Hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều thu về lượng ngoại tệ cao hơn cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ gạo và cao su.
Với mặt hàng gạo, tuy Việt Nam tạm vươn lên dẫn đầu thế giới về khối lượng gạo xuất khẩu, với gần 7,5 triệu tấn sau 11 tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng số tiền thu về lại ít hơn gần 2%.
Cũng xin được nhắc lại, hiện nay, xuất khẩu gạo là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Nghị định 109/2010 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Tuy nhiên Nghị định cũng cho phép các doanh nghiệp có thời gian chuyển tiếp là chín tháng, vì vậy, kể từ ngày 1-10-2011 thị trường gạo xuất khẩu mới bị chi phối hoàn toàn bởi Nghị định 109.
Cho đến thời điểm này, dường như vẫn chưa có những đánh giá chính thức từ phía cơ quan quản lý nhà nước, hoặc từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) về những mặt được cũng như chưa được của việc quy định điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Vậy mà, Nghị định 109 đã trở thành tiền lệ để một số hiệp hội doanh nghiệp khác nối gót.
Sau gạo, đến lượt cà phê, thủy sản và hạt điều
Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã lên tiếng về sự cần thiết phải đưa xuất khẩu thủy sản thành lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Cùng lúc, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cũng đã gửi công văn cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương để đề xuất một việc tương tự cho mặt hàng điều nhân xuất khẩu.
Theo một vị phó chủ tịch VASEP, chỉ có 50/400 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có nhà máy chế biến. Các doanh nghiệp này nắm đến hơn 90% thị phần xuất khẩu. Còn 350 doanh nghiệp còn lại, tuy chỉ chiếm chưa đến 10% thị phần nhưng có một số lại sẵn sàng bán phá giá, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp còn lại.
Với ngành điều, VINACAS cho biết trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó, một số doanh nghiệp đã bán điều với giá thấp tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu ép giá mua điều của nhiều doanh nghiệp khác.
Tương tự như ngành gạo, Hiệp hội Điều Việt Nam cũng đề xuất các điều kiện về kinh doanh xuất khẩu, chẳng hạn như doanh nghiệp muốn tham gia xuất khẩu phải có cơ sở chế biến trên 2.500 tấn/năm. Nếu đề xuất này được chấp thuận, dự kiến sẽ có khoảng 150 doanh nghiệp, chiếm một nửa trong tổng số, phải rời bỏ thị trường. Và con số 150 này cũng chưa phải là mục tiêu cuối cùng của VINACAS mà phải giảm tiếp 50% nữa.
Trước đó, hồi giữa năm nay, Hiệp hội Cà phê cacao Việt Nam (VICOFA) cũng đã đề xuất điều kiện kinh doanh xuất khẩu cà phê. Đề xuất này sau đó được Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ, theo đó dự kiến các doanh nghiệp muốn xuất khẩu cà phê phải thỏa mãn các điều kiện như trong hai năm liên tục phải có lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm, có kho chứa và khả năng chế biến tối thiểu là 5.000 tấn/năm…
Theo tính toán của VICOFA, nếu đề xuất của họ được chấp nhận, ước tính chỉ còn khoảng 40 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu, trên tổng số hơn 150 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cà phê. Khi đó, tình trạng tranh mua, tranh bán gây hỗn loạn thị trường sẽ được hạn chế. Các doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu có thể tham gia điều tiết, ổn định thị trường trong nước.
Một điểm chung dễ nhận thấy trong các đề xuất nói trên là nhằm loại bớt các doanh nghiệp nhỏ được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng bán phá giá trên thị trường, làm thiệt hại cả nông dân lẫn doanh nghiệp.
Chưa biết liệu các hiệp hội doanh nghiệp khác như cao su, tiêu, sắn… có thấy đây là kinh nghiệm cần học hỏi để loại bớt các đồng nghiệp của mình hay không.