Đứng trước những bất ổn của nền kinh tế thế giới nói chung, một số nước đang phát triển đã phải áp dụng biện pháp tái cân bằng kinh tế, nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng thu nhập cho các hộ gia đình và chuyển hướng sản xuất hàng hóa cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ nội địa. Trong tiến trình này, giá cả hàng hóa tăng cao là một trong những nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng, song nguy cơ chính xuất phát từ các nền kinh tế phát triển, nơi đang áp dụng chính sách khắc khổ về tài chính khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng bất lợi cho các nước đang sống dựa phần lớn vào nguồn xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài. Trung Quốc là một trong những trường hợp tiêu biểu. Năm 2007, mức thặng dư mậu dịch của nước này đạt 10% GDP, nhưng năm nay dự kiến chỉ còn 2% GDP. Điều đó là hệ quả tất yếu của việc Trung Quốc tái cân bằng kinh tế, giảm thiểu các hoạt động xuất khẩu và tăng cường bộ máy sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Tiêu thụ nội địa của Trung Quốc tăng mạnh sau khi áp dụng các chính sách nhằm tái cân bằng kinh tế
Thời gian qua, trong khi thặng dư mậu dịch của Trung Quốc xuất phát từ giao dịch thương mại với các nước có thu nhập cao thì thặng dư mậu dịch của nhiều nước Đông Á và Đông Nam Á lại phụ thuộc vào các giao dịch thương mại với Trung Quốc. Cũng vì vậy, sự tái cân bằng kinh tế của Trung Quốc tác động mạnh lên nền kinh tế của các nước này. Một khi Bắc Kinh không nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu dùng làm hàng xuất khẩu mà chủ yếu là nhập khẩu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa thì các nước châu Á đang giao dịch với họ cũng phải thay đổi cung cách sản xuất và xuất khẩu cho phù hợp với thị trường nhập khẩu từ Trung Quốc. Như vậy, trong bối cảnh cuộc tái cân bằng kinh tế toàn cầu hiện nay, sự gia tăng mức cầu nội địa của một nước không chỉ tác động đến guồng máy sản xuất của nước đó mà còn ảnh hưởng đến sự điều hành kinh tế của nhiều nước khác đang giao dịch với họ.
Lê Cẩn theo IPS, Telegraph…