Theo kỹ sư người Đức Bjorn Pieprzyk, người đồng sáng lập công ty tư vấn Energy Research Architecture, đồng thời là cố vấn cho Liên minh Năng lượng tái tạo Đức (BEE: Bundesverband Erneuerbare Energie), năng lượng tái tạo sẽ giúp các nền kinh tế ít lệ thuộc vào nhập khẩu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động. Đó là lý do mà các chính phủ trên thế giới cần có những sáng kiến nhằm tạo nên động lực thúc đẩy sự phát triển năng lượng sạch trong lúc cơn khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra gay gắt và sự biến đổi khí hậu đang đặt ra những thách thức to lớn về nhiều mặt.
Đức hiện là một trong những quốc gia hàng đầu đặt trọng tâm vào việc phát triển năng lượng tái tạo. Nguồn năng lượng này đang chiếm 12% trong hệ thống năng lượng toàn nước Đức. Nếu tính riêng từng lĩnh vực thì năng lượng tái tạo chiếm 20% khu vực điện năng, 9% khu vực sưởi ấm và 6% khu vực chất đốt. Với đà phát triển đã được hoạch định, dự kiến đến năm 2050, nguồn năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 100% nhu cầu năng lượng của nước này. Trong các nền kinh tế đang lên thìBrazilđáng được nhắc đến do kinh nghiệm sử dụng thủy năng và sinh khối trong việc sản xuất nhiên liệu sinh học (trong đó có ethanol). Hiện nước này đang chuyển sang năng lượng gió và năng lượng mặt trời với giá thành thấp hơn rất nhiều so với cách nay 10 năm. Trong những năm qua, yếu tố giá thành là một trong tác nhân kìm hãm đà phát triển của năng lượng tái tạo. Chẳng hạn như ở các nước châu Mỹ Latin, do nhiều nguyên nhân khác nhau, giá tiêu thụ năng lượng tái tạo cao gấp đôi so với cùng sản phẩm này tại châu Âu. Tại Mỹ, các cơ sở sản xuất năng lượng tái tạo được miễn thuế bất động sản tại địa phương cấp thành phố, thị trấn. Ở cấp bang, Chương trình Khuyến khích Năng lượng tái tạo đề ra các biện pháp giảm giá cho những hộ gia đình và cơ sở thương mại sử dụng năng lượng tái tạo. Các chủ hộ cũng được hưởng các khoản tín dụng ưu đãi để lắp đặt các thiết bị cung cấp năng lượng như pin mặt trời, turbine gió.
Tại châu Á, từ năm 2009, Trung Quốc là nước đã vượt qua Mỹ trong việc lắp đặt các turbine gió để sản xuất phong điện. Dự kiến đến năm 2020, nước này sẽ sở hữu một cơ cấu hạ tầng về năng lượng mặt trời lớn hơn phần còn lại của cả thế giới.
Lê Nguyễn tổng hợp