Nhưng, mạng xã hội có thể trở thành một nơi nguy hiểm, đặc biệt là với các thiếu nữ, các “teengirl” – internet đầy rẫy những cám dỗ tình dục, những tiêu chuẩn phi thực tế về hình thể, tình trạng bắt nạt và những “kẻ săn mồi” trên mạng.
Chúng ta bảo vệ con gái của mình, nuôi dạy những cô gái độc lập, lạc quan, thông minh và can đảm. Mạng xã hội ẩn tàng sức mạnh nguy hiểm sẵn sàng đối nghịch với các phụ huynh trong nỗ lực giữ cho con gái của họ được an toàn và tự tin. Cha mẹ cần tìm hiểu những hiểm nguy của internet, đặc biệt là thế giới mạng xã hội hiện nay và nhìn ra những dấu hiệu cho thấy các cô gái của mình có thể tham gia vào những hành vi không an toàn này.
Tin nhắn tình dục/Sexting
“Sexting” là gửi những tin nhắn hay hình ảnh khêu gợi (kể cả hình ảnh khỏa thân) qua tin nhắn, email hoặc ứng dụng mạng xã hội. Theo Psychology Today, 20 – 30% “teen” có gửi hoặc nhận tin nhắn tình dục. Và còn nữa, những teen tham gia “sexting” nhiều khả năng hơn sẽ quan hệ tình dục khi chưa đến tuổi so với bạn bè không tham gia.
- Xem thêm: Xử lý “hội chứng đám đông”
Khi khảo sát tại Mỹ, hơn 25% teen cũng thú nhận rằng sẽ chuyển tiếp những tin nhắn và hình ảnh này cho bạn bè. Điều này có nghĩa là suy nghĩ và hình ảnh riêng tư của con bạn có thể đi rất xa trong các nhóm bạn bè, trở thành “miếng bùi nhùi” cho nạn tống tiền, bắt nạt và rất nhiều dạng sỉ nhục hoặc căng thẳng cảm xúc có thể xảy ra. Một khi bức hình nào đó đã được chia sẻ, không có cách gì để kiểm soát rằng nó sẽ tiếp tục được “share”, “tag”, v.v… đến đâu nữa.
Những “kẻ săn mồi” trên mạng
Theo ABC News, một trong năm người dùng internet ở độ tuổi từ 10-17 có nhận dấu hiệu khêu gợi tính dục qua mạng. Trong những trường hợp xấu nhất, điều này có thể đưa đến những tình huống như bắt cóc hoặc cưỡng bức.
Những kẻ này giới thiệu sai lệch về bản thân để quyến dụ các cô gái ý thức sai lệch về sự an toàn của bản thân và thuyết phục sắp xếp cuộc gặp riêng. Có 30% các cô gái tuổi teen thú nhận đã gặp riêng một người lạ sau cuộc hẹn đầu tiên trên mạng.
Một tình huống có lẽ ít nguy hiểm hơn nhưng cũng cần được lưu ý, teen là đối tượng dễ bị “cắn câu” với các “hồ sơ-danh tính giả” trên mạng xã hội. Những đối tượng cùng trang lứa này tạo hồ sơ giả để con của bạn tin tưởng và chia sẻ thông tin cá nhân, đưa các cô gái vào sự ràng buộc cảm xúc giả tạo cho đến khi danh tính thực lộ ra.
Nạn bắt nạt trên mạng/Cyberbullying
Một trong những hiểm nguy lớn nhất mà các cô gái trẻ phải đối mặt trên thế giới ảo là bản chất độc hại của nạn bắt nạt. Mạng xã hội là không gian mới của nạn bắt nạt, nơi mà bạn bè đồng trang lứa (có khi là những kẻ ẩn danh) có thể lạm dụng con của bạn. Đó có thể là những “post” làm con bạn ngượng ngùng hay những lần tấn công cá nhân không ngừng nghỉ qua tin nhắn.
Bắt nạt trên mạng đã trở thành mối bận tâm lớn và đích thân Hoàng tử William của nước Anh đã đứng ra tổ chức một lực lượng hành động gồm lãnh đạo của các công ty mạng xã hội hàng đầu nhằm tìm cách cải thiện vấn đề an toàn trên mạng. Bắt nạt có thể gây nên bạo lực cảm xúc và tinh thần, sự cô lập, lo âu và nhiều hơn nữa.
Theo tiến sĩ Gene Beresin, giáo sư tâm thần học tại trường Y – Đại học Harvard, hiện chưa có dữ liệu về nạn bắt nạt trên mạng và tự tử. “Nhưng trong quan điểm của tôi, bắt nạt trên mạng là yếu tố chính trong tỷ lệ tự tử, đặt biệt là ở các cô gái trẻ. Nếu như con trai có xu hướng bạo lực thể chất thì con gái có xu hướng bạo lực cảm xúc. Tôi không hề chống lại mạng xã hội, nhưng khi một đứa trẻ bị bắt nạt, sự “lạm dụng” có thể lan nhanh và rộng. Sự xấu hổ và sỉ nhục thì tàn phá khủng khiếp. Điều này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng”.
Và một thông tin ngạc nhiên là không chỉ nạn nhân mới gặp nguy hiểm. Các cuộc nghiên cứu cho thấy thủ phạm cũng gặp nguy hiểm ngang bằng với nạn nhân, nếu nói đến hành vi tự tử.
Hình thể và lòng tự trọng
Các cô gái trẻ vốn đã chịu quá nhiều áp lực từ gia đình, truyền thông và bạn bè trang lứa. Các cô luôn lo lắng xem mình đã đủ “cool”, đủ thông minh, đủ thon gọn, đủ xinh đẹp chưa và còn nhiều nữa. Mạng xã hội có thể ảnh hưởng bất lợi, làm con bạn tự so sánh với người khác và cảm thấy thua kém. Điều này có thể ảnh hưởng đến các vấn đề về hình thể và lòng tự trọng.
Với quá nhiều hình ảnh hoàn hảo bủa vây khắp nơi, ngày nay, các báo cáo cho rằng bé gái năm tuổi đã bắt đầu quan tâm về cân nặng và ngoại hình. Mạng xã hội đặc biệt làm trầm trọng thêm vấn đề này khi mà các thiếu nữ và ngoại hình của mình được thể hiện theo những cách chưa từng có. Chỉ hai mươi phút lướt Facebook cũng đủ làm các cô gái thấy không hài lòng về hình thể.
- Xem thêm: Nuôi dạy con trong thời đại kỹ thuật số
Dù hầu hết các cô thú nhận là đã chỉnh sửa ảnh của mình trước khi đăng tải lên mạng xã hội, nhưng lại có xu hướng quên đi chuyện này khi đánh giá hình ảnh của bạn mình và bắt đầu so sánh với họ. Như thế, mạng xã hội có thể dẫn đến sự tự ti và những hành vi có hại như rối loạn ăn uống, tự làm tổn hại bản thân.
Dù chúng ta có cố gắng giảm thiểu, làm cho ít nghiêm trọng hoặc thậm chí làm cho việc tham gia mạng xã hội của các thiếu nữ trở nên hấp dẫn thế nào đi nữa, thì chính các cô gái là người trải nghiệm thực tế của những ảnh hưởng đầy rắc rối. Và cho dù mạng xã hội là một công cụ giá trị đối với đời sống xã hội, bạn cần nên giám sát kỹ hoạt động trên mạng của con gái mình.