Trao đổi với Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần về Chương “Xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng trong doanh nghiệp” trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Anh Tuấn, một giám đốc doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cho rằng:
Thứ nhất: Vi phạm quyền riêng tư cá nhân, quyền sở hữu tài sản hợp pháp
Thực tế, hiện tượng tham nhũng trong doanh nghiệp không phải là ít, nên phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tư cũng là việc cần thiết phải làm. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi, yêu cầu rất nhiều vị trí lãnh đạo và quản lý trong doanh nghiệp phải kê khai tài sản và thu nhập một cách chi tiết (theo Điều 112 và 44) là việc làm vi phạm quyền riêng tư, quyền sở hữu của họ. Hiện nay các công ty đại chúng đã công khai thu nhập của lãnh đạo tại doanh nghiệp của mình.
Do vậy việc buộc kê khai chi tiết các tài sản riêng của họ là điều hết sức phi lý. Quyền sở hữu của công dân phải được tôn trọng. Không ai muốn người khác biết rõ mình sở hữu những gì, thậm chí ngay cả với những người thân thiết nhất. Tôi tin nếu được hỏi ý kiến, hầu hết mọi người đều không đồng tình việc buộc phải kê khai tài sản.
Thứ hai: Trao thêm quyền lực vô hạn cho các cơ quan thanh tra, công an, phòng chống tham nhũng vốn đã có quá nhiều quyền lực
Việc phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực công thôi đã gần như không tiến triển gì trong nhiều thập niên qua nếu không muốn nói là gần như thất bại.
Tham nhũng đã lên đến đỉnh điểm, tới những vị trí quyền lực cao trong bộ máy, đặc biệt ngay trong cơ quan thanh tra và các đơn vị thực thi việc phòng chống tham nhũng.
Nay, nếu những điều khoản mới trong luật này được áp dụng sẽ trao cho cơ quan thanh tra, công an… thêm những quyền hạn vô cùng lớn để họ tiếp tục nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp, doanh nhân.
Hiện nay có doanh nghiệp mỗi năm đã tiếp đón hàng chục đoàn thanh tra; nay từng cá nhân lại phải đón tiếp nhiều thanh tra mỗi năm để giải trình cho những “Bản kê khai tài sản” của mình là điều kiện phát sinh thêm tệ nạn. Việc thẩm định “đúng” hay “sai” trong bản kê khai là câu chuyện sẽ không bao giờ có hồi kết.
Thứ ba: Ép doanh nhân, người quản lý tìm đường ra nước ngoài làm ăn, gây mất nguồn lực quý của đất nước
Chắc chắc số lượng rất lớn những đối tượng được chính phủ muốn “kiểm soát tài sản” dù là những người làm ăn chân chính nhất vẫn sẽ không ngồi yên; họ sẽ tìm cách đối phó, kê khai giả, chuyển doanh nghiệp ra nước ngoài, tìm cách che giấu, tẩu tán tài sản. Thậm chí họ sẽ tìm cách ra nước ngoài sinh sống và làm ăn. Điều này rõ ràng sẽ trực tiếp ảnh hưởng ngay tới sự phát triển của nền kinh tế.
Thứ tư: Gây lãng phí cho nhà nước và nhân dân mà hiệu quả chẳng được là bao
Những tài sản cần được kê khai (theo Điều 44) chi tiết tới 50 triệu đồng; và phải cập nhật khi thay đổi sẽ là việc không thể thực hiện; đặc biệt đối với những người sở hữu nhiều loại tài sản lớn và có giá trị thay đổi thường xuyên như bất động sản, chứng khoán, cổ vật và hàng trăm loại tài sản khác.
Việc thi hành luật này sẽ gần như bất khả thi; phải huy động thêm một lượng nhân sự khổng lồ cho bộ máy nhà nước để đảm nhiệm việc “kiểm soát tài sản” của người quản lý doanh nghiệp. Nhà nước lại phải gồng mình trả thêm một khoản chi phí khổng lồ cho việc này trong tình trạng ngân sách vẫn thâm hụt mỗi năm một nhiều hơn như hiện nay.
Ngọc Hà (DNSGCT)