Ngành công nghiệp bao bì đóng gói tại Việt Nam có tiềm năng lớn khi liên tục đạt mức tăng trưởng trên dưới 10% những năm gần đây, thế nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải chật vật trong cuộc cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. Yếu về mặt quản trị, công nghệ… là lý do khiến doanh nghiệp thiếu tự tin về khả năng cạnh tranh và sẵn sàng bán lại cho các tập đoàn nước ngoài.
Tại buổi họp báo giới thiệu về Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về máy và thiết bị ngành công nghiệp đóng gói bao bì và in ấn (VietnamPack & Print 2016) diễn ra ngày 6-9, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội in Việt Nam, nhận định với mức tăng trưởng trên dưới 10% một năm, ngành công nghiệp bao bì Việt Nam đang hấp dẫn các doanh nghiệp ngoại. Nhận định này của ông Dòng dựa trên những thương vụ mua bán – sáp nhập lớn của ngành trong thời gian qua. Theo đó, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài đã mua phần lớn cổ phần hoặc thâu tóm luôn doanh nghiệp bao bì Việt. Đáng chú ý là thương vụ Công ty Bao bì nhựa TC – một công ty thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) – đã mua lại 80% cổ phần của Công ty cổ phần Bao bì Tín Thành (Batico) sau khi mua trên 20% cổ phần Nhựa Bình Minh và gần 25% Nhựa Tiền Phong.
Việt Nam hiện có trên 2.000 doanh nghiệp in, hơn 10.000 hộ kinh doanh cá thể về lĩnh vực in, doanh thu mỗi năm khoảng 60.000 tỉ đồng. Thế nhưng theo ông Dòng, sản phẩm in của Việt Nam mẫu mã còn hạn chế, chưa thật bắt mắt, nên phần nhiều được tiêu thụ trong nước, lượng xuất khẩu còn hạn chế, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1.000 tỉ đồng. Các khách hàng nước ngoài đánh giá ngành bao bì của Việt Nam hiện chưa phát triển, đây sẽ là một bất lợi lớn trong cuộc cạnh tranh với nhiều đối thủ ngoại mạnh về quản trị và công nghệ.
Dự báo mức tăng trưởng trong những năm tới của ngành bao bì Việt Nam sẽ không dưới 10%, khi sản xuất hàng hóa trong nước phục vụ cho thị trường tại chỗ và xuất khẩu phát triển mạnh trong thời kỳ hội nhập. Đây là con số khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh đầu tư. vì vậy, sự cạnh tranh trong ngành sẽ rất khốc liệt. Nếu không học hỏi, cập nhật công nghệ mới, thay đổi về mặt quản trị, doanh nghiệp Việt sẽ tiếp tục đuối sức và dễ dàng rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy, theo ông Dòng, tiềm năng lớn của thị trường vẫn có cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục mở rộng và phát triển. Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chọn hướng đi riêng chỉ chuyên in bao bì xuất khẩu, đầu tư về mặt thiết kế, đáp ứng thị hiếu và yêu cầu chất lượng của khách hàng nước ngoài đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Với sức hút của ngành, Triển lãm quốc tế lần thứ 16 về máy và thiết bị ngành công nghiệp đóng gói bao bì và in ấn (VietnamPack & Print 2016), Triển lãm quốc tế về máy và thiết bị ngành công nghiệp in ấn và nhãn mác (VietnamPrint & Lable 2016); Triển lãm quốc tế về máy và thiết bị ngành công nghiệp chế biến thực phẩm (VietnamFoodtech 2016) diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) – 799 Nguyễn Văn Linh, quận 7, TP.HCM từ ngày 12 đến 15-10-2016 thu hút 440 gian hàng từ 250 quốc gia. Triển lãm sẽ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới và dịch vụ tiên tiến cho ngành bao bì đóng gói, in ấn và chế biến thực phẩm từ các nước, đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp bao bì Việt tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác và thiết lập các mối quan hệ kinh doanh, đăc biệt trong lĩnh vực in ấn xuất khẩu để thúc đẩy sự phát triển ngành trong tương lai.
Bích Tuyền (DNSGCT)