Theo phương án áp dụng lộ trình kiểm soát khí thải đối với môtô và xe gắn máy vừa được Cục Đăng kiểm trình Bộ Giao thông Vận tải, việc thực hiện lộ trình kiểm định khí thải sẽ được áp dụng ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh từ ngày 1-7-2018, sau đó thực hiện tại các thành phố loại 1 từ ngày 1-7-2020, tại các thành phố loại 2 từ ngày 1-7-2022.
Về chi phí kiểm tra khí thải xe máy, Cục Đăng kiểm đề xuất mức phí 49.500 đồng/xe và 10.000 đồng lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định. Đối với môtô, xe gắn máy có dung tích xilanh dưới 175cm3, dự thảo đưa ra hai phương án thực hiện thời điểm kiểm tra khí thải. Phương án 1 do các ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định. Phương án 2 thực hiện từ 1-7-2020 đối với xe đã sử dụng trên 15 năm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; từ 1-7-2022 thực hiện đối với xe đã sử dụng trên mười năm tại các thành phố loại đặc biệt và loại 1; từ 1-7-2025 thực hiện với xe trên năm năm sử dụng tại các thành phố loại 1 và loại 2.
Ngoài ra, Cục Đăng kiểm cho rằng các đại lý được ủy quyền chính thức của các công ty sản xuất, lắp ráp là lực lượng chính tham gia thực hiện kiểm tra khí thải xe gắn máy vì số lượng các đại lý được ủy quyền đủ khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm tra khí thải.
Hiện nay, chỉ tính riêng năm nhà sản xuất xe môtô, xe gắn máy lớn là Honda, Yamaha, SYM, Piaggio và Suzuki đã có hệ thống lên đến 1.526 đại lý trên cả nước, riêng tại năm thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) có 529 đại lý.
Ông Minoru Kato – Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam, thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho rằng rất khó để nhà sản xuất ép buộc nhà phân phối thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe gắn máy. “Honda và VAMM luôn hướng tới phát triển các sản phẩm chất lượng có mức tiết kiệm nhiên liệu cao và thân thiện với môi trường. Căn cứ quy định cụ thể về hạn chế phương tiện cá nhân, VAMM sẽ nỗ lực hợp tác cùng Chính phủ để xây dựng các phương án tối ưu hóa điều kiện giao thông và an toàn giao thông” – Đại diện VAMM nhấn mạnh.
Khẳng định ngoài trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng các sản phẩm đã đưa ra thị trường, ông Minoru Kato bày tỏ chính kiến rằng các nhà phân phối của VAMM khi tham gia thực hiện kiểm tra khí thải đối với xe gắn máy chắc chắn sẽ phải bổ sung thêm chi phí và nhân lực. Ông còn nêu rõ: “Các nhà phân phối của VAMM không phải là đại lý. Theo các nguyên tắc kinh doanh, nhà sản xuất không có quyền ép buộc các nhà phân phối của họ. Các nhà sản xuất có hỗ trợ cho các nhà phân phối thực hiện việc kiểm định hay không thì việc này VAMM chưa thảo luận và tôi chưa thể trả lời câu hỏi đó”.
Ông Nguyễn Hữu Trí – Cục phó Cục Đăng kiểm cho biết rằng theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng hơn 40 triệu xe gắn máy. Trong lượng xe lớn đó, có những xe đã hoạt động từ những năm 1980-1990 nhưng vẫn còn được tận dụng trên đường. Cũng theo ông Trí, khi quy định niên hạn sử dụng hoặc kiểm soát kỹ thuật xe gắn máy cũng như kiểm soát khí thải thì phải cân nhắc kỹ. Đa số chủ sở hữu những xe đã sử dụng lâu năm, chất lượng kém là những người dân có thu nhập thấp, sử dụng để mưu sinh hay đi lại khi mà điều kiện vận tải công cộng chưa đáp ứng được. Do đó, quy định niên hạn xe gắn máy phải được cân nhắc thận trọng.
Đưa ra lộ trình về niên hạn xe, ông Trí cho rằng, các đô thị loại 1 loại 2 nên có lộ trình hợp lý để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân. Cần phải xem xét đến tuổi đời những xe gắn máy đã hoạt động trên 15 năm hoặc trên 20 năm để có những lộ trình khác nhau. Trước mắt, Cục Đăng kiểm đang nghiên cứu dự thảo quy định kiểm soát khí thải xe gắn máy, trong đó có đề xuất kiểm soát chất lượng xe thông qua kiểm soát khí thải.
Liên quan đến vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng từ các kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia, nên quy định thời gian sử dụng xe gắn máy tối đa là 15 năm. Xe cũ tất nhiên có độ an toàn thấp hơn, tác động môi trường lớn hơn, tần suất xảy ra tai nạn cao hơn nhưng vấn đề này cần phải nghiên cứu tiếp.
Dù sao thì hiện tại tất cả mới chỉ là đề xuất của các cơ quan chức năng. Vì thế, ông Hùng nêu ý kiến: “Việc quy định niên hạn xe gắn máy phải dựa trên những nghiên cứu khoa học và tham khảo ý kiến của những người sử dụng xe gắn máy. Ban hành quy định phải giúp cho giao thông an toàn hơn và mang lại lợi ích chung cho xã hội. Đây là hai tiêu chí quan trọng nhất để Chính phủ cân nhắc về việc ban hành niên hạn đối với xe gắn máy”.
- Phan Lê