Một “hội” đi bộ tập thể dục kéo nhau lướt qua các con đường hẻm nội bộ của một khu chung cư. Đó là giờ thoải mái hạnh phúc trong ngày của các chị nội trợ và đủ thành phần, kỹ sư, thương nhân buôn vặt cũng có. Thêm đội ôsin nữa là đủ mọi trình độ.
Vừa đi vừa kể đủ thứ chuyện, từ mốt áo quần, thuốc men, giá cả ngoài chợ cho đến… chuyện nhà. Thật nguy hiểm nếu đó là một cô ôsin tọc mạch. Đôi khi lòng dạ tốt thôi, nhưng do chẳng học hành gì, suốt ngày lau chùi quét dọn trong nhà, nay mới nghỉ ngơi thong dong “ôn nghèo kể khổ” trong ngày. Chuyện nhà chủ có gì dốc ra hết.
Đang đi, bỗng cả hội nhìn thấy bên hàng hiên nhà hai người già, hai vợ chồng tóc bạc trắng xóa, một người như ngẩn ngơ, tay khoèo liệt, miệng méo. Cái nhìn của họ như vô tri vô giác. Cô ôsin giải thích: “Lan Anh và Quốc Tuấn đó”.
“Cô giúp việc nhà trông nom hai ông bà hay sao mà lại biết tên? Mà tên hay quá, nghe như nam thanh nữ tú”.
“Thì ngày còn trẻ, ai chẳng nam thanh nữ tú, tên đẹp. Em có biết ông bà cụ này đâu. Nhưng thôi, cứ “bầu” các cụ vào đội ngũ ngày xưa trẻ đẹp oanh liệt, tên rất kêu kiểu “Lan Anh – Quốc Tuấn” vậy đó. Các cụ đều có gốc oanh liệt, ai cũng là Lan Anh Quốc Tuấn một thời”.
- Xem thêm: Tâm sự của một… vàng ròng
Thì ra là vậy. Cả hội buồn cười vì lối nhìn ngộ nghĩnh, tếu táo, có phần hơi hỗn của cô. Nhưng cô nói ngay: “Cười gì? Cười người hôm trước hôm sau người cười. Chúng mình rồi cũng đến đó hết, đều là Lan Anh Quốc Tuấn cả thôi”.
Cô bắt đầu thống kê cho biết riêng khu này thôi, nhà nào có cha mẹ già ở riêng, ai bị bạc đãi, nhà ai con có hiếu thảo chăm sóc…
Người thì nói ôsin tuy vất vả nhưng kiếm ra tiền. Chứ bao người già bán hàng rong xe đẩy ngày kiếm được trăm ngàn đồng là may rồi. Nghe nói số thống kê của Liên Hiệp Quốc hẳn hoi, có đến 40% người già Việt Nam độ tuổi 70-74 vẫn đi làm kiếm sống. Mà bán được một tờ vé số họ chỉ được một ngàn đồng cũng tính là có công việc tự nuôi thân.
Không biết trong các căn chung cư cao ngất ngưởng kia có bao nhiêu người đóng góp vào con số 11% người già 80 tuổi sống một mình trong đời sống đô thị?
Đâu riêng gì Việt Nam? Một người khác tinh thông hơn, đi đó đây, nói Hàn Quốc mà các bà mê phim, mê sao Hàn như điếu đổ, chứ tôi thấy trai Hàn đâu có… ra đàn ông? Tóc xù nhuộm vàng, da trắng yếu ớt, môi đỏ chót như con gái. Tưởng xứ họ giàu có ai cũng xinh đẹp đấy à.
Lớp người sau chiến tranh thế giới chịu kham khổ hy sinh biến Hàn Quốc thành một nước công nghiệp nhưng là thế hệ hy sinh, họ khổ kém gì chúng ta? Có tới 3 triệu “bà Kim, ông Yim” cũng sống nghèo khó. Người lượm rác bán 100 won một ký và ăn bữa xúp đạm bạc hơn 2.000 won.
Đó, những người làm ra “phép màu kinh tế” nay là nạn nhân của khó nghèo. Có người cho biết họ sống không liên lạc gì với con cái. Bà khác thì nói, các cháu thỉnh thoảng mới đến nhưng chúng chê vì “nhà bà có con… gián”. Thì bây giờ, con cái có khi cũng nói, không ở chung được, vì ông bà… dơ dáy lắm. Thẳng thắn vậy còn gì.
- Xem thêm: Chẳng ai sung sướng, tại sao?
Nói một hồi, cả “hội” quay ra khen nước Mỹ. Trợ cấp “tiền già” cũng hơn 700 đô, quy ra tiền Việt là hơn 15 triệu đồng còn gì, bằng lương một ông trưởng phòng bình thường. Day care – giúp trong ngày, home care – đến giúp ở tại nhà, người ta chi tiết đến thế.
Cô ôsin kết luận, nhưng mà các ông các bà ạ, ở đâu thì ở, cứ già là khốn khổ thôi. Hàn Quốc có bà Kim ông Yim, thì cũng có khác gì Lan Anh Quốc Tuấn xứ ta đâu.
Mà cũng lỗi tại người già. Ai đời về già, ngay ở Mỹ sướng như vậy mà cũng cứ sinh ra cái mốt “sống về già độc lập”…
Đấy, buổi tối cứ kể chuyện nhà này nhà kia, chuyện nước ta ra nước ngoài, thoắt cái đã đi được chục vòng, đủ tiêu chuẩn thể dục… Không có cái hội như vậy thì còn lâu mới đủ kiên trì đi bộ… cho tuổi già đừng có ập đến.