoại” đến thế. Ăn, ngủ, thở với sóng. Không còn là sóng điện thoại mà là sóng wifi, 3G, 4G… Không chỉ ở thành phố, vào bất cứ quán nào cũng phải có sóng.
Quán quen, wifi lần đầu, lần sau vô quán tự động “nó” vào. Quán lạ, ngồi xuống liền hỏi mật khẩu wifi. Chẳng ai quan tâm sóng là gì, hình dạng ra sao, chỉ biết có nó thì sẽ thú vị hơn và dứt khoát phải có. Về thôn quê mới thấy, đôi khi các quán cạnh tranh nhau bằng tấm bảng “có wifi” to đùng dựng trước cửa. Nhu cầu sóng như một tất yếu.
Là một vùng thôn quê trù phú, nhà tiếp nhà, có chợ, cửa hàng nhưng cũng có thể một quán chơ vơ bên đường, thậm chí quán lá cũng phải có sóng. Không chỉ cà phê, giải khát mà xe nước mía thôi cũng phải có wifi.
Khách “phượt” một quãng đường dài, chỉ có ruộng đồng hai bên, chạy liên tục mấy giờ đến lúc phải dừng lại, không chỉ người mà xe cũng cần nghỉ ngơi. Vậy là phải tìm quán, quan trọng là ngoài võng còn có wifi (phòng khi sóng 3G yếu). Ngả cái lưng xuống võng, kêu ly cà phê hay nước chanh liền mở điện thoại.
- Xem thêm: Muộn còn hơn không!
Bây giờ điện thoại là công cụ liên lạc với thế giới, ngoài cái tôi “mình ên”. Không có sóng coi như bị cô lập! Làm như những sự kiện đôi khi chẳng liên quan gì đến mình ấy chỉ chực mấy tiếng đồng hồ mình lùi lũi trên đường, không kết nối với sóng là nó xảy ra.
Tin bây giờ phải nóng hôi hổi mới nói chuyện. Qua một buổi coi như tin đã nguội, thêm buổi nữa thành tin thiu. Ngơ ngác nhắn tin cho nhau, ủa, chuyện xảy ra hồi nào vậy. Lập tức bên kia sẽ trả lời, đi đâu mà không vào mạng nắm tình hình?
Mà, tình hình đó là gì? Một clip đánh nhau, một scandal về một quan chức hay em chân dài, thậm chí chuyện hai người nào đó chửi nhau rồi chặn nhau trên Facebook… Tất cả đều là “thời sự”. Tin bây giờ nóng phỏng tay. Một tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào lúc nửa khuya, đến khoảng 4 giờ sáng đã rõ chi tiết tên nạn nhân, thậm chí cả nguyên nhân tai nạn.
Có người giăng câu trạng thái lấp lửng, khiến bao kẻ phải lót dép ngồi hóng. Trong khi hóng tất nhiên có nhiều bình luận đoán già đoán non, mới vui! Nói chung, mạng bây giờ là nơi rôm rả ngày đêm, không lúc nào ngưng sôi động.
Nhiều người còn khẳng định, một ngày không lên Facebook cảm thấy mình là ốc đảo giữa sa mạc. Có đúng vậy không, thì nhiều câu trả lời. Nhưng có một bình luận khiến nhiều người “like” đồng tình: “Bỏ Facebook dễ ợt ấy mà. Muốn bỏ thì bỏ cái một. Ngoài kia cỏ cây, chim muông, sông biển đẹp mê hồn, tha hồ mà thưởng ngoạn, tìm cảm xúc. Nhưng quan trọng là, chụp hình xong lại phải đưa lên Facebook” (kèm thêm icon mặt cười).
Mới thấy, sức hấp dẫn của thế giới ảo là có thật. Không chỉ hóng tin mà còn là nơi chia sẻ thông tin. Không có chốn nào quen biết, giao lưu rộng rãi hơn. Còn sống là còn thở với sóng. Ngủ cầm điện thoại cho đến khi mắt díu lại mới buông, vừa thức giấc tiện tay lại cầm điện thoại. Mở máy tính, vào Facebook trước tiên, cuối giờ làm việc lại vào Facebook… chờ cơm!
Chơi Facebook, có người khẳng định là để học hỏi, hiểu biết, nhưng cũng có người là để lợi dụng và cũng không thiếu trường hợp bị lừa. Tuy nhiên, một điều dễ thấy nhất đó là tính lan tỏa. Chưa biết đầu cua tai nheo ra sao, vừa đọc tin, xem clip thấy có “nguy cơ” liền chia sẻ. Lượt chia sẻ tăng lên không ngừng, thông tin nhiễu, không kiểm soát được tính đúng – sai!
Từ chuyện mạng kéo ra ngoài đời. Những thông tin loạn kiểu đó dễ khiến “phòng ngừa” đâm ra hiểu lầm. Dân làng thấy người khả nghi là kẻ bắt cóc trẻ em liền báo cho nhau vây đánh người vô tội. Được giải oan thì cũng mềm thân. Ai là kẻ có tội trong trường hợp này, khó có lời giải đáp.
Có thể nói, đa phần người ta ai cũng thích nghe chuyện thiên hạ mà quên đi chuyện mình. Chỉ cần hai người ngồi với nhau là phát sinh chuyện người thứ ba.
Vậy nên, một bà vợ càm ràm ông chồng: “Tin nóng trên mạng thì nắm rõ lắm mà chuyện học hành của con thì ngơ ngác”.