Cây mai trước sân nhà ông Tâm được người trong xóm ở quê tôi kính cẩn gọi tên là “lão mai”. Theo lời kể của ba tôi thì từ khi ba tôi bắt đầu biết lỏn tỏn đi lượm pháo xịt ngày tết thì cây mai đã cao lớn, vươn cành tỏa bóng hình tháp ngược đủ để ông Tâm treo phong pháo thiệt dài đốt trong lễ cúng tất niên rồi.
Thiệt tình, nếu không có tết thì cây mai già cũng giống như mấy cây cổ thụ trước sân, quanh vườn khác của ông Tâm mà thôi. Bởi những ngày thường, “lão mai” là nơi vui vầy của mấy bầy bươm bướm, chuồn chuồn rồi mấy con chim sâu nhỏ trong những buổi chiều tà. Lũ con nít trong xóm cứ đợi đến chiều xuống thì tranh nhau leo lên cây mai để bắt cho bằng được mấy con vật hiền khô này. Nếu mà ông Tâm có nhà thì chắc tụi con nít sẽ bị ông rầy la và tống cổ xuống liền. Đằng này ông Tâm cứ bận việc đồng áng suốt nên “lão mai” cứ thế trơ thân chịu trận mấy đứa trẻ nghịch ngợm vào những buổi chiều như thế…
Chưa hết. Ngày mùa lúa gặt về đầy sân nhà ông Tâm. Máy thổi lúa chạy xình xịch phun rơm về phía “lão mai”. Chẳng mấy chốc quanh “lão mai” là một cây rơm xanh vàng; chỉ còn trơ lại cái đọt cao cao. Phải gần tháng, “lão mai” mới được giải phóng khỏi đống rơm. Lúc đó nom lão thật tội nghiệp: cành thì gãy, cành thì cong; lá ra màu xanh bạc… Nhưng ông Tâm chẳng hề lo lắng: “Ăn thua chi, nước lụt ngâm mấy ngày, bão có làm bay lá gãy cành thì mai vẫn là mai. Mai là một loài cây có cốt cách mà!”. Ông Tâm nói không hề sai. Có năm lụt to, nước chấm đến nóc nhà, “lão mai” cũng chỉ còn lóp ngóp cái ngọn. Nước rút rồi, có mấy cây cổ thụ không trụ nổi héo khô luôn, nhưng “lão mai” thì vẫn không hề hấn. Lá rụng rồi thì mầm nhú lên vươn tìm sự sống…
Qua cái lụt “ông tha mà bà chẳng tha” hăm ba tháng Mười Âm lịch, ông Tâm bấm đốt ngón tay tính ngày cho “lão mai” trổ hoa đúng tết, rồi khoảng một tháng trước tết ông bắc thang trẩy lá mai. Có mấy cành cao ông phải nhờ đến mấy đứa con nít trẩy lá giùm. Sau khi trẩy xong lá ông Tâm phát cho mỗi đứa mấy cái kẹo và không quên dặn: “Mấy đứa con từ nay đến tết không được trèo lên cây mai bắt chuồn chuồn, bươm bướm nữa nghe chưa! Đứa mô (nào) không nghe tau khẻ (gõ) cho què giò!”.
Mai hé nụ là tết đang về. Ông Tâm cũng gác lại chuyện đồng áng để sửa soạn đón tết. Đánh bóng lại bộ lư đèn thờ, chẻ lạt dang để gói bánh tét… Đó là những công việc của đàn ông trong nhà. Ông Tâm cứ tỉ mẩn với từng việc nhỏ như thế bên chiếc bàn nhỏ trước hiên. Vừa thong thả từng việc ông vừa nhấp trà thư thả ngắm mai. Sáng hai mươi chín tết, cội mai đã lấm tấm sắc vàng. Ông Tâm thắp ba cây hương khấn vái câu chi đó rồi cắm xuống gốc mai, sau đó ông bắt đầu cưa mấy cành mai. Cành đẹp nhất ông mang vào nhà, những cành mai còn lại ông tặng bạn bè, hàng xóm… Một điều tối kỵ theo lời ông Tâm là: “Không được cưa cành chủ của cây mai…”. Năm này qua năm khác, “lão mai” cứ bền bỉ, nhẫn nại qua mưa nắng, gió bụi dung dưỡng những mạch sống ngầm đằng sau lớp vỏ cây bạc thếch để xuân về là khai mở hoa vàng. Nhìn những cành mai rời khỏi mẹ cây, run run từng nụ hoa vừa hé trong hơi ấm tay người ngày cuối năm, tôi cứ miên man ý nghĩ về một cuộc sinh nở nhọc nhằn của người mẹ để những đứa con chào đời thắp sáng mùa sang…
Nhà chị ở làng Lại Thế. Đó là một ngôi làng cổ ven thành Huế với rất nhiều kiến trúc nhà vườn đặc trưng của một Huế xưa. Là những hàng chè tàu thẳng tắp dẫn đến từng ngôi nhà. Những vườn cây sum suê quanh năm hoa trái. Trước mỗi ngôi nhà, chủ nhân đều không quên trồng một đến nhiều cây mai. Chị nói: “Làng chị được gọi là làng làm quan bởi quan lại triều Nguyễn có nhiều người chọn cuộc đất ở đây để lập vườn, dựng nhà. Cái nếp sống lễ nghĩa, thanh cao còn lưu giữ trong mỗi ngôi nhà cũ cho dù chủ nhân của nó bây giờ có khi chỉ là những người lao động bình dân…”.
Cây mai trước hiên nhà chị đã sống qua một thế kỷ và là kỷ niệm đong đầy của một mối tình vợ tình chồng. Dưới gốc mai già là một chiếc bàn đá nhẵn bóng. Chị kể rằng: “Lúc còn sống, những đêm xuân trời trong gió ấm, ba chị vẫn ngồi dưới gốc mai để độc ẩm, thưởng hoa và đề thơ. Ba mất rồi. Tết đến, mẹ chị vẫn ra ngồi ở chiếc bàn đá để rót rượu để tưởng nhớ ba. Những lúc đó chị ngỡ như ba về trên màu ấm hoàng mai để tâm tình cùng mẹ…”.
Mối tình lãng mạn mà tròn đầy thủy chung son sắt của ba mẹ chị đã là cảm hứng để chị viết nên một bài thơ rất hay về hoa mai: “Gốc mai trăm tuổi chưa già – Hoa nở, rụng tràn ly rượu đắng – Nỗi buồn Ba, chìm sâu vào trăng lặn… Xuân đến – Mẹ – cơn mê – hoa và rượu – Bàn đá cô đơn – Ly rượu trống không – Ly rượu trống – Nỗi buồn đầy ắp – Thảm vàng hoa vắng kẻ đề thơ – Đêm trừ tịch, hương hoa tràn nỗi nhớ – Thương Mẹ, Ba về trên tấm thảm vàng hoa…”.
Tôi vẫn thường ghé thăm mảnh vườn quen thương đó mấy độ xuân trước. Mỗi lần như thế chị vẫn đọc bài thơ này bên chén trà đầu năm. Đứng bên chiếc bàn đá rơi rụng đầy vàng hoa mà cứ vấn vương câu chuyện tình yêu lãng mạn vô cùng của người đã khuất. Tiếc rằng, mảnh vườn xưa của chị đã không còn giữ được trong cơn lốc đô thị hóa. Chị cũng đã dọn đến ở một ngôi nhà khác sau khi khu vườn cũ đã bán đi. Những lần tôi qua xóm cũ, chân thì muốn ghé lại cõi vườn xưa nhưng lòng không dám. Sợ rằng nhỡ cây mai ngày trước không còn, bàn đá cũng đã bị phá đi thì buồn biết mấy. Thôi thì “lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng” (thơ Huy Cận) rằng vẫn còn đó “hương hoa tràn nỗi nhớ” và “tấm thảm vàng hoa” đẹp lung linh một mối tình tri kỷ bên cội mai già mỗi độ xuân về cho dù bóng người xưa giờ đã hóa hư không…
Ở Huế không nơi nào nhiều hoa mai như các vườn chùa. Tọa lạc trên những ngọn đồi cao phía tây nam thành phố, những vườn chùa đều rộng mênh mông. Cây cối ở vườn chùa chia thành ba tầng xanh. Tầng cao là những tán cây cổ thụ như lim, sến, thông; tầng thấp là những loài rau tập tàng xen cỏ dại và tầng giữa là những loài hoa trái mà nhiều nhất vẫn là hoàng mai. Có lẽ các vị sư tiền bối trước đây cũng chỉ trồng vài cây mai để tiêu khiển, vui thú sơn hà và tu tập mà thôi. Qua thời gian những cây mai cứ nối tiếp nhau mọc lên khắp các vườn chùa thành những khu rừng mai nhỏ. Ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ nên độ xuân về, phải đi đến tận nơi mới thấy được một rừng hoa mai đang tỏa bóng vàng hoa, ngào ngạt hương thơm trong vườn chùa Huế.
Bước vào cổng tam quan của một ngôi chùa quen vào ngày cuối năm cũ đã nghe hương thơm của hoa mai từ vườn chùa thoảng lại. Nhấp chén trà ướp sen, nhà sư trụ trì nhìn ra vườn mai qua song cửa sổ, đôi mắt xa xăm, hiền hòa và kể với tôi rằng: “Những ngày xuân, hoa mai hoàng đạo nở. Vừa xong buổi công phu kinh kệ sớm, bước ra cửa chánh điện của chùa đã thấy nghìn trùng cánh mai từ vườn bay theo gió sớm nhẹ nhàng phủ vàng mơ một góc sân chùa. Hoàng mai là một loài hoa đã ngộ đạo đất trời, dâng hiến hương hoa từ khi khai hoa nở nhụy cho đến khi cánh hoa rơi rụng xuống đất cũng chưa vội tàn mà một lần nữa hiến dâng tận cùng vẻ đẹp của mình cho đất trời đang độ xuân. Đó cũng là bài học từ thiên nhiên cây cỏ như một bà mẹ lớn của con người, để người tu học có cơ duyên gắn bó với sự huyền diệu của đất trời mà mình hay ví von trong các buổi dạy Phật pháp với các đệ tử trong chùa…”. Nghe lời kể, hốt nhiên trước mắt tôi vẽ nên một bức tranh thật đẹp: đó là cảnh xuân trước cửa thiền mà màu vàng tươi của những cánh hoa mai quyện hòa cùng màu vàng ấm của những chiếc áo cà sa tu sĩ làm nên ánh đạo xuân vàng mãn viên nơi cổ tự…
Chiều cuối năm. Người cùng hoa hối hả khắp các nẻo phố. Tôi bắt gặp cảnh mấy chú tiểu kéo chiếc xe nhỏ chầm chậm chở mấy cành mai vừa chớm nụ rung rinh trong gió từ vườn chùa xuống chợ hoa trước Đại Nội Huế. Chiếc xe dừng lại bên vệ đường và những cành mai nhanh chóng được bán hết cho người qua kẻ lại. Cũng chẳng lâu sau, mấy nhà sư đã dùng hết số tiền vừa bán hoa mai để mua nào là đào, cúc, ly… chất đầy xe chở về chốn già lam. Cái cảnh thi vị đạo và đời rất Huế đó trong thời khắc cuối năm làm lòng người bỗng thấy an nhiên khi mùa xuân đã vẫy tay chào trên xứ sở…
Xem thêm: