Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 đã bước sang năm thứ 12 và lần này Đà Nẵng lại đứng đầu bảng danh sách. Lễ công bố được tổ chức tuần qua tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chủ trì.
PCI là một trong những cuộc điều tra doanh nghiệp lớn nhất được tiến hành thường niên tại Việt Nam. Năm 2016, hơn 10.000 doanh nghiệp dân doanh trong nước và gần 1.550 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia đánh giá về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Không chỉ chuyển tải góc nhìn về môi trường kinh doanh của Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong năm 2016 nhiều biến động, báo cáo PCI năm nay còn dành một chương riêng phân tích về môi trường dưới góc nhìn của doanh nghiệp, một yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh, thành phố Việt Nam trên chặng đường phát triển bền vững.
Chính điều này đã giúp các địa phương đẩy mạnh khai thác môi trường kinh doanh, tích cực làm việc với cộng đồng doanh nghiệp/đối tác, từ đó có những cải thiện và cách làm sáng tạo để nâng cao thứ tự xếp hạng. PCI đã trở thành cảm hứng và áp lực cho việc cải cách tại các địa phương và cơ sở.
Trình bày kết quả PCI 2016, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI – cho biết chỉ số PCI phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Tổng số doanh nghiệp tham gia phản hồi điều tra PCI năm 2016 là 10.037 doanh nghiệp, trong đó bao gồm 2.042 doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2015 và 2016 cho thấy sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp với PCI vẫn giữ vững và ngày càng tăng.
Năm nay, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong số các tỉnh, thành phố của Việt Nam trên bảng xếp hạng PCI. Đây là lần thứ tư liên tiếp và lần thứ bảy trong suốt 12 năm thực hiện điều tra và công bố PCI, thành phố này được các doanh nghiệp vinh danh vị trí quán quân trên bảng xếp hạng.
Bảng xếp hạng PCI 2016 chứng kiến sự đổi ngôi của Quảng Ninh và Đồng Tháp. Theo đó, Quảng Ninh đã vượt qua Đồng Tháp để giữ vị trí số 2 của bảng xếp hạng, lần đầu tiên đạt thứ hạng cao nhất của tỉnh này trong 12 năm điều tra PCI. Trong khi đó Đồng Tháp đứng ở vị trí số 3, tiếp tục duy trì lần thứ chín liên tiếp nằm trong nhóm năm tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về chất lượng điều hành.
Bất ngờ lớn nhất trên bảng xếp hạng PCI năm nay là sự quay trở lại ấn tượng của Bình Dương trong nhóm năm tỉnh, thành phố đứng đầu, sau nhiều năm nằm trong nhóm Khá. Các địa phương Vĩnh Long, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc và Quảng Nam lần lượt góp mặt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Kết quả điều tra PCI-FDI năm 2016 cho thấy trong hai năm qua, những thay đổi pháp luật đã tạo ra một môi trường pháp lý thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên nhà đầu tư nước ngoài vẫn cho rằng môi trường chính sách còn nhiều ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước và việc tiếp cận thông tin về tài liệu ngân sách, kế hoạch, quy hoạch còn gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, các quy định hậu đăng ký tại Việt Nam vẫn còn phiền hà, đặc biệt là tình trạng một số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra quá mức.
Qua kênh chuyển tải PCI, các doanh nghiệp có thể dễ dàng phản ánh những vướng mắc gặp phải trong quá trình kinh doanh tại địa phương, vượt qua được những e ngại, tế nhị khi phản ánh trực tiếp khó khăn của mình với các cơ quan chính quyền.
Việc công bố PCI thời gian qua đã thúc đẩy quá trình học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm tốt lẫn nhau giữa các địa phương trong cả nước. Các kinh nghiệm xây dựng mô hình “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp của Bình Dương, Đà Nẵng trước đây; thực tiễn cải cách quy trình thủ tục đầu tư, đất đai và xây dựng cho nhà đầu tư của Bắc Ninh, Bình Định; mô hình “cà phê doanh nhân” của Đồng Tháp; mô hình trung tâm hành chính công tập trung của Quảng Ninh, Bình Dương; xây dựng và công bố chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành địa phương của Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã được nhiều địa phương khác trong cả nước học tập và vận dụng.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một nhận định thẳng thắn rằng: “Có nhà đầu tư tâm huyết, rất muốn làm các dự án hạ tầng giao thông nhưng vì thể chế của chúng ta nên họ nản lòng. Thể chế còn vướng mắc nhiều thứ nên chúng ta chưa huy động vốn xã hội được”. Phát biểu trên được ông đưa ra tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cuối tuần qua.
Tại buổi làm việc, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh giao thông vận tải là lĩnh vực quan trọng, những hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực này đang là nút thắt trong phát triển kinh tế – xã hội. Cùng với đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập, trước hết là thể chế, cơ chế, chính sách còn tồn tại nhiều vướng mắc, một bộ phận cán bộ chưa năng động, chưa bám việc, sáng tạo nên có một số việc chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển.
Một bất cập nữa của ngành này là thiếu vốn nghiêm trọng. Nhu cầu vốn đầu tư trong năm năm 2016-2020 gần 1 triệu tỉ đồng, nhưng mới đáp ứng được gần 210.000 tỉ đồng. Trong khi đó, ngành chưa giải ngân hết vốn xây dựng cơ bản 2016, trong chuẩn bị đầu tư còn có nhiều vấn đề, nhất là các dự án BOT.
Ngoài ra, khá nhiều tồn tại trong thực tiễn chưa giải quyết được như quy trình hợp tác công – tư (PPP), phát triển đồng bộ giao thông vận tải…
Tuy nhiên, chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng lưu ý “không vì khó khăn về kinh phí mà để đây tiếp tục là nút thắt”. Phải dựa vào dân, nguồn lực xã hội để phát triển giao thông, cần xã hội hóa nguồn lực ở mọi khâu, bằng mọi cách bởi Nhà nước chỉ có thể cung cấp vốn mồi, hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo và cán bộ ngành giao thông phải tháo gỡ mọi thể chế, sửa sớm, bãi bỏ các thể chế cản trở, là rào cản để thu hút các nguồn vốn khác. Bên cạnh đó, Bộ cũng phải chú trọng bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao chất lượng công trình giao thông, không để tình trạng chỉ sau một trận mưa công trình đã xuống cấp, để làm sao với định mức, đơn giá đó thì chất lượng giao thông phải tốt hơn.
- Gia Minh
Xem thêm: