Mới gần 30 tuổi, tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy hiện là giảng viên trẻ nhất tại Đại học RMIT Việt Nam. Anh từng nhận được giải thưởng Tác động trong nghiên cứu của Đại học RMIT toàn cầu nhờ tích cực kết nối với doanh nghiệp, sau đó là giải Nghiên cứu tốt nhất (vị trí thứ hai) của Hiệp hội Máy tính Úc (ACS) với vai trò đồng tác giả nghiên cứu tại Hội nghị khu vực châu Đại Dương về Hệ thống thông tin năm 2017. Nghiên cứu của anh về người dùng công nghệ thông tin đã được công bố trên tạp chí quốc tế Information Systems Frontiers – tạp chí khoa học hạng A theo khung đánh giá của Hội đồng Nghiên cứu Úc.
Không ngừng học hỏi
Đa số cử nhân ngành công nghệ thông tin (CNTT) đều đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, ít ai chọn đi dạy như Thiên Duy. Năm 2012, sinh viên tốt nghiệp ngành này có rất nhiều cơ hội về việc làm và thực tế là hơn 2/3 số thực tập sinh của ngành đều được các công ty giữ lại làm việc sau kỳ thực tập. Thế nhưng Thiên Duy lại quyết định học thêm một năm ở Úc rồi lấy học bổng để hoàn thành chương trình tiến sĩ.
Anh cho biết: “Từ năm đầu đại học, tôi đã có mong muốn trở thành giảng viên đại học và tên của mình xuất hiện trên các tạp chí khoa học thế giới. Nhưng sau năm năm nghiên cứu, tôi ngộ ra rằng chính mong muốn được đem kiến thức của mình phụng sự đời sống, phụng sự con người… đồng thời muốn giúp những bạn trẻ còn bỡ ngỡ nhưng nhiều đam mê được tiếp cận với công việc nghiên cứu một cách cởi mở, khách quan mới là lý do quan trọng khiến tôi chọn sống với nghề giáo”.
Với vai trò giảng viên và người nghiên cứu khoa học, Thiên Duy luôn tự nhắc bản thân rằng các chi tiết dù nhỏ khi anh soạn giáo trình một buổi dạy hay cho một môn học kéo dài ba tháng ít nhiều đều có ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ đi sau. Chẳng hạn với cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Thiên Duy đặt trọng tâm cho công việc hằng ngày của mình là truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm về phân tích dữ liệu, học máy (machine learning), hay kỹ năng lập trình cho sinh viên, vì họ là nguồn lực chính của xã hội để thực hiện cuộc cách mạng nói trên.
Ngoài lĩnh vực chuyên môn, Thiên Duy còn giảng dạy về đạo đức trong lĩnh vực CNTT cho sinh viên năm thứ nhất, quản trị và lãnh đạo (governance and leadership) trong CNTT cho sinh viên năm cuối. Việc dạy hai khối lớp và các môn học mang tính chất khác nhau như vậy đòi hỏi nhịp chuyển sao cho tương thích với đối tượng trong ngày. “Ví dụ, khi giảng dạy về lập trình hay phân tích dữ liệu, điều quan trọng là giải thích các khái niệm toán học và trừu tượng sao cho thật dễ hiểu đồng thời theo sát lớp để đảm bảo sinh viên thực hiện kỹ thuật chính xác bằng tư duy logic.
Trong khi đó, những lớp học về đạo đức hay quản trị và lãnh đạo trong CNTT đòi hỏi phải tập trung các chủ đề thảo luận như thu thập và xử lý thông tin cá nhân của người dùng, tự do ngôn luận trên không gian ảo, hay các vấn đề đạo đức trong ứng dụng tương lai của xe tự lái, áp dụng học máy để tiên đoán gen của trẻ sơ sinh… Bên cạnh đó, tôi cũng không quên khuyến khích các bạn sinh viên tham gia tranh luận sôi nổi”, Thiên Duy giải thích. Phần thưởng lớn nhất đối với anh sau những buổi dạy là sự hào hứng có thể cảm nhận được rõ trong lớp học qua ánh mắt và giọng nói của sinh viên.
Kết nối giữa đại học và doanh nghiệp
Không chỉ được sinh viên trẻ yêu mến, Thiên Duy còn được nhà trường cho đảm nhận giảng dạy các môn học khác nhau, tạo điều kiện cho anh phát triển kỹ năng sư phạm. Trong môn phân tích dữ liệu và học máy, sinh viên làm đồ án phân tích hành vi mua hàng của người dùng và tiên đoán sản phẩm bán được hằng tháng dựa trên bộ dữ liệu thật của doanh nghiệp.
Ngoài ra, sinh viên còn viết báo cáo bằng tiếng Anh, đưa ra các khuyến nghị kinh doanh dựa trên kết quả phân tích, nhằm gợi ý doanh nghiệp thu thập các dữ liệu cần thiết từ khách hàng và không bỏ qua việc phân tích các vấn đề đạo đức trong việc thu thập và sử dụng dữ liệu đó. Mục tiêu của nhà giáo trẻ là đào tạo sinh viên trở thành chuyên viên CNTT và kỹ sư phần mềm, sinh viên không chỉ có kỹ năng chuyên môn vững chắc mà còn có khả năng tư duy sâu các vấn đề từ góc nhìn đa dạng của chuyên gia, doanh nghiệp và xã hội.
Mục tiêu cuối cùng mà Thiên Duy đã và đang theo đuổi chính là kết nối doanh nghiệp với học thuật. Khi còn là nghiên cứu sinh tiến sĩ, anh đã thực hiện các dự án nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nhân ở Việt Nam về bảo mật thông tin và quản lý CNTT. Trong giảng dạy, mỗi học kỳ anh đều chủ động mời các chuyên gia đang giữ vị trí lãnh đạo CNTT về giảng các lớp anh phụ trách, để họ chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với sinh viên.
Trong học kỳ gần đây, đồ án của sinh viên trong môn thiết kế trải nghiệm người dùng (UX/UI) và môn phân tích dữ liệu được nhà giáo Thiên Duy cùng chuyên gia và lãnh đạo các tập đoàn CNTT hàng đầu tại Việt Nam phối hợp thiết kế. “Tôi đã nhận được nhiều phản hồi rất tích cực, thể hiện sự thích thú của sinh viên khi được tiếp xúc với các chuyên gia đầu ngành CNTT để nghe và học hỏi họ cách xử lý các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chuyên gia thỉnh giảng cũng bày tỏ sự hài lòng khi họ được “tiếp lửa” cho sinh viên, góp phần kiến tạo tương lai, và đôi khi tìm được tài năng trẻ trong giảng đường”.
Hết mình, hết lòng, hết sức trong vai trò hướng dẫn và sẵn sàng giúp đỡ là phương châm hàng đầu trong công việc, trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và trong đời sống riêng mỗi ngày của tiến sĩ Đặng Phạm Thiên Duy. Từ khi hướng nghiên cứu tập trung vào phân tích mạng lưới lúc bắt đầu chương trình tiến sĩ, anh đã hứng thú với nguyên lý cho rằng mỗi người trong chúng ta đều trực tiếp hay gián tiếp liên kết với nhau trong một thế giới tuy rộng lớn nhưng lại rất nhỏ bé.
Khi đó, mọi giá trị hay kết quả xuất phát từ một điểm trong mạng lưới nhỏ bé này, dù tích cực hay tiêu cực, đều lan tỏa đi rất nhanh và gây tác động dây chuyền đến mức không tưởng. Cũng giống như các thầy của anh ngày trước, dù cố ý hay vô tình, đã truyền cảm hứng và thúc đẩy anh đến với con đường học thuật để rồi giờ đây, anh lại tiếp tục hướng dẫn cho các thế hệ tương lai. Những người làm nghiên cứu khoa học đều “đứng trên vai của những người khổng lồ” để không ngừng tiếp nối hành trình mở ra cho nhân loại những kiến thức còn đang ẩn giấu phía trước.
Khi những thay đổi không ngừng diễn ra trong từng đơn vị sống và càng ngày càng nhiều hơn những phức tạp bất định, chúng ta cần dành thời gian để thường xuyên định vị lại mình trong mạng lưới, hiểu được giá trị của mình, luôn tìm cơ hội mới để đóng góp, và không ngừng củng cố, mở rộng các mối liên kết của chúng ta nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc đời.