Cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ đang diễn ra sôi nổi, trong đó Hiệp định Tự do Mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã ký kết với 11 đối tác là một nội dung bị mổ xẻ không mấy thuận lợi. Thế nhưng với quyết tâm thúc đẩy hiệp định này được Quốc hội Mỹ thông qua, hôm đầu tháng 8 ông Barack Obama đã nhấn mạnh rằng “Tôi đang là tổng thống Mỹ và tôi ủng hộ TPP bởi đây sẽ là một vũ khí có tác dụng giảm bớt ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc tại châu Á”.
Theo các nhà quan sát, sở dĩ Tổng thống Obama lại phải lên tuyến đầu bảo vệ cho Hiệp định TPP, đó là vì văn kiện này đang trong tình trạng tứ bề thọ địch, với những đối thủ ngay trong đảng Dân chủ của ông.
Điển hình cho tình trạng này là bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, người mà ông tin tưởng và ủng hộ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donalt Trump.
Là người đã thúc đẩy đàm phán TPP khi còn là ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton đã quay sang chỉ trích văn kiện này khi lao vào tranh cử, để khỏi làm phật ý các cử tri Dân chủ.
Khi lên tiếng biện hộ cho Hiệp định TPP, Tổng thống Obama thể hiện mong muốn là thấy văn kiện này được phê chuẩn ngay trong nhiệm kỳ của ông. Thế nhưng, theo hầu hết các nhà phân tích, trong bối cảnh tiền bầu cử tổng thống tại Mỹ, với dư luận chống đối – vì lý do tranh cử – ý muốn của ông Obama khó có thể thành hiện thực.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan, một người thuộc đảng Cộng hòa, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài phát thanh Wisconsin Public Radio ngày 4-8 rằng sẽ chẳng có lợi ích gì nếu tổ chức một cuộc bỏ phiếu về TPP tại Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống nước này vào tháng 11 năm nay.
Tháng trước, thủ lĩnh phe đa số ở Thượng viện Mac Connell nói rằng cơ hội để TPP được thông qua trong năm nay là “rất mong manh”.
Hiện nay, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đang bận rộn với công việc bầu cử tổng thống mà một trong các nội dung được quan tâm là tự do thương mại tiêu chuẩn cao TPP đang trở thành đối tượng công kích của ứng cử viên cả hai đảng.
Tỉ phú Donald Trump đã tuyên bố thẳng thắn rằng khẩu hiệu tranh cử là “xóa bỏ mọi hiệp định tự do thương mại”. Còn bà Hillary, để lấy lòng cử tri hiện cũng đã thay đổi giọng điệu, cho rằng TPP phiên bản hiện tại ở trình độ quá thấp.
Mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson của Mỹ đưa ra dự đoán thời gian Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua TPP là năm 2017.
Theo văn bản ký kết cuối cùng của TPP, nếu trong hai năm sau khi ký kết, toàn bộ 12 nước thành viên hoàn tất trình tự trong nước, Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày. Còn nếu trong vòng hai năm chưa hoàn tất trình tự trong nước của tất cả quốc gia thành viên, Hiệp định TPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày khi trên sáu nước chiếm 85% tổng lượng kinh tế của 12 nước thành viên hoàn tất trình tự trong nước.
Vấn đề là hiện nay, GDP của Mỹ chiếm hơn 50% GDP của 12 nước thành viên TPP. Điều này đồng nghĩa với việc một khi Mỹ chưa hoàn tất trình tự trong nước thì TPP sẽ không thể có hiệu lực.
Thế nhưng Tổng thống Mỹ Barack Obama tỏ ra không chịu nhường bước khi một lần nữa khẳng định sựủng hộ TPP. Theo Bloomberg, ông Obama tin tưởng rằng mình có “lập luận tốt hơn” về TPP so với những người phản đối thỏa thuận.
Phát biểu ngày 2-8, ông Obama thừa nhận toàn cầu hóa đã dẫn tới nỗi lo ngại gia tăng của nhiều người Mỹ, nhưng ông nói rằng việc từ bỏ các thỏa thuận thương mại không thể là giải pháp.
“Câu trả lời không thể là quay lưng lại với thương mại và nền kinh tế toàn cầu”, ông Obama nói tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng sau cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. “Chúng ta cần phải ở đây và không thể tự cô lập mình. Cố gắng rút cây cầu thương mại sẽ chỉ khiến chúng ta và những người công nhân của chúng ta bị tổn thương”.
Trong một bước đi nhằm gây sức ép với Quốc hội do phe Cộng hòa toàn quyền kiểm soát, Tổng thống Obama nói rằng việc Trung Quốc đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) làm nổi bật sự cấp bách của việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.
RCEP gồm 10 nước thành viên ASEAN và sáu nước đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Tiến trình đàm phán RCEP được khởi động từ năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn tất do những bất đồng liên quan đến vấn đề về quy mô và phương thức đàm phán.
Nếu được thành lập, RCEP sẽ tạo ra một sân chơi mới, chiếm 45% dân số thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm khoảng 1/3 tổng GDP toàn cầu, giúp thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng thương mại và đầu tư trong khu vực.
Hồi tháng 3 vừa qua, phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á 2016, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi các nước liên quan hoàn tất đàm phán về RCEP ngay trong năm nay.
Đối với Tổng thống Mỹ, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương chứa đựng những quyền tích cực về mặt xã hội không thấy có trong bất kỳ một thỏa thuận tự do mậu dịch nào mà Trung Quốc chủ trương.
Trả lời báo chí, ông không ngần ngại ghi nhận rằng Trung Quốc không có trong Hiệp định TPP nhưng đồng thời cũng cảnh báo “Nếu chúng ta không thiết lập những quy tắc vững chắc, những chuẩn mực có tác dụng định hình nền thương mại và những giao dịch trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì Trung Quốc sẽ làm”.
Ông Obama so sánh: “Trung Quốc đã bắt đầu giới thiệu với tất cả các nước trong khu vực phiên bản riêng của họ về các thỏa thuận thương mại, và họ không bận tâm đến các quy tắc xã hội, chuẩn mực môi trường và các biện pháp chống lại nạn buôn người và chống tham nhũng”. Đối với Tổng thống Obama thì “nếu Mỹ không tạo ra những quy tắc chất lượng cao, tất nhiên là các quy tắc mà Trung Quốc sẽ chi phối khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới”.
Trong một bài xã luận được đăng tải trên trang mạng của tờWashington Post hồi tháng 5, Tổng thống Obama cho rằng việc Trung Quốc đang đàm phán RCEP sẽ khiến Mỹ bất lợi khi bị cô lập với một số thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới và đặt việc làm, hoạt động kinh doanh và hàng hóa của Mỹ vào thế nguy hiểm.
Ông khẳng định TPP sẽ cho phép Mỹ “nắm quyền chi phối” về thương mại với châu Á và đó là lý do Chính phủ Mỹ chủ trương phối hợp chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Quốc hội để TPP nhận được sự phê chuẩn của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Trên thực tế, Tổng thống Obama đã đẩy nhanh các nỗ lực nhằm hoàn tất TPP trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20-1-2017. Tuy nhiên, Nhà Trắng cần phải vượt qua được quan điểm phản đối của nhóm nghị sĩ cánh tả trong đảng Dân chủ và các nghị sĩ cánh hữu bên đảng Cộng hòa.
Tâm lý lo lắng của cử tri Mỹ về sựảnh hưởng của TPP đối với việc làm và môi trường cũng là một chủ đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016.
Trong bài xã luận trên, Tổng thống Obama nói rằng ông thấu hiểu sự hoài nghi của cử tri, nhưng “việc xây các bức tường tự cô lập chúng ta với nền kinh tế thế giới sẽ gây phản tác dụng đối với chính nền kinh tế Mỹ”.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), TPP có thể làm gia tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GPD) của các nước thành viên trong thời gian đến năm 2030. Đây sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất của Mỹ kể từ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) 1994.
TPP vượt khỏi khuôn khổ của các thỏa thuận thương mại thông thường vốn chỉ tập trung chủ yếu vào giảm thuế quan. Thỏa thuận này nhấn mạnh các biện pháp bảo vệ ngặt nghèo hơn đối với bằng sáng chế và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty cạnh tranh với các doanh nghiệp có sự hậu thuẫn của chính phủ.
Hôm đầu tháng 8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long kêu gọi Mỹ sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương bất chấp những bất đồng chính trị về vấn đề này.
Phát biểu trước 200 quan khách tại Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ – ASEAN ở Washington D.C, Thủ tướng Singapore chia sẻ những quan ngại của một bộ phận người dân Mỹ về việc làm cũng như khả năng cạnh tranh của nền kinh tế sau khi hiệp định tự do thương mại bao gồm 12 nước này có hiệu lực.
Tuy nhiên, ông Lý Hiển Long cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ cần chống lại chủ nghĩa bảo hộ và bảo vệ nền kinh tế bằng cách hối thúc Quốc hội phê chuẩn TPP. Bởi lẽ, chính hiệp định này sẽ mở ra cơ hội cho nền kinh tế Mỹ tiếp cận với thị trường chiếm gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.
TPP sẽ xóa bỏ các loại thuế quan và rào cản hàng hóa xuất nhập khẩu, dịch vụ giữa các nước thành viên, tạo nên một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long thì “Châu Á – Thái Bình Dương đại diện cho một khu vực tăng trưởng quan trọng đối với các doanh nghiệp, trong đó có các công ty của Mỹ. TPP sẽ còn lớn mạnh hơn, có tác động lớn hơn bất cứ hiệp định tự do thương mại mang tính khu vực nào. Nước Mỹ cần phê chuẩn TPP nếu không muốn đánh mất cơ hội này”. Bên cạnh đó, TPP đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố vị thế của Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là một kênh hữu hiệu cho chính sách tái cân bằng tại châu Á của Mỹ bên cạnh những kênh hợp tác về chính trị và quân sự.
“Đối với các bạn (Mỹ), việc phê chuẩn TPP chính là phép thử chứng minh sự tín nhiệm và chân thành của mình”, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh.
- Tổng hợp