Khi nhắm tới một mục tiêu nào đó trong hoạt động của doanh nghiệp, sự cam kết nhiều khi được nhìn nhận là yếu tố tiên quyết để hướng tới thành công. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp mời một đối tác đến tư vấn tái cơ cấu tổ chức của mình thì ngay trong ngày đầu tiên khởi động dự án, phía tư vấn nêu ngay một yêu cầu là lãnh đạo doanh nghiệp phải cam kết phối hợp chặt chẽ với họ để thực hiện dự án thành công. Sự cam kết vốn không hình thù, không màu sắc, nhưng có vai trò rất quan trọng.
Đã có những cố gắng “đặc tả” sự cam kết để giúp mọi người khác dễ hình dung. Ví dụ, trong một tác phẩm của mình mang tên Five Minutes on Mondays (tạm dịch: Năm phút trong những ngày thứ Hai, sách do Nhà xuất bản Pearson Education ấn hành năm 2009), tác giả Alan Lurie đã đặt ra bảy câu hỏi liên quan đến sự cam kết, đó là:
- Khi nói tôi cam kết làm điều này, điều kia thì có nghĩa gì?
- Cam kết có phải là lời hứa phải làm việc gì hay gắn bó với điều gì và không bao giờ từ bỏ trong bất cứ hoàn cảnh nào không?
- Cam kết có phải là một cảm giác chúng ta có được khi tin rằng một điều nào đó thật sự quan trọng với bản thân nên cần phải gắn bó không?
- Có hay không những trách nhiệm đi đôi với cam kết và có cách đo lường việc thực hiện những trách nhiệm ấy?
- Có phải đối tượng của sự cam kết chính là một nhiệm vụ được đặt ra với chúng ta?
- Có những tình huống nào làm chấm dứt sự cam kết?
- Điều gì đáng kể nhất khi chúng ta cam kết?
- Xem thêm: Giúp nhân viên thực hiện cam kết
Theo Alan Lurie, câu hỏi thứ bảy là quan trọng nhất vì nếu thiếu cam kết, khi bắt tay vào thực hiện công việc, người ta không thấy điều gì là quan trọng cả, do vậy không chỉ công việc, mà thậm chí cả cuộc sống của người ta sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa. Do vậy, chỉ tập trung vào việc trả lời câu hỏi cuối cùng là đủ hình dung ra phần nào về sự cam kết.
Trong quyển sách trên còn nhắc đến việc Carl Jung – nhà tâm lý học rất nổi tiếng hồi đầu thế kỷ XX từng viết: “Khoảng một phần ba số bệnh nhân của tôi không có dấu hiệu di truyền về chứng bệnh tâm thần, họ lâm bệnh do sự vô nghĩa và trống rỗng trong cuộc sống của chính họ…”. Ngoài ra, có nhiều nhận xét khác, trong đó đáng chú ý là “Mỗi chúng ta đều có những mục đích hoàn toàn mang tính cá nhân, có ý nghĩa riêng cho mỗi người và từng người phải chịu trách nhiệm cá nhân về những mục đích của mình”.
Trong tác phẩm Good to Great (tạm dịch: Từ tốt đến vĩ đại, sách do Nhà xuất bản Harper Business ấn hành năm 2001), tác giả Jim Collins đã trình bày nhiều nghiên cứu sâu sắc, trong đó có công trình tìm hiểu về các công ty có nhịp độ tăng trưởng vượt rất xa mức của thị trường nhờ cung cấp được các sản phẩm và dịch vụ tuyệt hảo. Ông khám phá ra rằng điều tuyệt vời ấy có được trước hết nhờ ở năng lực của người lãnh đạo doanh nghiệp và nêu ra các phẩm chất giúp lãnh đạo doanh nghiệp thành công. Từ đó, Jim Collins xếp loại các nhà lãnh đạo doanh nghiệp theo năm đẳng cấp từ 1 đến 5.
Nếu ở đẳng cấp 1, người lãnh đạo là người “có năng lực làm việc cao, tham gia hiệu quả vào công việc chung bằng năng khiếu, kiến thức, kỹ năng và các mối quan hệ tốt” thì ở đẳng cấp 5, người lãnh đạo có khả năng đặc biệt hơn là “làm lan tỏa tư duy của mình đến mọi người, giúp người khác cùng hướng đến một mục tiêu to lớn hơn là xây dựng một doanh nghiệp tuyệt vời”.
- Xem thêm: Tạo dựng lòng tin
Điều đó không có nghĩa là lãnh đạo ở đẳng cấp 5 không mong muốn lợi ích cho cá nhân, mà ngược lại, họ ôm đầy tham vọng, nhưng tham vọng trước hết và cao nhất của họ là dành cho doanh nghiệp, chứ không phải cho bản thân. Tác giả còn ghi nhận ba điều quan trọng khi cam kết là quyết tâm tạo ra điều gì đó mới mẻ hữu ích, thật sự tôn trọng các mối quan hệ với người khác và chấp nhận các khó khăn không thể tránh khỏi trong quá trình thực hiện cam kết.
Như thế, ý nghĩa và mục đích của sự cam kết sẽ dẫn đến hành động tích cực trong cuộc sống. Sự cam kết tạo ra động lực thúc đẩy việc tìm tòi ra nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn và điều đó quay trở lại giúp cho sự cam kết mạnh lên, phong phú hơn về ý nghĩa, đồng thời mục đích cũng có thể trở nên to lớn hơn.