Với tên gọi “Vị nghệ thuật” – phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật được coi là đầu tiên không vì một mục đích nào khác (chẳng hạn “từ thiện”) mà chỉ vì giá trị đích thực của bản thân tác phẩm – sẽ được tổ chức tại Khách sạn Caravelle (Công trường Lam Sơn, Q.1, TP. Hồ Chí Minh ngày 17-12-2016). Bên cạnh các tên tuổi lớn của hội họa Việt Nam và Indonesia, có khá nhiều họa sĩ đương đại ở Hà Nội và Sài Gòn.
Nhà tổ chức phiên đấu giá “Vị nghệ thuật” là Lythi Auction – một cái tên còn mới toanh trong đời sống mỹ thuật tại TP. Hồ Chí Minh, thế nhưng giám tuyển đồng thời là đại diện của Lythi Auction không xa lạ với các sinh hoạt tạo hình tại thành phố này những năm gần đây: cô Lý Bích Ngọc, trợ thủ thân tín của nhà sưu tập Thái Lan Tira Vanichtheeranont – người sở hữu một bộ sưu tập đồ sộ với hàng ngàn tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam nhiều thế hệ, trải dài từ thời mỹ thuật Đông Dương cho đến đương đại. Ông Tira còn là chủ nhân gallery 333 ở Bangkok mà cô Bích Ngọc hiện là giám đốc điều hành. Tại Khách sạn Caravelle cũng có một phòng trưng bày các tác phẩm hội họa Việt Nam thuộc sưu tập của gallery 333 trên tầng 9.
Điểm đặc biệt là phiên đấu giá “Vị nghệ thuật” không chỉ đưa ra các tác phẩm của tác giả người Việt. “Cây đinh” trong buổi tối 17-12 tới đây là một bức tranh sơn dầu của Affandi (1907-1990), tên tuổi lớn của hội họa Indonesia. Tranh Affandi từng được bán với giá hàng trăm ngàn USD tại nhiều sàn đấu giá, cao nhất là bức Affandi và các cháu (sơn dầu, khổ 119 x 100,5cm – vẽ năm 1959) và Borobudur (125 x 150cm; 1983) đều được bán với giá trên 1 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s Hongkong trong hai phiên đấu giá ngày 30-5-2015 và ngày 28-5-2016. Còn bức của Affandi được Lythi Auction đặt tên là Hội chợ phù hoa (sơn dầu, khổ 60 x 120cm) có giá khởi điểm 180.000-200.000 USD (4.087.800.000-4.542.000.000 đồng). Thuộc sở hữu của nhà sưu tập đã qua đời Lê Thái Sơn, bức tranh này đáng tiếc là không có chữ ký tác giả và trong tình trạng cần được phục chế. Một họa sĩ Indonesia khác có tranh trong phiên đấu giá “Vị nghệ thuật” là Hasim (1921-1982) với bức Làm đồng, được rao giá khởi điểm khá thấp: 2.000-2.500 USD; bức tranh này được bán tại nhà đấu giá Larasati ở Singapore ngày 23-4-2016 dưới giá khởi điểm đến 40%.
Được coi là “đối trọng” với tranh Affandi tại phiên đấu giá ở Khách sạn Caravelle là bức Mẫu đơn đỏ của Lê Phổ (sơn dầu trên bìa cứng, khổ 92,4 x 64,8cm) có nguồn gốc từ phiên đấu giá ngày 4-11-2015 tại nhà đấu giá Doyle ở New York. Dù Lê Phổ là kỷ lục gia người Việt về giá tranh và mới đây bức Thiếu nữ bên những quả na được bán với giá 567.178 USD tại nhà Christie’s Hongkong nhưng giá khởi điểm bức Mẫu đơn đỏ không cao: 30.000-35.000 USD, còn thấp hơn giá khởi điểm bức Một nửa ngày là đêm của Lê Kinh Tài (30.000-40.000 USD).
Phiên đấu giá còn đưa ra các tác phẩm của Trần Đông Lương (1925-1993), một tài năng lớn về tranh lụa với các chân dung thiếu nữ tuyệt đẹp. Bên cạnh đó là tranh của Lê Văn Xương (1917-1988), một họa sĩ không nổi tiếng nhưng nhiều tác phẩm của ông hiện thuộc sưu tập của ông Tira Vanichtheeranont. Theo ghi chép của chính họa sĩ Lê Văn Xương, trong triển lãm cá nhân của ông với tên gọi “Hà Nội 36 phố phường”, được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ ngày 28-4-1953 đến ngày 10-5-1953, đã có chín trong số 29 bức tranh triển lãm có người mua, riêng thủ hiến Bắc Việt lúc đó là ông Nguyễn Hữu Trí đã mua bốn bức. Lythi Auction coi đây là dịp để vinh danh một tài năng hội họa Việt Nam.
Trong số các họa sĩ đương đại có tranh tại phiên đấu giá, có nhiều người đã thành danh và thành công như Lê Kinh Tài, Nguyễn Hoài Hương, Lê Thiết Cương, Bùi Tiến Tuấn, Liêu Nguyễn Hướng Dương, Lim Khim Katy, Mạc Hoàng Thượng, Lương Lưu Biên…, hoặc những gương mặt trẻ sáng giá như Nguyễn Trung Nghĩa, Nguyễn Ngọc Đan, Trần Thế Vĩnh… Tác phẩm của họ xứng đáng được vinh danh tại các sàn đấu giá tổ chức trong nước như Lythi Auction và cũng “an toàn” hơn trong một thị trường còn sơ khai nhưng đầy phức tạp như tại Việt Nam. Bài học từ cuộc đấu giá tranh vì mục đích từ thiện tại GEM Center cách đây không lâu vẫn còn nóng hổi, khi mà một bức tranh được cho là của Bùi Xuân Phái dù đã bán với giá nhiều tỉ đồng song giới chuyên môn đã khẳng định đó là tranh giả!
Có hai thể thức đấu giá ngày 17-12-2016 tại Khách sạn Caravelle là đấu trực tiếp (live auction) với tác phẩm của Lê Phổ, Affandi, Hasim, Trần Đông Lương, Lê Văn Xương, Lê Kinh Tài, Lê Thiết Cương, Bùi Tiến Tuấn, Lương Lưu Biên, Nguyễn Hoài Hương, Nguyễn Ngọc Đan…, và đấu gián tiếp (silent auction) với tranh, tượng của Liêu Nguyễn Hướng Dương, Lim Khim Katy, Trần Thanh Cảnh, Lê Kiệt, Hồ Hồng Lĩnh, Trung Nghĩa, Lê Minh Đức, Mạc Hoàng Thượng, Trần Ngọc Đức, Trần Thế Vĩnh, Phạm Đình Tiến, Văn Thạnh, Bùi Đức Tạo…
- Như Hoa