Không khí ô nhiễm với nhiều bụi, khói, các chất độc hại, vi khuẩn… như TP. Hồ Chí Minh hiện nay là nguyên nhân chính gây bệnh viêm xoang mũi. Theo Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Khôi, Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Trưởng phòng khám Tai – Mũi – Họng Kỹ thuật cao Anh Đức thì trong những năm gần đây, tần suất mắc bệnh viêm xoang mũi tại Mỹ và Anh là 15% và tại Singapore – một trong những quốc gia sạch nhất thế giới – là 10%.
Tại Việt Nam hiện chưa có nghiên cứu dịch tễ toàn diện nhưng tần suất mắc bệnh chắc chắn cao hơn nhiều lần so với các nước này và đang có xu hướng gia tăng do môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê được tại Bệnh viện Tai – Mũi – Họng và Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh mới đây, trong tổng số bệnh nhân khám và điều trị về tai – mũi – họng thì có hơn 50% người bị viêm xoang mũi mãn. Giáo sư Hữu Khôi cho biết:
“Mũi bao gồm hốc mũi và các xoang. Xoang mũi là các hốc rỗng, bên trong có một lớp niêm mạc (hay còn gọi là lớp màng nhầy), nằm trong lòng khối xương sọ mặt, gồm xoang hàm, xoang trán, hệ thống xoang sàn và xoang bướm sau đáy sọ. Tất cả các xoang đều thông với mũi và cùng hỗ trợ hô hấp. Mỗi ngày, mũi và xoang tiếp nhận và thanh lọc khoảng 9.000 lít không khí để tạo nguồn không khí sạch, ấm, phù hợp với nhu cầu hô hấp của cơ thể. Ngoài ra, xoang được cấu tạo là các hốc rỗng giúp đầu nhẹ nhàng và dễ xoay chuyển hơn. Khi mặt bị va đập mạnh, các xoang sẽ vỡ ra để giảm bớt áp lực cho đầu mặt.
Viêm xoang mũi là tình trạng viêm lớp niêm mạc ở hốc mũi và hốc xoang. Có nhiều thể viêm tùy theo nguyên nhân, diễn tiến và những biến đổi ở lớp niêm mạc này. Trong đó, có hai dạng chính là viêm xoang mũi cấp tính và viêm xoang mũi mãn tính”.
Xin bác sĩ giải thích rõ hơn về hai dạng này?
Trong điều kiện khí hậu thay đổi, nhiễm lạnh, niêm mạc xoang mũi sẽ bị viêm do virus tấn công, bệnh nhân thường có các triệu chứng như: chảy mũi nước trong, hắt hơi nhiều lần, nghẹt mũi, ngứa mũi, ngứa mắt, gai sốt, sốt nhẹ… kéo dài từ ba đến năm ngày, chúng ta thường gọi là cảm cúm, nhiễm siêu vi hô hấp, viêm xoang mũi dị ứng. Trường hợp này không cần điều trị kháng sinh, chỉ cần nghỉ ngơi, súc rửa mũi bằng nước muối. Khi những triệu chứng trên tồn tại dai dẳng hơn một tuần và có xu hướng nặng thêm như: sổ mũi đặc, nước mũi vàng xanh, nghẹt mũi, sốt, nhức đầu… chứng tỏ triệu chứng viêm đã lan rộng vào các xoang, có các yếu tố nhiễm khuẩn, đó là tình trạng viêm xoang mũi cấp tính. Trường hợp này nếu được điều trị tích cực và đúng cách sẽ khỏi hẳn trong khoảng thời gian từ bốn đến tám tuần. Nếu các triệu chứng viêm kéo dài trên tám tuần và tái phát từ ba đến năm lần trong năm chứng tỏ đã có sự biến đổi trong niêm mạc, có mủ hoặc polyp, đây là tình trạng viêm xoang mũi mãn.
Liệu bệnh nhân có thể gặp những biến chứng nguy hiểm nếu tình trạng viêm xoang mũi kéo dài không?
Trước đây, khi y học chưa phát triển, viêm xoang mũi kéo dài có thể gặp biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não…, nhưng cũng rất hiếm. Ngày nay, các biến chứng thường gặp của viêm xoang mũi là: ù tai, nghe kém, nhức mắt, mờ mắt, sưng mắt, lồi mắt, áp xe mí mắt, viêm thanh quản, khàn tiếng, suyễn, viêm phế quản… Do đó, bệnh nhân nên được điều trị sớm và đúng phương pháp. Tôi có những lưu ý dành cho bệnh nhân như sau:
Thứ nhất, nhiều bệnh nhân thường chữa bệnh theo cách truyền miệng, nghĩa là xin toa thuốc đã chữa lành cho người này để điều trị cho một người khác. Kết quả là mất tiền mà bệnh không thuyên giảm, thậm chí có thể trầm trọng hơn vì viêm xoang mũi có nhiều thể bệnh khác nhau, cơ địa của mỗi người cũng khác nên bác sĩ phải kiểm tra rất kỹ mới có phương pháp chữa trị phù hợp.
Thứ hai, bệnh nhân không nên tự ý điều trị bằng thuốc kháng sinh, đặc biệt ở giai đoạn mới bị các triệu chứng cảm cúm, cảm lạnh, nhiễm siêu vi hô hấp… có thể gây hiện tượng kháng thuốc, khó điều trị về sau.
Thứ ba, phẫu thuật nội soi chữa viêm xoang mũi là một tiến bộ của y học hiện đại nhưng không thể thực hiện một cách tùy tiện trong chữa trị bệnh. Chỉ những trường hợp viêm xoang mũi mãn tính, đã có hiện tượng nhiễm khuẩn trầm trọng, được điều trị nội khoa đủ thời gian mà vẫn không khỏi bệnh mới thực hiện phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. Trước khi phẫu thuật cũng cần có những đánh giá một cách chính xác, đầy đủ về tình trạng sức khỏe bệnh nhân.
Trên các phương tiện truyền thông vẫn phổ biến các quảng cáo về tác dụng của các bài thuốc như hoa cứt lợn, cây viễn chi, cây giao… trong chữa trị viêm xoang mũi. Hiện đã có nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả của các bài thuốc này chưa thưa bác sĩ?
Đối với các bài thuốc Đông y nêu trên, hiện chúng tôi vẫn chưa có điều kiện để sử dụng thử hoặc tham gia nghiên cứu xem tác dụng của chúng đến đâu. Cần có một nghiên cứu chuyên sâu giữa ngành dược và y học cổ truyền mới có đánh giá chính xác về hiệu quả điều trị của các bài thuốc này.
Thực tế không thể phủ nhận một số bài thuốc từ thảo dược có thể điều trị viêm xoang mũi dị ứng, viêm xoang mũi siêu vi… Tuy nhiên, như tôi đã nói, các thể viêm xoang mũi rất đa dạng và hiện chưa có một bài thuốc nào có thể điều trị chung cho tất cả các thể này. Ngoài ra, nếu muốn sử dụng các loại thuốc từ cây cỏ thì thuốc phải được bào chế đảm bảo vệ sinh, đúng liều lượng theo toa của phòng khám y học cổ truyền uy tín, tránh tin vào những quảng cáo quá sự thật mà chúng ta vẫn gặp hằng ngày.
Được biết có những trường hợp bệnh vẫn tái phát nhiều lần dù được điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa tai – mũi – họng, nguyên nhân do đâu?
Bệnh viêm xoang mũi tái phát nhiều lần theo tôi là do ba nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, thời gian điều trị chưa đủ. Có rất nhiều trường hợp chỉ điều trị triệu chứng chứ chưa điều trị được nguyên nhân của bệnh. Chỉ một thời gian ngắn sau, các triệu chứng viêm xoang mũi trở lại do yếu tố gây bệnh vẫn chưa bị tiêu diệt triệt để. Chẳng hạn với viêm xoang mũi mãn tính thì cần thời gian điều trị tối thiểu là một tháng, thông thường phải điều trị từ hai đến ba tháng hoặc lâu hơn.
Thứ hai, bệnh nhân được phẫu thuật chưa đúng chỉ định và phương pháp. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân không được chăm sóc tốt, không có các biện pháp phòng ngừa tái phát và cũng không đi khám định kỳ, nhất là bệnh nhân ở tỉnh xa.
Thứ ba là do nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được giải quyết, đó chính là nguồn không khí, nguồn nước ô nhiễm mà chúng ta vẫn phải tiếp xúc hằng ngày.
Để điều trị tốt, phải chăng bệnh nhân nên đến khám điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa ngay từ những biểu hiện khởi phát?
Không cần phải như vậy, tùy theo mức độ viêm nhiễm mà bệnh nhân sẽ có cách điều trị phù hợp. Trong giai đoạn sơ nhiễm với những biểu hiện như cảm cúm, cảm lạnh, nhiễm siêu vi, bệnh nhân chỉ cần điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, uống thuốc chống dị ứng, xông hơi bằng nước lá, nhỏ nước muối rửa mũi… Nếu tình trạng viêm xoang mũi cấp (kéo dài trên một tuần), bệnh nhân nên đến kiểm tra tại các bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng nhằm có biện pháp chống phù nề, chống viêm, phục hồi chức năng xoang mũi kịp thời. Với những trường hợp viêm xoang mũi mãn tính (kéo dài trên tám tuần) thì mới cần đến các bệnh viện chuyên khoa tai – mũi – họng để được kiểm tra kỹ và có biện pháp điều trị thích hợp.
Trong điều kiện môi trường ngày càng ô nhiễm như TP. Hồ Chí Minh, liệu chúng ta có thể phòng ngừa viêm xoang mũi hay không?
Do không thể làm sạch môi trường thành phố nên chúng ta cần chủ động làm sạch môi trường nhà ở và văn phòng làm việc, sử dụng khẩu trang để ngăn chặn bớt bụi bẩn, khói thuốc lá khi ra đường, hạn chế tiếp xúc với người đang bị viêm hô hấp, tăng cường sức đề kháng của bản thân bằng cách tập thể dục thể thao, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng cường vitamin nhóm C, xịt rửa mũi hằng ngày.
Điều trị kịp thời, đúng cách viêm xoang mũi cấp tính để hạn chế chuyển sang mãn tính, đặc biệt không sử dụng kháng sinh một cách tùy tiện.
Xin cảm ơn bác sĩ.