“Nếu bạn không xinh trai/xinh gái, nếu bạn không ăn ngon mặc đẹp, nếu bạn không có chồng/bồ đại gia, nếu bạn không đi khắp thế giới và nếu…” thì bạn nên đóng tài khoản mạng xã hội hoặc là bạn sẽ bị “thần kinh”…!”. Đó là một trạng thái rất thật vào một buổi chiều cuối tuần nói thật.
Lạc vào “mê hồn trận” Facebook
Đăng nhập vào Facebook có khi giống như chơi trò đánh bạc cảm xúc. Nếu bạn đang tìm kiếm một vị trí công việc mà mình mơ ước…, bạn thường mở Facebook lên để rồi nhìn thấy dòng trạng thái phấn khích, tự hào (đôi khi là tự phụ) từ những người bạn đã tìm được chỗ tại các công ty/cơ quan tên tuổi.
Gặp lúc không vui, bạn sẽ nghĩ “Tại sao mình lại không có được công việc đó chứ? Hồ sơ của mình cũng rất tốt mà”. Và nếu như dòng trạng thái đó đến từ một người mà bạn không cho rằng họ xứng đáng với một vị trí ấn tượng như thế, bạn có thể rơi vào trạng thái tự thương hại mình suốt cả thời gian còn lại trong ngày.
- Xem thêm: Mạng xã hội đang giết chết tình bạn
Và còn nhiều trường hợp tương tự như thế. Chúng ta có xu hướng so sánh chính mình với người khác trên Facebook, Instagram, LinkedIn, Twitter… Bản năng tự nhiên của con người là phán xét sự tiến bộ và thành công của bản thân trong cuộc sống bằng cách xem mình có được như người khác hay không. Điều này từng được nhà tâm lý học Leon Festinger gọi là “thuyết so sánh xã hội” vào những năm 1950.
Những ảnh hưởng toàn diện của việc so sánh với người khác trên mạng xã hội vẫn còn trong giai đoạn đầu nghiên cứu. Tuy nhiên, theo kết quả một cuộc nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Social and Clinical Psychology (Tạp chí về Tâm lý học Thực nghiệm và Xã hội) thì những so sánh này có thể làm chúng ta chán nản.
Cuộc nghiên cứu được tiến hành với các sinh viên đại học có thói quen so sánh qua mạng xã hội đã kết luận rằng “mọi người cảm thấy chán nản, thất vọng sau khi dành nhiều thời gian trên Facebook vì họ thấy tệ hại khi so mình với người khác”.
Việc so sánh này làm chúng ta buồn bã, bất an như thể là chúng ta không theo kịp mọi người. Trước kia, chúng ta chỉ có thể lâm vào cảnh phải so sánh thế này tại những buổi họp mặt gia đình và trong cơ quan làm việc.
Giờ đây, chúng ta so sánh chính mình với những hình ảnh được “nhào nặn một cách hoàn hảo” (và đôi khi là “làm quá”) từ cuộc sống của cả mạng xã hội. Chúng ta không thể thấy rằng chiếc nhẫn đính hôn kia có thể không vừa vặn lắm, mức lương kia vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu và người mẹ thì đang lo âu khi sinh đứa con đầu lòng… Chúng ta chỉ nhìn thấy chính xác cái mà họ muốn chúng ta thấy.
Thuyết so sánh xã hội được khuếch đại
Dù biết rằng sử dụng mạng xã hội có thể làm chúng ta không yên hoặc thất vọng nhưng ta vẫn thích lướt qua những trạng thái mới trên Facebook để chứng kiến mọi người đã đạt đến những cột mốc mà chúng ta cũng mong muốn.
người cho biết họ thấy thật tuyệt khi bỏ Facebook nhưng rồi họ không thể cưỡng lại việc trở lại “xã hội” khi tò mò muốn biết mọi người đang có gì mới. Giới trẻ phương Tây gọi chuyện này là FOMO (fear of missing out – sợ bỏ nhỡ).
- Xem thêm: Mạng xã hội tác động mạnh đến hôn nhân
Đo sự tiến bộ của chính mình trong cuộc sống là một chuyện lành mạnh. Nhưng điều này có thể trở thành vấn đề khi so đo chính mình với những “phiên bản được nhào nặn một cách hoàn hảo của người khác” hoặc so sánh với mọi người trong những giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Chúng ta so mình với ai? Thường là với những người cùng trang lứa.
Các nhà tâm lý cho rằng chúng ta có “nhu cầu rất thật” là cần cảm thấy giỏi hơn, ổn hơn phần đông nhóm người cùng trang lứa; vì thế chúng ta có khả năng thay đổi nhóm trang lứa này để cảm thấy tự tin hơn. Ảnh hưởng có hại của chuyện từ chối “nhìn thẳng” này có thể diễn ra theo hai hướng: nhìn lên quá cao hoặc nhìn xuống quá thấp. Một nhân viên mới vào nghề so mình với một CEO hoặc ngược lại một người có vài chục năm thâm niên lại tự so với một người 22 tuổi.
Theo tiến sĩ Karen North – một giáo sư về truyền thông và là Giám đốc Chương trình mạng xã hội trực tuyến của Đại học Southern California (Mỹ), những người thành công cần phải “nhìn lên” ít nhất là một phần thời gian; họ cần tìm nhóm trang lứa phù hợp và tự nhủ rằng “tôi làm tốt hơn hai phần ba của nhóm nhưng vẫn để tôi nhìn vào một phần ba còn lại và nhìn vào những điểm tích cực mà họ đang làm tốt”.
Và một khi xác định được cộng đồng trang lứa phù hợp này, chúng ta có thể cảm nhận được sự thành công và niềm tự hào, đồng thời ngưỡng mộ những người hơn mình và phấn đấu đạt được điều họ có, chẳng hạn sự thăng tiến hay một kỳ nghỉ tuyệt vời hằng năm.
Facebook vốn là nơi để chia sẻ mọi thứ, từ một bài hát làm ta thấy xúc động đến bữa ăn ngon mà ta vừa nấu. Mạng xã hội khởi đầu là cách để chúng ta kết nối với mọi người cả gần và xa; chúng ta thích thú việc chia sẻ mỗi ngày với bạn bè và gia đình.
Đó từng là nơi chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt vời, đáng nhớ chứ không chỉ vì ta có thôi thúc làm gì đó để “câu like”, nhưng hiện giờ thì chúng biết rằng có ai đó đang nhìn vào trang của mình: bạn trai cũ, đồng nghiệp mới, ông bà chủ tương lai… họ là những người mà ta muốn tạo ấn tượng.
- Xem thêm: Mạng xã hội – lạnh nhạt ảo, đau khổ thật
Thế là chúng ta tự thấy áp lực cần chia sẻ (và đánh bóng) những khoảnh khắc hoành tráng, chứ không còn là chuyện thường ngày nữa. Nếu cập nhật hằng ngày thì quy trình cập nhật có thể là sự “phấn khích giả tạo” và những hình ảnh đẹp lung linh để chúng ta dường như trông hoàn hảo trên mạng xã hội. Đó là một cặp đôi hạnh phúc trên bờ biển Bali hay Hawaii chứ không ai biết được rằng họ vừa cãi nhau nảy lửa.
Chính vì áp lực này mà cư dân mạng bắt đầu chứng kiến hiện tượng “ảo tung chảo”, tức là nói quá hoặc tạo thông tin sai lệch. Có thể nói Facebook phần nào là “một cỗ máy PR”, nơi bảo đảm cho người khác trông thấy chúng ta là hình ảnh đẹp và ấn tượng mà thường thì sự thật phía sau không hấp dẫn đến như vậy.
Và đây là lời khuyên của tiến sĩ Karen North: “Mọi người cần học cách tiếp nhận các trạng thái mới trên mạng xã hội với một hạt muối trung hòa và nhận ra rằng đó không phải là tất cả sự thật”.