Hai năm trước, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đặt chân vào thị trường này, thế nhưng theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar thì đến nay mới chỉ hai dự án của nhà đầu tư Việt Nam được cấp phép, đó là dự án khai thác đá hoa cương của Tổng công ty Sông Đà và dự án xây dựng nhà máy dược phẩm của SPM liên doanh với Myanmar. Dự án xây dựng Trung tâm thương mại và khách sạn của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với vốn đăng ký 300 triệu USD đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để được cấp phép chính thức.
Một đường phố nhộn nhịp ở Yangon
Hiện nay, hằng tuần đều có những đoàn doanh nhân từ Việt Nam sang thăm dò thị trường, nhất là sau khi Myanmar có luật đầu tư mới, không chỉ cởi mở hơn luật cũ mà còn thông thoáng hơn cả dự thảo của chính luật này được Quốc hội thông qua nhưng bị phía hành pháp, mà cụ thể là Tổng thống Thein Sein, giữ lại một thời gian để bổ sung các điều khoản phù hợp hơn nữa với xu thế toàn cầu, trước khi được ban hành như chúng ta đã biết.
Đây chính là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam đi tìm cơ hội làm ăn ở Myanmar cần nắm bắt.
Luật đầu tư của Myanmar ban hành ngày 2-11 nhận được phản hồi rất thuận lợi từ giới kinh doanh khắp nơi, đặc biệt là ở phương Tây nơi một thời gian dài đã duy trì lệnh cấm vận đối với đất nước Chùa vàng.
Luật gồm 20 chương, mà ngay trong Chương 4 đề cập đến những nguyên tắc cơ bản đã cho thấy rõ mục tiêu thu hút đầu tư và đường hướng phát triển mang tính thời đại của Myanmar, sau một thời gian dài thụt lùi so với thế giới do bị một chế độ độc tài quân sự kiềm chế.
Chương 4 Luật đầu tư của Myanmar nói rõ các nguyên tác cơ bản sau đây:
– Phục vụ mục đích phát triển kinh tế quốc gia.
– Kích thích, tăng cường sử dụng lao động.
– Phát triển xuất khẩu.
– Sản xuất hàng thay thế nhập khẩu.
– Sản xuất hàng hóa đòi hỏi đầu tư đồng vốn lớn.
– Thu hút công nghệ cao, kỹ thuật đòi hỏi kỹ năng.
– Phát triển kinh doanh sử dụng tiết kiệm năng lượng.
– Phát triển kinh tế khu vực.
– Phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái sinh.
– Phát triển công nghiệp hiện đại.
– Bảo vệ môi trường.
– Hỗ trợ du nhập trao đổi thông tin và công nghệ.
– Không ảnh hưởng đến chủ quyền đất nước và an ninh của người dân.
– Phát triển kiến thức và kỹ năng của người dân.
– Phát triển ngân hàng và tổ chức tài chính theo đúng chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế.
– Hiện đại hóa các công ty dịch vụ có lợi cho nhà nước và người dân.
– Phát huy tối đa nguồn tài nguyên quốc gia trong ngắn hạn và lâu dài.
Các nhà đầu tư phương Tây tỏ ra bén nhạy trong việc nắm bắt thông tin mà biểu hiện rõ nhất là các công ty lớn như Coca-Cola, Pepsi Cola, Master Card, Visa, Western Union, PWC, cũng như các nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của châu Âu cũng đã đặt chân vào thị trường này và đang chuẩn bị tung ra hàng loạt sản phẩm và dịch vụ.
Còn các doanh nghiệp Việt Nam liệu sẽ tìm thấy được bao nhiêu lợi thế và cơ hội khi nhìn vào các mục tiêu trên đây qua Luật đầu tư của Myanmar?
Thông tin chưa đầy đủ cho thấy các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Viettel, Vietnam Airlines, BIDV cũng đã nhanh chân vào Myanmar nhưng đến nay vẫn còn chạy đua với thủ tục và những tập quán làm ăn khá phức tạp tại đất nước này. Có thể nói trong khi các nước có ưu thế về đồng vốn, công nghệ và kỹ thuật cao, nghiên cứu thị trường chu đáo, đang tin tưởng vào một làn sóng cởi trói cho các nhà đầu tư nước ngoài tại vùng đất hứa, thì đối với doanh nghiệp nước ta, một cái nhìn lạc quan về tình hình làm ăn tại Myanmar là còn quá sớm vào thời điểm này. Đành rằng đầu tư vào Myanmar, chúng ta đang có lợi thế về một sự thỏa thuận của chính phủ nước này dành 12 lĩnh vực ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam, điều kiện địa lý thuận tiện và là người có mặt sớm khi đất nước này tự cởi trói.