Tăng trưởng kinh tế năm 2016 không đạt chỉ tiêu 6,7% mà Quốc hội giao đã được nhìn thấy rõ khi trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất kế hoạch năm 2016 là 6,3 – 6,5%.
Với kết quả trong chín tháng đầu năm, theo tính toán, nếu muốn cả năm tăng trưởng 6,3% thì quý IV phải tăng trưởng 7,1%. Nếu tăng trưởng 6,5% thì tăng trưởng quý này là 7,7%; và nếu tăng trưởng theo kế hoạch là 6,7% thì phải đạt mức tăng trưởng 8,3%. Hai kịch bản sau cho thấy, khả năng tăng trưởng cao là không khả thi.
Chính phủ đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Một nguyên nhân quan trọng không kém chính là do các bộ, ngành đã rất chậm trễ trong triển khai đầu tư công.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong chín tháng đầu năm mà vốn ngân sách nhà nước chỉ giải ngân được 58,6%, vốn trái phiếu chính phủ giải ngân được vỏn vẹn 38,8% (trong khi đó, con số tương ứng của Bộ Tài chính là 54,5%, và 38,8%).
Với tốc độ giải ngân vốn trái phiếu chính phủ ở mức chậm chạp như nói trên, vô hình trung các bộ, ngành đã làm lãng phí nguồn lực vô cùng lớn. Một mặt, Chính phủ phải trả lãi cho lượng vốn huy động mà không giải ngân được. Mặt khác, tình trạng các doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận vốn cũng là một yếu tố cản ngại tăng trưởng.
Trả lời câu hỏi, Thủ tướng có chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng giảm lãi suất cho vay, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận: “Điều hành lãi suất là vấn đề rất khó khăn”.
Tăng trưởng không đạt mục tiêu luôn gây ám ảnh cho điều hành kinh tế vĩ mô. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu thừa nhận: “Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước trên GDP của Quốc hội; nợ công và nợ Chính phủ có thể cao hơn mức dự kiến nếu không điều chỉnh cơ cấu nợ”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không tỏ vẻ sốt ruột. Ông chỉ đạo các bộ, ngành chú trọng vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng tăng trưởng. “Mỗi khi quyết định chi tiêu ngân sách phải đặt ba câu hỏi. Đó là có tiết kiệm không, có lãng phí không, có hiệu quả không?”.
Thực tế cho thấy người dân và nền kinh tế không được lợi gì từ những cổng chào đồ sộ, những tượng đài ngàn tỉ, những dự án công khổng lồ đắp chiếu. Không thể thúc đẩy đầu tư công, hay khai thác dầu thô bằng mọi giá chỉ để đạt mức tăng trưởng. Điều quan trọng nhất, là phải giảm nhũng nhiễu, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp yên tâm làm ăn. Đó mới là cách thúc đẩy tăng trưởng bền vững nhất.
Mới đây, phát biểu tại lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam Hội nhập – Phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo ra việc làm và sự thịnh vượng của quốc gia. Ông cũng bày tỏ mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội.
Hiện Việt Nam có gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, riêng chín tháng qua có hơn 91.000 doanh nghiệp mới thành lập. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong kinh doanh.
“Chúng ta phải phấn đấu để đến năm 2020 cả nước có trên một triệu doanh nghiệp và không chỉ tăng lên về số lượng, mà chất lượng hoạt động của doanh nghiệp cũng phải được cải thiện mạnh mẽ”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, đòi hỏi nền kinh tế phải có một bước chuyển căn bản về chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh để hội nhập thành công và phát triển bền vững. “Chính phủ đang quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, không thể tiếp tục tư duy cách làm cũ, không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay lao động giá rẻ. Việt Nam cần phát triển với trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên sự đổi mới sáng tạo, dựa trên công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt”.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong cả nước thực hiện “Ba đồng hành, năm hỗ trợ” đối với doanh nghiệp.
Ba đồng hành của Chính phủ gồm (1) Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, (2) Hoàn thiện thể chế, pháp luật trên các lĩnh vực, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, (3) Thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp.
Năm hỗ trợ với doanh nghiệp gồm: (1) Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, (2) Nâng cao hiệu quả hoạt động, (3) Tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội, (4) Xây dựng thương hiệu sản phẩm, (5) Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Thế nhưng, thực tế cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chật vật trong hoạt động kinh doanh. Theo Tiến sĩ Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến cuối 2014 khối doanh nghiệp này đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách, chiếm khoảng 31% vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm, và quan trọng là đang tạo ra 51% tổng việc làm của Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không lớn: 32% doanh nghiệp siêu nhỏ, 17% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp quy mô vừa thua lỗ trong năm 2015, trong khi con số này ở các doanh nghiệp quy mô lớn là 10%. Trong khi có 52% doanh nghiệp siêu nhỏ báo lãi, thì có tới 83% doanh nghiệp quy mô lớn cho biết năm vừa qua là một năm kinh doanh có lợi nhuận.
Nhận định đáng chú ý là xu hướng này theo chuỗi thời gian không có sự cải thiện. Khoảng 75% các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chật vật khi tiếp cận vốn. Con số minh chứng là trung bình chỉ có 40% doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Trong đó, con số này là 62% ở doanh nghiệp nhỏ, 74% doanh nghiệp quy mô vừa và lên tới 81% đối với các doanh nghiệp quy mô lớn.
Doanh nghiệp siêu nhỏ cũng đang phải chịu mức lãi suất 9%/năm, cao hơn so với các nhóm còn lại (8%). Vốn khó, tiếp cận đất đai cũng chẳng dễ dàng. Nhưng còn một gánh nặng khác đã được các chuyên gia nhiều lần nhắc đến là chi phí không chính thức.
Gia Minh (DNSGCT)