Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, nếu tất cả vaccine có sẵn được sử dụng rộng rãi cho con người trên khắp thế giới thì hằng năm, có từ 2 đến 3 triệu trẻ em được cứu sống khỏi các căn bệnh truyền nhiễm. Điều này cho thấy, vaccine thật sự có ý nghĩa trong việc phòng bệnh, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của trẻ em và phụ nữ
Trong chương trình truyền thông sức khỏe cộng đồng Vaccine cho cả nhà – Gia đình yên tâm được bảo vệ do GSK Pte Ltd tại Việt Nam cùng Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức vào trung tuần tháng 8 vừa qua, các chuyên gia đã cập nhật thông tin về các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp, đặc biệt là bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, tiêu chảy cấp đối với trẻ em và bệnh ung thư cổ tử cung đối với phụ nữ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: “Trẻ em dưới 5 tuổi dễ bị viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết do phế cầu, một loại vi khuẩn nguy hiểm khu trú vùng tai – mũi – họng. Các biện pháp vệ sinh vùng tai mũi họng, rửa tay, bổ sung chất tăng sức đề kháng chỉ có tác dụng rất hạn chế”. Trong đó, viêm màng não do phế cầu được xem là bệnh lý đáng lo ngại nhất ở trẻ nhỏ với 83% trường hợp thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi và tỷ lệ tử vong trên 50%. Bệnh này rất khó phát hiện, biểu hiện thường thấy là trẻ khóc đêm thường xuyên và bỏ bú kéo dài, trẻ lớn hay bị đau đầu và nôn ói. Trẻ càng nhỏ tuổi thì càng dễ bị viêm màng não. Việc điều trị viêm màng não cũng rất khó khăn, phải dùng ba loại kháng sinh liều cao và thường để lại di chứng càng nặng nề. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, không ít trường hợp viêm màng não do phế cầu đã để lại di chứng sau điều trị như giảm thị lực, rối loạn vận động, tổn thương não vĩnh viễn dẫn đến trẻ kém phát triển hoặc yếu liệt chi.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi nhưng thường gặp nhất là vi khuẩn phế cầu. Gần 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong hằng năm do viêm phổi phế cầu. Tại Việt Nam ước tính hằng năm có khoảng gần 3 triệu lượt trẻ em dưới 5 tuổi mắc bệnh. Chỉ riêng Bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 bé bị bệnh đường hô hấp điều trị nội trú, phần lớn các em bị viêm phổi. Trẻ dưới 2 tuổi dễ có nguy cơ diễn tiến nặng gây nhiễm trùng máu, bệnh vô cùng nguy hiểm gây tử vong khoảng 20% bệnh nhân.
Vi khuẩn phế cầu còn gây viêm tai giữa cấp với tần suất mắc rất cao ở trẻ nhỏ, khoảng 80% trẻ em dưới 3 tuổi mắc bệnh này. Theo bác sĩ Khanh, nhiều phụ huynh không phát hiện, để đến khi thấy con bị chảy mủ tai mới đưa đến bệnh viện, lúc này màng nhĩ đã bị tổn thương. Một số khác phát hiện bệnh, nhưng qua một thời gian thấy không sao, hóa ra bệnh tái phát sau nhiều năm. Lúc này dù được điều trị nhưng thính lực của các em cũng đã bịảnh hưởng, có thể dẫn đến biến chứng viêm xương chũm, viêm màng não, gây giảm thính lực tạm thời hoặc lâu dài, ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ và giao tiếp xã hội.
Ngoài các bệnh do vi khuẩn phế cầu thì virus rota gây tiêu chảy cấp cũng là bệnh phổ biến đối với trẻ em dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, cứ hai trẻ nhập viện do tiêu chảy cấp thì có một trẻ là do nhiễm virus rota. Bệnh có liên quan đến yếu tố kinh tế, điều kiện sống, phong tục, tập quán, nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt, mùa, tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch của trẻ, hay sự thiếu hụt về phổ biến kiến thức phòng bệnh. Trẻ bị tiêu chảy cấp nếu không được điều trị kịp thời có thể tử vong, rối loạn cân bằng các chất trong cơ thể, rối loạn tiêu hóa kéo dài. Từ đó gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, giảm khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng khác.
Nhắc đến các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chúng ta không thể không nhắc đến bệnh ung thư cổ tử cung. Tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở phụ nữ còn cao hơn ung thư vú. Nhiễm virus HPV sinh ung được xác định là nguyên nhân chủ yếu gây loại bệnh này. TS-BS Lưu Văn Minh, Trưởng khoa xạ 2, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, cho biết: “Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhất là phụ nữở 35-40 tuổi trở lên. Trung bình thì mỗi ngày có bảy phụ nữ tử vong do căn bệnh này, những phụ nữ điều trịở giai đoạn nặng thì phải chịu đau đớn thể xác và di chứng nặng nề”…
Giá trị của vaccine trong việc phòng bệnh
Tiêm phòng là cách đơn giản có thể bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ mắc phải các bệnh nguy hiểm, dễ gây tử vong. Đây cũng là giải pháp nhằm hạn chế sựảnh hưởng trực tiếp của bệnh đến sự phát triển lâu dài của trẻ sau khi chữa khỏi bệnh. Trong 30 năm qua, vaccine đã chứng minh được giá trị và ý nghĩa trong việc phòng bệnh, nhất là đối tượng trẻ em. Nhờ tiêm phòng mà hàng triệu trẻ em được bảo vệ tránh khỏi các bệnh dịch nguy hiểm đến tính mạng như bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt. Trên thế giới có hơn 53 quốc gia đã áp dụng vaccine phế cầu trong chương trình tiêm chủng quốc gia, giúp phòng bệnh viêm phế cầu khuẩn cho khoảng 7,5 triệu trường hợp và cứu sống khoảng 290.000 trẻ em dưới 5 tuổi.
Trong thời gian tới, ba loại vaccine mới dự kiến sẽ được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là vaccine phòng viêm phổi do phế cầu, vaccine phòng tiêu chảy do virus rota và vaccine ngừa ung thư cổ tử cung do virus HPV. Theo ông Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện Liên minh Vaccine và Tiêm chủng toàn cầu (GAVI) đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam ba loại vaccine này trong những năm đầu thực hiện chương trình hỗ trợ y tế cho các nước đang phát triển. Đây hẳn là một tin vui cho những gia đình còn khó khăn vì chi phí ba loại vaccine này khá cao, chẳng hạn như vaccine ngừa ung thư cổ tử cung do HPV có giá khoảng 1,6 triệu đồng mỗi mũi tiêm mà mỗi bé gái lại cần tiêm đến ba mũi.
Trong khi chờ đợi nguồn vaccine mới, cả WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF đều khuyến cáo tất cả các bậc cha mẹ nên kiểm tra lại sổ tiêm chủng của con em mình để đảm bảo các mũi tiêm của trẻ được cập nhật một cách đầy đủ và tuân thủ chặt chẽ lịch tiêm chủng quốc gia.
- Đức Hà