Nguồn lực trong dân rất dồi dào, thông tin này không mới, cả mấy chục năm nay nhà nước vẫn tìm cách thu hút bằng mọi cách để tăng dự trữ ngoại hối và cung ứng cho sản xuất. Năm ngoái, trong điều kiện cán cân tổng thể nền kinh tế thặng dư không cao, vậy mà Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào một khối lượng ngoại tệ đáng kể lên đến hơn 10 tỉ USD từ trong dân, con số này có thể cao hơn nếu có chính sách thu hút ngoại tệ hấp dẫn. Năm nay, áp lực nợ công đáo hạn, ngân sách bội chi và quan hệ thương mại quốc tế ngày càng được mở rộng, việc huy động ngoại tệ và vàng trong dân trở nên cần thiết hơn. Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu một đề án với mục đích vừa nói.
Tại cuộc họp tuần qua giữa tổ công tác Chính phủ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ba lần nhắc lại cần sớm có chủ trương này.
Hồi năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã hạ trần lãi suất tiền gửi USD xuống 0%/năm. Quyết định này nhằm chống tình trạng đôla hóa, góp phần kích thích chuyển việc găm giữ đôla sang thương mại được hỗ trợ từ lãi suất tiền gửi nội tệ, đã góp phần bình ổn tỷ giá trong một thời gian khá dài. Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng, trong khi chúng ta phải vay vốn quốc tế dưới nhiều hình thức với lãi suất cao đến 4,8% thì tại sao lại không nâng lãi suất tiền gửi đôla Mỹ ở trong nước để thu hút thêm ngoại tệ và củng cố cơ cấu vốn bền vững hơn cho hệ thống. Điều này sẽ khiến ngoại tệ gửi vào ngân hàng nhiều hơn, tạo điều kiện vận động nhiều nguồn vốn hơn nữa cho nhu cầu đầu tư.
Thế nhưng chủ trương này cũng đang dấy lên nhiều lo ngại trong điều hành tiền tệ. Còn nhớ hồi năm 2011, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách mà gần đây là việc hạ lãi suất tiền gửi USD xuống 0%, đã khiến việc gửi tiền đồng Việt Nam hấp dẫn hơn là ghim giữ đôla không sinh lợi. Biện pháp này mang lại hiệu ứng tích cực là tình trạng đôla hóa giảm dần. Số liệu thống kê cho thấy cách đây hơn năm năm, tỷ lệ đó là 20% nay chỉ còn 10%. Vậy nay với biện pháp huy động đôla liệu có làm cho tình trạng đôla hóa quay trở lại không? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chúng ta vẫn có những cách huy động USD mà không gây tình trạng đôla hóa, đó là đưa nguồn lực này vào đầu tư. Nhưng điều này lại liên quan đến hiệu quả đầu tư như thế nào. Chính tình hình kinh tế ngày càng khả quan, môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, lòng tin của giới làm ăn vào các chính sách của nhà nước ngày tăng cao, sẽ khơi dòng chảy ngoại tệ vì khi ấy người dân sẽ không tìm chỗ trú ẩn tài sản bằng cách ghim giữ đôla (và cả vàng). Cũng có ý kiến cho rằng, việc huy động đôla trong dân là hợp lý, nhưng cho dù bằng chính sách nào đi nữa thì cũng đừng quên một điều là phải bảo đảm việc gửi nội tệ vào ngân hàng luôn có lợi hơn gửi ngoại tệ.
Tất nhiên vẫn có một mặt khác của vấn đề cần cảnh giác đó là lãi suất USD tăng trên phạm vi toàn cầu có thể tác động vào nền kinh tế, khi đó việc huy động đồng ngoại tệ sẽ trở nên khó khăn hơn.
- Thành Sơn
Xem thêm: