Đặc biệt, con tôm ĐBSCL đã cung cấp 80% sản lượng; 60% kim ngạch xuất khẩu cho cả nước. Riêng cá tra là “sản phẩm đặc hữu” của vùng. Điều trớ trêu là từ cuối năm ngoái đến nay, mặc dù kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng, nhưng người nuôi, doanh nghiệp chế biến vẫn lao đao. Giải bài toán con tôm, cá tra không chỉ là chuyện của nghề nuôi, chế biến mà chắc chắn phải cần sự tiếp cận đa ngành, cần những giải pháp căn cơ, đồng bộ hơn.
Phía sau kỳ tích
Lịch sử hình thành và phát triển của ngành nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra và tôm tạo ra kỳ tích. Con tôm ĐBSCL đã mở đường “xuất ngoại” cho thủy sản ViệtNamtrong quan hệ giao thương với các nước, nhanh chóng trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của nước ta. Chỉ trong một thập niên, con cá tra đã đạt tốc độ phát triển nhanh chưa từng có. So với sản xuất lúa gạo, làm bài toán đơn thuần, thì nuôi tôm và cá tra có giá trị hơn nhiều. Xuất khẩu 1 tấn gạo chỉ thu về khoảng 400-500 USD, tức 1 ký gạo thu từ 0,4-0,5 USD. Trong khi 1 ký fillet cá tra có giá 3-4 USD, hơn gần 10 lần. Cũng như thế, giá tôm đông lạnh thường cao hơn gấp 2,5 lần fillet cá tra. Về mặt dinh dưỡng học, hai mặt hàng này cung cấp lượng thịt trắng, an toàn, ít bị nhiễm kháng sinh, dư lượng hóa chất độc hại, đáp ứng xu thế ẩm thực mới.
Cho cá ăn
Nhưng đằng sau ánh hào quang của con tôm và cá tra là thách thức trước yêu cầu phát triển bền vững. Từ năm 2010, dịch bệnh hoại tử gan con tôm, có vụ đã làm thiệt hại đến 60 – 70% diện tích nuôi ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Đối với con cá tra, lặp lại “chu kỳ khủng hoảng” năm 2008, từ đầu năm 2012, giá cá liên tục theo xu hướng giảm. Chỉ cần ước tính, người nuôi đã phải chịu lỗ, “treo ao”, kéo theo cảnh nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng hoặc cho công nhân nghỉ việc. Theo “kiểm đếm” của giới quan sát, có khoảng 70% doanh nghiệp thủy sản đang đứng trước nguy cơ ngừng sản xuất.
Nguyên nhân được nhận diện là do giá thị trường xuống thấp, thiếu vốn, “hiệu ứng đô-mi-nô” lây lan, nợ nần dây chuyền, chiếm dụng vốn lẫn nhau. Điều kỳ lạ là ViệtNamđang nắm giữ 99% thị phần cá tra toàn cầu, xét về mặt kinh tế học, ta đang nắm giữ độc quyền cung ứng sản phẩm đặc hữu này cho cả thế giới tiêu dùng cá tra. Nhưng “nhà độc quyền” không có quyền quyết định giá bán, thị trường, nguồn cung và làm chủ thị phần.
Đi tìm lời đáp, thực tế đã lộ diện. Trong cơn khát vốn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản làm ăn chụp giựt, đã tự làm khó mình và làm khó lẫn nhau khi liên tục chào bán hàng với giá thấp để có tiền xoay vòng. Đó là cái cách “bồ nhà chơi xấu nhau trên sân khách”. Chính điều này đã tạo cho nhà nhập khẩu quyền xác lập “giá trần”. Và giá trần liên tục hạ theo chiều hướng gây bất lợi cho ngành xuất khẩu cá tra ViệtNam. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là “khúc đuôi” của con cá. Nhìn theo chuỗi giá trị, PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu – Phát triển ĐBSCL, cho rằng: “Con cá tra đang bị chặt ra làm ba khúc. Khúc đầu cho nhà phân phối nước ngoài và lên bàn ăn là khoảng từ 15-17 USD/kg. Khúc giữa cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu fille khoảng 3,2 đến 3,4 USD/kg. Người nuôi chỉ được khúc đuôi từ 1,2 đến 1,4 USD/kg. Đây là “phần ăn” lắm xương”. Tất nhiên, bài toán “tích phân” đó được giải trong điều kiện bình thường. Khi tình hình biến động bất lợi, phần thua thiệt nhiều hơn thường rơi vào nông dân. Chưa kể, hiện nay 70% chi phí giá thành so với giá bán cá tra là giá thức ăn. Trong khi đó, 80 – 90% các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ quyền cung cấp thức ăn và thuốc thú y thủy sản, quyết định giá nguyên liệu.
Liên kết vùng – hướng đi tất yếu của thủy sản ĐBSCL
Theo PGS Nguyễn Văn Sánh, muốn giải bài toán phát triển bền vững thủy sản ĐBSCL phải liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa “luật chơi” trong “sân chơi thủy sản”. Theo đó, các doanh nghiệp ViệtNamphải liên kết lại, đủ sức cạnh tranh với bên ngoài. Phải có lộ trình “cải tổ” ngành thủy sản theo hướng “liên kết chuỗi giá trị”; phát huy vai trò của hiệp hội ngành hàng này trong câu chuyện con tôm, cá tra, tiến tới thành lập sàn giao dịch thủy sản hoạt động thực chất và hiệu quả. Một dự án phát triển sản xuất và tiêu thụ tôm, cá tra do các nhà khoa học đồng bằng xây dựng với sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo TâyNambộ đang đệ trình Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đang mở ra nhiều kỳ vọng mới. Theo đó, sẽ tập trung vào phát triển các mô hình liên kết sản xuất mới, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng lực người sản xuất và quản lý; phát triển thể chế và chính sách phù hợp; tăng cường thông tin kỹ thuật và thị trường. Chắc chắn điều đó chưa đủ sức cho con tôm và cá tra trong chặng đua mới khi một số quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Indonesia đang nỗ lực phát triển ngành kinh tế này, sẽ đến lúc trở thành những đối thủ đáng gờm. PGS Nguyễn Văn Sánh còn lưu ý việc phải tính đến thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, những tác động xấu đến dòngMekong… làm thay đổi điều kiện sinh thái của vùng nuôi.
Chế biến tôm tại Công ty cổ phần chế biến Thủy sản Sóc Trăng
Tín hiệu xanh trên đường hội nhập bầy đàn
Đầu tháng 6-2012, có hai tín hiệu vui đến với vùng này: với sự trợ giúp của Ngân hàng Nông nghiệp, Sóc Trăng ra mắt Quỹ hỗ trợ phát triển thủy sản tỉnh và Ban Vận động thành lập Hiệp hội cá tra ĐBSCL nhóm họp để ra đời Hiệp hội Cá tra Việt Nam – một tổ chức cộng đồng đủ sức đại diện cho người nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nhà quản lý và hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu phát triển của một sản phẩm chiến lược như cá tra.
Gần đây, giới quan sát chú ý việc Sở Giao dịch hàng hóa Singapore chọn TP. Hồ Chí Minh làm điểm tiêu chuẩn giao hàng cho hợp đồng giao dịch hạt tiêu. Mặc dù không so được với Ấn Độ về quy mô và tài nguyên, nhưng vị thế của ViệtNamnhư là một trung tâm giao dịch hàng hóa đang ngày càng được củng cố. Trong năm năm qua, chúng ta đã lần lượt vượt qua Ấn Độ ở các mặt hàng tiêu, điều, cà phê; sắp tới sẽ là cao su. Và nhiều người có niềm tin, tiếp theo sẽ là thủy sản. Một trung tâm giao dịch thủy sản của Việt Nam tại châu Âu cũng vừa được mở tại Brussele, Bỉ. Những hoạt động hiệu quả thực chất, theo phương thức kinh doanh hiện đại kiểu như sàn giao dịch hàng hóa, tất nhiên không phải ngày một ngày hai mà có được. Đó là một quá trình chuyển đổi tận gốc rễ theo chuỗi giá trị, từ “truy xuất” nguồn gốc tôm, cá tra đến “sàn giao dịch hàng hóa”. Nếu chưa khởi động, chắc chắn sẽ chậm chân.
Một tín hiệu khác, Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa cá da trơn chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn vào danh mục thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Thực ra, vấn đề này đã được đề đạt từ nhiều năm qua. Đề án liên kết vùng phát triển ba sản phẩm chủ lực của ĐBSCL, trong đó có cá tra, lồng ghép đào tạo nghề thực chất theo nhu cầu tại chỗ do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp các viện, trường và địa phương đệ trình Chính phủ đã được chuẩn bị rất công phu mấy năm qua. Nhiều giải pháp thực tiễn được đề xuất để liên kết vùng bằng những tiến bộ khoa học, công nghệ và trợ giúp của cơ chế, chính sách, luật pháp, dựa trên các nguyên lý phát triển vùng kinh tế, phương pháp quản trị theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực… Tất nhiên, đường đi phía trước còn dài. Liên kết vùng đối với một sản phẩm quốc gia, đã vươn xa tầm quốc tế như cá tra là một yêu cầu bức bách, là cách thức để đưa cá tra Việt Nam trở lại bầy đàn mạnh mẽ hơn trong cuộc đua mới.
Trần Hữu Hiệp