Ngày sinh nhật của bạn thân nhất ư? Đã có Facebook nhắc. Tìm đường đi ư? Đã có Google Map. Thậm chí muốn “tip” 20% cũng mở máy tính trên điện thoại ra. Điện thoại của bạn làm những việc này và tỉ tỉ việc khác một cách dễ dàng. Thế nhưng, ngày càng có nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy “đẩy việc vận động đầu óc cho phương tiện kỹ thuật số” có thể khiến chúng ta phải trả giá.
Theo một cuộc nghiên cứu gần đây nhất, dựa vào điện thoại và internet để giảm nhẹ khối lượng công việc cho trí não rất giống với việc dựa vào một chiếc xe hơi – thay cho đôi chân của bạn – để đến được nơi này nơi kia. Đi xe thì nhanh hơn và dễ hơn đi bộ. Nhưng ngồi trên xe gần như không mang lại tác dụng tốt nào cho cơ thể. Tương tự, sự đa nhiệm trên truyền thông số có tác động về mặt nhận thức tương đương như việc ngồi một chỗ quá lâu.
Một cuộc nghiên cứu của Đại học McGill, Canada cho thấy những lái xe phụ thuộc vào định vị GPS, trái ngược với những người dựa vào khả năng định hướng không gian của chính họ, thì có ít hoạt động hơn và ít chất xám hơn trong hồi hải mã của não – một khu vực quan trọng để củng cố trí nhớ. Tương tự, một bài báo trên tạp chí Science cho biết mọi người có khuynh hướng có trí nhớ kém đi khi họ biết rằng một thông tin nào đó được lưu giữ đâu đó trên mạng hay trên máy tính. Thay vì tự nhớ những thông tin như số điện thoại của con thì bạn lại nhớ cách tìm thông tin đó trên thiết bị điện tử. Đó không phải là chuyện lớn nếu bạn cần tìm một thông tin đơn giản và rõ ràng. Nhưng khi não của bạn gặp phải một câu hỏi phức tạp và sâu hơn, nó sẽ ngập ngừng.
“Nếu bạn luôn tìm dữ liệu từ Google, bạn có thể trả lời một câu hỏi thông thường, nhưng bạn không thể xây dựng một nền tảng kiến thức cần thiết để là một người tư duy sâu và thận trọng”, Nicholas Carr – một cây bút về công nghệ nói. Ông cũng là tác giả của quyển The Shallows, quyển sách nói về ảnh hưởng của internet đối với tâm trí của chúng ta. Cũng giống như cơ bắp bị suy nhược, năng lực thực hiện những cú “nâng tạ nặng” của não có thể bị tổn hại.
Tâm trí của bạn cũng có thể gặp khó khăn khi cần sàng lọc những gì quan trọng và thực chất từ những thứ giả mạo, Carr nói. Một cuộc nghiên cứu gần đây của Đại học Stanford đã ủng hộ ý kiến này của ông. Các nhà nghiên cứu của đại học này phát hiện rằng sinh viên gặp khó khăn để có thể phân biệt giữa tin tức thực sự và nội dung quảng cáo – thậm chí khi một bài báo có kèm theo rõ ràng cụm từ “nội dung được tài trợ”. Theo một cuộc nghiên cứu trước đó, những người thường xuyên “múa rối” giữa rừng email, tin nhắn, lướt blog và mạng xã hội sẽ gặp vấn đề khi cần tập trung hoặc tìm kiếm thông tin quan trọng trong môi trường có tiếng ồn. Mọi thứ đều có thể làm cho họ bị mất tập trung.
“Với những thiết bị và phương tiện này, chúng ta luôn nhảy từ chuyện này sang chuyện khác, chúng ta nhận thức rằng hoạt động liên tục là một dấu hiệu của sự hiệu quả, rằng chúng ta đang làm được nhiều thứ”, Tiến sĩ Gary Small, giáo sư về khoa học hành vi của Đại học UCLA và là tác giả của quyển iBrain nói. “Nhưng thực sự thì nó không được kinh tế lắm”. Mỗi lần bạn chuyển sang việc khác, não của bạn lại cần một lúc để phản ứng. Và khi bạn càng xáo trộn nhanh, bạn sẽ càng khó phớt lờ những yếu tố gây phân tâm để giữ tập trung. Đó có thể là do sự đa nhiệm trên truyền thông số làm yếu đi vỏ não vành trước, một khu vực liên quan đến xử lý cảm xúc và thông tin tầng cao, theo một cuộc nghiên cứu của University College London.
Não của bạn cũng có thể bị thiếu thời gian tĩnh vì ngay cả những lúc được giải lao như khi đang chờ đợi ở nơi công cộng, bạn cũng bận nhìn chằm chằm vào điện thoại.
Khi não của bạn có cơ hội lang thang, nó kích hoạt những mạng lưới chồng lên nhau được biết như “chế độ mặc định”. Khi não có không gian tự do, chế độ mặc định này sẽ tham gia làm sống lại những trải nghiệm gần đây, kết nối các thông tin liên quan về mặt cảm xúc và xây dựng những câu chuyện có ý nghĩa từ cuộc sống. “Đó là lý do vì sao mọi người thường bật ra những ý tưởng hay ho trong lúc tắm hoặc rửa chén”, Mary Helen Immordino-Yang – một nhà khoa học thần kinh của Đại học Southern California giải thích.
Nhưng khi chúng ta để cho các thiết bị “quyền lực” này chen vào những khoảng trống trong cuộc sống ngày càng nhiều hơn nữa, não của chúng ta càng có ít cơ hội để tạo kết nối và làm biến mất những khoảnh khắc sáng suốt như thế. “Nếu chúng ta không nhận ra khi nào là lúc chọn lựa sự tiện lợi và khi nào là lúc cần giảm bớt sử dụng công nghệ nghĩa là chúng ta đang chối bỏ những khả năng phong phú của chính mình”, Nicholas Carr nói.
- An Bình theo Time