Đây là doanh nghiệp sản xuất cá đóng hộp lớn nhất Thái Lan, đồng thời có cổ phần tại nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác nên là đồng sở hữu của các thương hiệu cá hộp nổi tiếng như John West – cá ngừ hộp của Anh, Petit Navire et Parmentier – cá ngừ và cá mòi hàng đầu của Pháp hoặc Chicken of the Sea – cá ngừ hộp lớn nhất châu Mỹ. Dù chiếm đến 20% tổng sản lượng cá ngừ đóng hộp thế giới với doanh số bán ra của họ lên đến 3 tỉ USD/năm, nhưng do không có bất kỳ dấu hiệu gì chứng tỏ Liên hợp Đông lạnh Thái Lan là chủ sở hữu các nhãn hiệu trên, đa số người tiêu dùng trên thế giới chưa biết đến doanh nghiệp này. Thế nhưng đó chính là một điển hình về sự âm thầm tăng thị phần trên toàn cầu của các doanh nghiệp Thái.
Một cửa hàng 7-Eleven
Trong tháng 7, Công ty Dầu khí PTT (doanh nghiệp nhà nước của Thái Lan) đã bất ngờ tạo được tiếng vang khi qua mặt Công ty Shell của Hà Lan để mua lại quyền khai thác mỏ khí lớn ngoài khơi Mozambique với giá 1,9 tỉ USD từ Công ty Cove Energy của Anh. Trong tháng rồi, ThaiBev – một tổ hợp ẩm thực của Thái Lan đã đối đầu với Heineken trong việc tranh mua một phần của Asia Pacific Breweries (nhà sản xuất bia Tiger). Cuối cùng thì Heineken cũng giành được phần thắng nhưng đã phải trả một giá khá đắt để ThaiBev rút lui.
Trong năm 2011, Tập đoàn Boston Consulting đã liệt kê bốn doanh nghiệp Thái vào danh sách 100 công ty đa quốc gia tại các nước mới nổi, nhiều gấp đôi số doanh nghiệp của Indonesia được lọt vào danh sách đó. Trước đây, trong bốn năm (2004-2007), các công ty Thái chỉ chi số tiền 1,5 tỉ USD để mua tài sản nước ngoài, nhưng từ năm 2008 đến tháng 7-2012, con số ấy đã vượt lên đến 21 tỉ USD!
Thái Lan đi ra thị trường quốc tế thông qua các sản phẩm của ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Tổ hợp Charoen Pokphand (CP) là một trong các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm lớn nhất thế giới, đang hoạt động tại 17 nước và sở hữu hệ thống phân phối lớn thứ ba thế giới là 7-Eleven. Một chuyên gia tại Đại học Thammasat (Bangkok) cho rằng các doanh nghiệp Thái gặp quá nhiều khó khăn trong cuộc khủng hoảng hồi năm 1997 nên họ trở nên “rất thận trọng và bảo thủ”. Nhưng nay họ lại tích cực vươn ra nước ngoài theo cách mới, hết sức thận trọng và âm thầm.
Thiên Bảo theo The Economist, 2-11-2012