Với bức tranh vẽ chân dung con gái mình trong trang phục thời thuộc địa, một nữ họa sĩ nghiệp dư đã vượt qua hàng loạt tên tuổi trong làng hội họa để đoạt giải thưởng quốc gia về tranh chân dung tại Úc năm 2016, với trị giá giải thưởng lên đến 150.000 đôla Úc (AUD) – cao nhất thế giới trong lĩnh vực hội họa này.
Giải thưởng quốc gia về tranh chân dung mang tên Doug Moran (The Doug Moran National Portrait Prize) được đôi vợ chồng doanh nhân tỉ phú Doug và Greta Moran thành lập năm 1988 nhân kỷ niệm 200 năm khai sinh nước Úc. Ngoài giải thưởng 150.000 AUD cho người đoạt giải nhất, 30 người vào chung kết mỗi người được nhận 1.000 AUD. Mục đích của giải hội họa Doug Moran là tôn vinh nghệ thuật vẽ tranh chân dung đương đại tại Úc với điều kiện cả tác giả và người mẫu phải là công dân Úc (hoặc phải sinh sống tại Úc ít nhất một năm).
Liên quan đến bức tranh đoạt giải thưởng của nữ họa sĩ nghiệp dư Megan Seres, có một câu chuyện thương tâm diễn ra cách đây đã hơn hai trăm năm. Năm 1789, một trẻ ăn xin trên đường phố London tên là Mary Wade bị kết án treo cổ vì bị buộc tội ăn cắp quần áo của một đứa bé khác. Sau đó tội tử hình của phạm nhân thiếu nhi Mary Wade được đổi thành phát vãng, lưu đày sang Úc – thời đó là thuộc địa của đế quốc Anh. Mary Wade đến Sydney vào năm 1790, sau đó bị đưa vào trại giam trên đảo Norfolk. Được tha bổng vào năm 1812, Mary Wade lập gia đình và có tới 21 người con. Năm 1859, bà qua đời ở tuổi 82 với con đàn cháu đống là công dân Úc. Câu chuyện của Mary Wade đã tác động sâu sắc tới Megan Seres, đúng vào lúc cô con gái Scarlett 10 tuổi của Seres đang học về thời kỳ Úc còn là xứ thuộc địa và được đóng vai diễn về thời kỳ này trong một vở kịch tại trường. Cô bé đã kể lại cho mẹ những cảm xúc và niềm hạnh phúc khi được học về một thời kỳ lịch sử đã vĩnh viễn qua đi. Còn người mẹ đã lấy cảm hứng từ câu chuyện năm xưa và những tiết học của con để vẽ bức chân dung Scarlett trong trang phục thời thuộc địa dự thi giải Doug Moran.
Megan Seres đã mất đúng ba tháng rưỡi để hoàn tất bức chân dung cô con gái: một cô bé với đôi bím tóc được tết lại, đôi mắt xanh mở to trong bối cảnh hoang dã của nước Úc thế kỷ XVIII với những hòa sắc rực rỡ. Bức tranh được vào vòng chung kết cùng với 29 tác giả khác. Ban giám khảo gồm nữ họa sĩ Anna Wallace, bà Greta Moran và ông Doug Hall, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Queensland. Và kết quả là tác phẩm Scarlett – cô bé thời thuộc địa đã được trao giải nhất. Theo ban giám khảo cuộc thi, bức tranh được chọn để trao giải cao nhất bởi ngoài giá trị nghệ thuật, nó còn lột tả được mối quan hệ gần gũi giữa người mẹ – tác giả và cô con gái – nhân vật trong tranh; hơn thế nữa bức tranh còn tái hiện tính cách của một nhân vật đã đi vào lịch sử lập quốc của nước Úc. “Đó là một tác phẩm có thể đứng độc lập với tư cách một ý tưởng cá nhân sâu sắc nhưng cũng có thể ôm trọn lấy lịch sử và đóng vai trò của nó trong thời hiện đại” như nhận định của ban giám khảo. Giám khảo Doug Hall cho biết bức tranh mang đến một nỗi ám ảnh: “Nó thật tinh tế, kìm nén, đẹp đẽ, đa nghĩa và chúng tôi đều bị khuất phục”.
Trước khi giành được giải thưởng, nữ họa sĩ nghiệp dư Megan Seres làm nghề vệ sinh quét dọn bán thời gian, một công việc “trong bóng tối” như cô mô tả và niềm vui của cô sau những giờ vất vả là được vẽ. Nay với khoản tiền thưởng 150.000 AUD, Megan Seres đã có thể cho phép mình tập trung vào hội họa và “những gì thật to tát sắp tới”. Giải thưởng còn giúp thay đổi hẳn cuộc đời hai mẹ con cô. Seres cho biết sẽ dành ra ba tháng đi du lịch tới Belfast (Bắc Ireland) để nghiên cứu một tác phẩm văn học có tên Người đàn bà sắc trắng, qua đó tìm cảm hứng cho các sáng tác mới. Sau đó, cô sẽ trở về nhà ở Gerringong trên vùng bờ biển phía nam của bang New South Wales để vẽ tranh và sẽ tổ chức triển lãm tại Anh.
Chiến thắng của người mẹ đơn thân còn là sự bù đắp cho cô con gái cưng bởi Scarlett đã phải trải qua những ngày “chán ngắt” khi ngồi làm mẫu cho mẹ vẽ: “Những lúc đó thật chán vì bạn thực sự chẳng làm gì được, cứ phải ngồi và ngồi miết”, cô bé cho biết. Tuy nhiên, Scarlett cũng rất hãnh diện với người mẹ nghệ sĩ: “Thật là tuyệt khi bạn có mẹ là một họa sĩ vì bạn có thể đến xưởng vẽ của mẹ bất kỳ lúc nào để xem tranh và chứng kiến những gì đang diễn ra. Em rất tự hào về mẹ”.
Với giá trị giải thưởng lớn như vậy nên các cuộc thi vẽ tranh chân dung Doug Moran luôn có sự tham dự của nhiều họa sĩ tài năng khắp nước Úc. Các tên tuổi trong làng mỹ thuật Úc như Vincent Fantauzzo, Leslie Rice, Nigel Milsom, Louise Hearman… từng đoạt giải thưởng cao quý này. Năm nay, vào chung kết có các họa sĩ Dean Brown, Prudence Flint, Stewart MacFarlane, Lewis Miller, Rodney Pople, Peter Wegner, Marcus Wills và Christine Wrest-Smith… và không ai ngờ được nữ họa sĩ không chuyên Megan Seres lại là người đoạt ngôi vị cao nhất! Các tác phẩm đoạt giải được đưa vào bộ sưu tập của Quỹ nghệ thuật Moran và được trưng bày thường xuyên tại Sydney. Riêng tác phẩm đoạt giải thưởng năm nay cũng như những tranh vào chung kết cuộc thi được giới thiệu tại một triển lãm kéo dài đến đầu năm 2017. Bạn đọc muốn xem chi tiết về các tác phẩm vào chung kết có thể vào website: www.moranprizes.com.au/gallery/portrait.
Doug Moran sinh năm 1924 tại Emmaville, bang New South Wales trong một gia đình nghèo làm nghề công nhân mỏ than, năm 11 tuổi đã phải nghỉ học kiếm sống. Năm 12 tuổi, cậu bé bỏ nhà lên Sydney làm công việc khuân vác hành lý trong một khách sạn. Trong Thế chiến II, Doug làm việc trên một tàu buôn của Anh. Chiến tranh kết thúc, Doug trở lại quê nhà, làm việc tại đập thủy lợi Warragamba ở Sydney và gặp tai nạn, bị mù một mắt cùng những chấn thương nghiêm trọng. Trong những ngày nằm viện, Doug đã được y tá Greta King hết lòng chăm sóc, sau đó họ thành vợ chồng.
Lúc này, do đã có ít vốn liếng nên Doug Moran muốn đầu tư vào bất động sản, song Greta lại muốn tiếp tục công việc y tá, thế là đôi vợ chồng quyết định đầu tư vào một lĩnh vực mới mẻ: bệnh viện. Họ thuê một tòa nhà ở bến cảng, cải tạo thành bệnh viện và đã hết sức thành công. Năm 1954, Doug và Greta Moran mua bệnh viện đầu tiên, từ đó họ phát triển công cuộc kinh doanh, kiếm được hàng trăm triệu AUD, trở thành đôi vợ chồng giàu có nổi tiếng ở Úc (từng được xếp trong danh sách 200 người giàu nhất nước Úc).
Khi đã thành công vượt bậc trên thương trường, Doug và Greta Moran bắt đầu làm từ thiện và thành lập giải thưởng mỹ thuật Doug Moran. Tháng 11-2011, Doug Moran qua đời tại Sydney. Bà Greta Moran hiện phụ trách Quỹ mỹ thuật Doug Moran và là thành viên ban giám khảo giải thưởng mang tên ông.
- Lê Bản