Suy giáp xảy ra khi hai hormone tuyến giáp là triodothyronine (T3 – hormone đóng vai trò quan trọng trong tăng tốc độ trao đổi chất cơ thể, chức năng hoạt động của tim và tiêu hóa, kiểm soát cơ bắp, phát triển não và duy trì sức khỏe xương) và thyroxine (T4 – hormone chính được tiết vào máu, quan trọng đối với tiêu hóa, chức năng tim mạch và cơ bắp, não và xương) đều bị giảm quá thấp.
Trong việc thay đổi chế độ ăn để phục hồi hai loại hormone đó, bệnh nhân nên lưu ý những điều dưới đây.
Trái cây và rau củ. Việt quất, cà chua, ớt chuông và thực phẩm dồi dào chất kháng oxy hóa giúp cải thiện sức khỏe tổng quát, tốt cho tuyến giáp.
Khoáng chất selen. Một lượng nhỏ selen là cần thiết để các men sinh học thúc đẩy hormone tuyến giáp hoạt động đúng cách. Thực phẩm chứa nhiều chất khoáng này gồm hạt hướng dương và hạt dẻ Brazil (loại hạt từ cây được trồng ở nhiều vùng Amazon, lớn hơn so với các hạt dẻ khác).
Tyrosine. Amino axit (hợp chất cấu tạo nên protein và enzym) được sử dụng bởi tuyến giáp để sản xuất T3 và T4.
Thảo mộc. Chiết xuất từ nhân sâm và nhựa cây guggle (được dùng trong y học cổ truyền Ayurvedic tại Ấn Độ), cây húng chanh và rau má có thể giảm một số triệu chứng suy giáp, cho dù kết quả không thật rõ rệt.
Đậu nành. Loại đậu này chứa nhiều phytoestrogen (kích thích tố nữ) và nếu tiêu thụ quá nhiều đậu nành thì có khả năng làm tăng nguy cơ suy giáp. Do đó, bệnh nhân suy giáp nên tiêu thụ đậu nành vừa phải.
Rau họ cải. Bông cải và cải bắp cản trở sản xuất hormone tuyến giáp, đặc biệt ở những người thiếu i ốt. Ăn các loại rau này giảm khả năng hấp thu i ốt, cần thiết cho chức năng bình thường của tuyến giáp.
Bệnh nhân bị suy giáp nên hạn chế tiêu thụ bông cải, củ cải.
Thừa chất xơ. Ăn quá nhiều chất xơ có thể gây cản trở việc điều trị bệnh. Chỉ nên ăn khoảng 30g chất xơ mỗi ngày.I ốt. Một số hình thức suy giáp do thiếu hụt nguyên tố vi lượng này. Vì thế, nên dùng muối hoặc thực phẩm chứa nhiều i ốt. Tuy nhiên, tiêu thụ quá mức có thể gây phản tác dụng và cản trở hoạt động tuyến giáp.
Gluten. Bệnh nhân suy giáp nên hạn chế tiêu thụ gluten – một loại protein có trong thực phẩm chế biến sẵn từ lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và các loại hạt khác vì nó kích ứng ruột non và ngăn cản hấp thu thuốc chữa bệnh.
Đồ ngọt. Suy giáp giảm tốc độ chuyển hóa trong cơ thể dẫn đến dễ tăng cân. Đường chứa nhiều calorie nhưng ít dinh dưỡng. Do đó, không nên ăn nhiều đường.
Thức ăn nhiều chất béo. Chất béo phá vỡ khả năng hấp thu thuốc chữa bệnh của cơ thể, ngăn cản tuyến giáp sản xuất hormone. Người bệnh nên cắt giảm bơ, xốt mayonnaise, margarine và thịt nhiều mỡ.
Thực phẩm chế biến. Loại thực phẩm này thường chứa nhiều muối natri không tốt cho bệnh nhân suy giáp. Tuyến giáp hoạt động kém làm tăng nguy cơ cao huyết áp và nếu thừa muối thì càng nguy hiểm.
Cà phê. Chất caffeine kích thích hệ thần kinh trung ương, ngăn chặn sự hấp thu của thuốc. Uống cà phê vào buổi sáng, khi đang dùng thuốc thì không thể kiểm soát lượng tuyến giáp. Nên chờ ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc mới dùng cà phê.
Rượu. Đây là thứ tàn phá hormone trong cơ thể và làm giảm khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp. Do đó, bệnh nhân suy giáp nên bỏ hẳn rượu hoặc nếu uống thì chỉ một chút.
- Hoàng Uyên theo Heathline và Everydayhealth