Nhiều nhà sản xuất đang tung ra những sản phẩm cao cấp, có giá cao hơn và sử dụng nhiều chiêu tiếp thị mới hơn nhằm tăng thị phần. Vì vậy đã có nhiều ý kiến trái chiều từ giới kinh doanh, giới phân tích thị trường về hiện tượng này. Nếu một số người ủng hộ thì cũng có không ít cái lắc đầu vì cho rằng đó là cách làm quá mạo hiểm nếu xét về hiệu quả kinh doanh.
“Chiếc bánh” ngày càng to
Năm nay, thị trường điện thoại di động (ĐTDĐ) Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng thêm khoảng 20 – 25% doanh thu so với năm ngoái. Theo giới phân tích thị trường, mức tăng này sẽ giúp ngành hàng ĐTDĐ đạt doanh số chừng 3,5 tỉ USD.
Trên thực tế, trong năm tháng đầu năm, hơn 5,8 triệu chiếc điện thoại thông minh (smartphone) đã được bán ra. Tính trung bình, gần 1,2 triệu chiếc smartphone được tiêu thụ mỗi tháng và đó là một kỷ lục. Một chuyên gia phân tích thị trường cho biết rằng để đạt doanh số 3,5 tỉ USD, giá trung bình của một chiếc ĐTDĐ đã tăng hơn so với năm 2015 chừng 200.000 đồng, lên mức 4 triệu đồng/máy. Theo ông Đặng Quốc Cường – Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của Oppo Việt Nam thì mức tăng trưởng ước đạt 30% của nhóm hàng smartphone so với năm ngoái đang tích cực đóng góp vào doanh số của ngành hàng ĐTDĐ.
Theo GfK Việt Nam, nếu xét cán cân giữa số lượng smartphone và điện thoại phổ thông thì tính đến tháng 5, tỷ lệ là 55/45. Thế nhưng xét về doanh thu, nhóm hàng smartphone đang chiếm khoảng 90%, còn điện thoại phổ thông chỉ được khoảng 10%. Như vậy, có khả năng năm nay doanh số của nhóm smartphone sẽ chiếm khoảng 3,2 tỉ USD.
Phân khúc điện thoại giá vừa tầm đã giảm?
Trong một số liệu được công bố gần đây, tính đến hết tháng 5, phân khúc ĐTDĐ có giá từ 3 đến 4 triệu đồng đã giảm đi 3% so với mức 42% của năm ngoái, chỉ còn chiếm 39% thị trường.
Điểm lại thị trường smartphone từ năm 2014 đến nay, có thể thấy ở phân khúc này luôn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất Samsung, Oppo, Microsoft/ Nokia, Asus, Mobiistar…, gần đây còn thêm sự góp mặt của vài tên tuổi mới như Vivo, Coolpad, Wiko… Sự cạnh tranh quyết liệt nhất xảy ra giữa Galaxy J3 và J5 (của Samsung), Prime X và Prime X Grand (Mobiistar), A7000 (của Lenovo), 626 và 820G (HTC), ZenFone 2 Laser (Asus)… Đặc biệt, hai dòng Neo5 và Neo7 của Oppo đang chiếm thế thượng phong: đã có trên 600.000 chiếc Neo5 và 471.000 chiếc Neo7 được tiêu thụ tại Việt Nam. Riêng trong tháng 6, hơn 80.000 chiếc Neo7 đã đến tay khách hàng.
Dù lượng máy tiêu thụ mạnh nhưng nhiều nhà sản xuất và cả nhà bán lẻ cho rằng lợi nhuận ròng lại quá ít, “không tạo được hào hứng để kinh doanh” như chia sẻ của ông Lý Anh Chương – chủ kênh bán lẻ Anh Chương đang hoạt động tại tỉnh Gia Lai. Một nhà bán lẻ tại tỉnh Khánh Hòa phân tích chi tiết hơn, cho biết tỷ lệ chiết khấu của các nhà sản xuất dành cho nhà bán lẻ dao động từ 12 đến 17% nhưng do nhiều nhà sản xuất không có chính sách giữ vững giá giữa các nhà bán lẻ nên xảy ra tình trạng “mạnh ai người ấy đạp giá” để bán cho hết hàng, vì vậy mức lãi cuối cùng chỉ còn 2%. Với mức lãi như vậy mà giá bán lại không cao, lợi nhuận “hẻo” nên chẳng mấy nhà bán lẻ ham bán dòng máy này. Nhà bán lẻ trên còn cho biết thêm là chỉ có Oppo và vài hãng sản xuất khác có chính sách bảo vệ giá nên không có hiện tượng “đạp giá”, vì vậy sản phẩm của họ luôn giữ được mức tiêu thụ khá nhất.
Chuyển phận!
Không hài lòng với thân phận “giá rẻ” như cách gọi của khách hàng, trong năm nay, nhiều nhà sản xuất đã “nâng cấp” giá trị thương hiệu của mình bằng những sản phẩm tầm trung và cao cấp cùng chiến lược tiếp thị, kinh doanh mới.
Ngoài phân khúc giá thấp với các sản phẩm dòng Neo, ngay đầu năm nay, Oppo đã giới thiệu hai mẫu tầm trung và cao cấp là F1 và F1 Plus. Theo thông tin từ các nhà bán lẻ, F1 có sức bán tốt, tạo niềm tin để Oppo đặt nhiều hy vọng vào phân khúc smartphone có giá từ 6 đến 8 triệu đồng. “Sau F1 và F1 Plus, từ ngày 3-8, F1s sẽ tiếp tục xuất hiện trên thị trường. Chưa thể tiết lộ giá vào lúc này nhưng căn cứ vào cấu hình, khách hàng sẽ hiểu được Oppo muốn gì” – ông Đặng Quốc Cường cho hay. Tham vọng của Oppo muốn tạo thế đứng vững tại phân khúc này có vẻ như đang trở thành hiện thực vì có hệ thống bán lẻ hỗ trợ.
Ngày 14-7 vừa qua, tại sự kiện Zenvolution, Asus không giấu tham vọng trở thành người tiên phong cung cấp các dòng smartphone cao cấp khi tung ra bốn dòng smartphone với phân khúc giá từ tầm trung trở lên, gồm ZenFone 3 Deluxe, ZenFone 3 Ultra, ZenFone 3 và ZenFone 3 Laser. Chiếc ZenFone 3 Deluxe được ông Jerry Shen – Giám đốc điều hành Asus gọi là “super smartphone”. Hiện sản phẩm cao cấp này của Asus có hai phiên bản được bán với giá 15,99 và 18,49 triệu đồng. ZenFone 3 Ultra có giá 13,99 triệu đồng, ZenFone 3 cũng có hai phiên bản với giá bán 7,99 và 8,99 triệu đồng tùy theo kích thước màn hình. Nhiều nhà bán lẻ cho rằng Asus có thể bán được dòng sản phẩm dưới 10 triệu đồng, nhưng ở phân khúc giá cao thì khó so được với hàng của Samsung và Apple.
Trước đó, ngày 6-7, Huawei Việt Nam đã công bố dòng sản phẩm cao cấp P9, mà theo lời của Giám đốc Shawn Shu thì đó là sản phẩm hút khách của hãng tại thị trường châu Âu trong thời gian qua. Thực hiện theo chiến lược tiếp thị toàn cầu, Huawei Việt Nam cũng nhấn mạnh vào ưu điểm của P9 là ống kính kép của Leica, nhưng với mức giá 10,99 triệu đồng, có lẽ không nhiều khách hàng hồ hởi mua sản phẩm của thương hiệu này. Nhiều chuyên gia thị trường cho rằng với P9, Huawei chỉ nên làm thương hiệu hơn là đặt nặng về doanh thu vì sản phẩm này không dễ bán ở Việt Nam.
“Mức tăng của ngành hàng ĐTDĐ trong năm nay có sự góp sức của nhiều nhà sản xuất, nhiều kênh bán lẻ với chế độ bán hàng trả góp. Mức trả góp với lãi suất 0% được nhiều nhà sản xuất và nhà bán lẻ cam kết đã khiến nhiều khách hàng mua những sản phẩm có giá trị cao hơn năng lực tài chính thực tế của họ”. Đó là nhận xét của ông Đặng Quốc Cường.
Hạ Minh (DNSGCT)