Đỡ nhất là làm thuê cho doanh nghiệp nhà nước. Chỉ cần có quan hệ, biết điều và đừng tệ quá, cứ đoán ý lãnh đạo mà thực hiện là yên tâm. Đó là với các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, còn số chụp giựt, thì khỏi nói. Chẳng nước nào nhiều loại hình doanh nghiệp như Việt Nam, cứ trăm hoa đua nở, chẳng ai quản lý nổi. Tha hồ lập lờ với người tiêu dùng.
Cứ tưởng làm giám đốc là sướng, ai dè cũng trăm đường khổ. Khổ vì kinh doanh thì ít mà khổ vì những chuyện không đâu thì nhiều. Thời buổi kinh tế khó khăn, xăng, điện, gas… và vật giá tăng từng tuần. Sức mua giảm sút, phải tiết kiệm mọi thứ để vượt khó và tồn tại. Nhiều giám đốc tư nhân không có thư ký, trợ lý, không có chế độ tiếp khách và điện thoại, đi taxi thay vì xe riêng để giảm chi phí. Gặp nhau, ít khi nghe họ kêu về những cái khó đó mà chủ yếu là những cái khổ “từ trên trời rơi xuống”. Phải công nhận doanh nhân Việt Nam vô địch về sự chịu đựng. Nào là những thủ tục “hành là chính” của các cơ quan thuế, hải quan, thanh tra liên ngành… Rồi đủ thứ thông tư của những “người cõi trên”, nghị định “đùng một cái” buộc tay, trói chân doanh nghiệp.
Một tour du lịch do Công ty Lửa Việt tổ chức
Chưa đủ, luật còn “cho phép” các doanh nghiệp tha hồ làm hàng nhái, hàng giả các thương hiệu lớn khi được đặt tên công ty giống nhau, chỉ cần khác một hai chữ phía trước là vô tư lừa khách. Nghị định 43/2010 NĐ-CP chỉ cấm các doanh nghiệp sử dụng các chữ “Tân”, “Mới” trước hoặc sau tên công ty. Do vậy mới có hàng trăm công ty nhái các thương hiệu nổi tiếng. Chỉ riêng ngành du lịch đã có hàng chục công ty nhái các thương hiệu Top Ten của Saigontourist, BenThanhtourist, Lửa Việt, Hòa Bình… Chỉ cần thêm vài từ phía trước như Cổ phần, Dịch vụ, Thương mại, Sự kiện… hoặc thay chữ Tourist bằng Travel… là tha hồ lập lờ. Từ kiểu chữ cho đến logo và cả website nhái.
Người viết từng nhờ luật sư ra Nam Định kiện công ty trùng tên, chỉ khác chữ “Cổ phần”. Họ liền thách thức, dọa kiện lại và trưng giấy phép hẳn hoi của Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định cấp. Du lịch là sản phẩm dịch vụ, dùng xong mới biết chất lượng nên dễ làm hàng nhái, hàng giả nhất. Riết rồi chẳng ai thắc mắc, cả doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng đều quen dần việc sống chung với lũ. Cái cần bảo hộ là tên riêng chứ không phải tên lót. Các nhà làm luật chưa quan tâm đến ngữ pháp tiếng Việt, càng chưa hình dung những hệ lụy và rắc rối xảy ra cho các doanh nghiệp, nên đã vô tình tiếp tay cho hàng giả. Trong khi xăng, điện của Nhà nước độc quyền, liên tục tăng giá, kéo theo sự leo thang các dịch vụ thì Nhà nước lại kêu gọi doanh nghiệp giảm giá! Khi vận động tham gia kích cầu nội địa, có doanh nghiệp đã thẳng thừng: “Có giỏi thì vận động xăng, điện giảm giá đi, cứ leo thang mãi sao chịu nổi. Nhà nước phải nêu gương trước, không thể cứ “trăm dâu đổ đầu doanh nghiệp” được”.
Hiện nay, Nhà nước đã tăng lệ phí làm passport từ 200 ngàn lên 300 ngàn đồng, lệ phí visa vào Việt Nam thấp nhất từ 25 lên 45 USD. Sắp tới có thể các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Bắc Âu… lâu nay được miễn visa vào Việt Nam bị bãi bỏ. Nếu đúng vậy, đây sẽ là đòn hiểm đánh vào việc cạnh tranh vốn ốm yếu so với các nước trong khu vực. Vé tham quan đồng loạt tăng giá, như khu du lịch đảo Tuần Châu, Quảng Ninh tăng từ 30 ngàn lên 160 ngàn đồng. Chưa hết, lệ phí giao thông trên quốc lộ 1 từ Hà Nội đi Cần Thơ và quốc lộ 14 đi Tây Nguyên sẽ tăng tới 350%. Đúng là đại nhảy vọt. Những con đường đau khổ nhất nhì châu Á đang phải cõng phí nhất nhì thế giới. Hèn gì lượng doanh nghiệp phá sản trong hai năm qua đã vượt con số 100.000, hơn cả tổng số 20 năm trước cộng lại. Trong tình hình đó, nếu không biết “khoan thư sức” cho dân và doanh nghiệp thì hậu quả khôn lường.