Lễ khánh thành nhà máy Intermalt của Tập đoàn Interflour tại khu công nghiệp Cái Mép, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những sự kiện đáng chú ý trên thị trường vào đầu tháng 7 vừa qua. Intermalt hiện là một trong các dự án lớn nhất tại khu công nghiệp Cái Mép, vừa hoàn thành vào cuối năm 2016 và đã chính thức đi vào sản xuất.
Đây cũng là nhà máy sản xuất mạch nha (malt) đầu tiên của Tập đoàn Interflour tại khu vực Đông Nam Á, với các đối tác uy tín từ Úc, Nam Mỹ và châu Âu, dự kiến không chỉ cung cấp đủ nhu cầu mạch nha trong nước mà còn xuất khẩu mạch nha sang các nước khác tại châu Á. Chính vì vậy, buổi lễ khánh thành nhà máy đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống trong và ngoài nước.
“Vì sao Tập đoàn Interflour lại quyết định xây dựng nhà máy sản xuất mạch nha đầu tiên của mình tại một thị trường không quá nổi bật trong khu vực như Việt Nam?”, đây không chỉ là thắc mắc của báo giới mà còn là mối quan tâm chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi này, ông James Kirton, Giám đốc Intermalt Việt Nam cho biết: “Có nhiều lý do đưa đến quyết định xây dựng Intermalt tại Việt Nam. Đầu tiên, chúng tôi đánh giá cao tiềm năng của thị trường thực phẩm và đồ uống tại đây. Thị trường bia Việt Nam tăng trưởng mạnh mỗi năm, cần một nguồn cung mạch nha khối lượng lớn, ổn định và đáng tin cậy. Ngoài ra, các nhà máy nước giải khát, sữa, bánh kẹo trong nước cũng cần nguồn cung mạch nha chất lượng và kịp thời.
Với nguồn cung đại mạch dồi dào từ nhiều nước trên thế giới như Úc, Nam Mỹ và châu Âu, Intermalt sẽ đáp ứng đủ nhu cầu mạch nha cho thị trường nói chung. Vì vậy, các nhà máy không cần phải dự trữ mạch nha từ ba đến sáu tháng như trước đây, từ đó sẽ giúp giảm đáng kể chi phí lưu kho mà mạch nha cũng đảm bảo chất lượng tốt hơn”.
Tiếp lời ông James Kirton, ông Greg Harvey, Giám đốc điều hành Tập đoàn Interflour Group nói: “Ngoài ra, Intermalt có thể tận dụng các điều kiện sẵn có để giảm chi phí đáng kể về logistics, lưu kho… Vì Intermalt không phải là nhà máy đầu tiên của Interflour tại Cái Mép. Tập đoàn đã xây dựng một nhà máy bột mì công suất đạt 250 ngàn tấn mỗi năm cùng hệ thống cảng nông sản hàng rời hiện đại đặt tại khu công nghiệp này. Vì vậy, nhà máy mạch nha mới có thể tận dụng quy mô, các điều kiện logistics và kinh nghiệm sản xuất ngũ cốc sẵn có để tối ưu hóa hiệu quả mảng đầu tư này”.
Có thể thấy, bia là thức uống thường xuyên của người Việt Nam trong thói quen ẩm thực cũng như văn hóa giao tiếp hằng ngày. Báo cáo tình hình phát triển công nghiệp và thương mại của Bộ Công thương cho biết, năm 2016 sản lượng bia của Việt Nam đạt 3,788 tỉ lít và dự đoán đạt hơn 4 tỉ lít vào năm 2020. Theo thống kê của các công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam có khoảng 350 cơ sở sản xuất bia có trụ sở ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước và tiếp tục tăng mạnh về số lượng.
Trong số này, có hơn 20 nhà máy đạt công suất trên 20 triệu lít mỗi năm, 15 nhà máy có công suất lớn hơn 15 triệu lít mỗi năm và có tới 268 cơ sở có năng lực sản xuất dưới 1 triệu lít mỗi năm. Dễ thấy rằng “cơn khát” nguồn nguyên liệu mạch nha của các nhà máy bia trong nước là rất lớn và cấp bách. Thế nhưng trên cả nước, hiện mới có một dự án sản xuất mạch nha ở miền Bắc và chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nội địa. Sự có mặt của Intermalt hứa hẹn sẽ “giải khát” cho doanh nghiệp trong ngành về nguồn mạch nha chất lượng, vốn là nguyên liệu mà từ trước đến nay chúng ta luôn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Đến tham dự buổi lễ khánh thành Intermalt từ Tây Úc xa xôi, ông Wally Newman, Chủ tịch Tập đoàn CBH, cho biết: “CBH là hợp tác xã lớn nhất của Úc với gần 4.200 thành viên đều là những nhà trồng ngũ cốc khắp vùng Tây Úc, vốn là một đối tác đầu tư lâu năm của Tập đoàn Interflour, nay sẽ càng hợp tác sâu rộng hơn khi có thêm nhà máy sản xuất mạch nha quy mô lớn này. Interflour nói chung và Intermalt nói riêng là một trong những doanh nghiệp có một lợi thế vượt bậc, đó là mối liên kết trực tiếp từ nguồn nguyên liệu ở nông trại cho đến khâu sản xuất tại nhà máy. Mùa vụ trước, các nông dân Tây Úc đã cung cấp khoảng 1,5 triệu tấn lúa mạch cho mạng lưới thu gom của CBH. Sắp tới, hầu hết lượng lúa mạch đó có thể sẽ được cung cấp cho nhà máy Intermalt”.
Trong chuyến tham quan nhà máy Intermalt mới đây, nhiều người không khỏi trầm trồ trước hệ thống công nghệ hiện đại được trang bị tại đây, nhằm đảm bảo kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt trong suốt quá trình từ làm sạch, ủ, ươm mầm cho đến sấy khô. Bên cạnh đó, những chuyên gia trình độ và kinh nghiệm cao về mạch nha cùng hệ thống phòng thí nghiệm tại chỗ được trang bị các thiết bị phân tích mới nhất, sẽ đảm bảo Intermalt luôn sản xuất được nguồn mạch nha chất lượng tốt nhất cho thị trường châu Á.
Đánh giá cao nỗ lực đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của nhà đầu tư Interflour, ông Đặng Minh Thông, Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết: “Việc đưa vào vận hành nhà máy trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo động lực mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, đa dạng hóa sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Sự lớn mạnh của Intermalt Việt Nam cũng sẽ đồng hành cùng với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong quá trình phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.
“Theo kế hoạch của Intermalt, giai đoạn đầu nhà máy sẽ hoạt động với công suất 110.000 tấn mỗi năm, từ giai đoạn hai của dự án, nhà máy sẽ tăng công suất lên khoảng 220.000 tấn mỗi năm. Trong những năm tới, Intermalt ưu tiên đáp ứng nhu cầu nội địa, nhất là các khách hàng lớn như Heineken, Carlsberg, Sapporo, SAB Miller, Habeco và Sabeco. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ là nguồn cung mạch nha uy tín cho các doanh nghiệp khác trong nước cũng như doanh nghiệp ngoài lãnh thổ Việt Nam”, ông Greg Harvey khẳng định.