Đầu tuần qua, đảng Lao động cánh tả ở nước Anh đã gia tăng áp lực đối với Chính phủ bằng việc đề nghị đưa ra một hạn mức chặt chẽ hơn trong việc đóng góp vào ngân sách của EU trong bảy năm tới so với đề xuất của đảng Bảo thủ đang cầm quyền. Mặt khác, ngày càng có nhiều người dân Anh cho rằng EU là một tổ chức quan liêu, làm việc kém hiệu quả và tiêu tiền hoang phí. Có lẽ sợi dây kết nối giữa nước Anh và khối liên minh 27 quốc gia châu Âu sẽ trở thành đề tài tranh luận căng thẳng trong đợt bầu cử toàn quốc vào năm 2015. Cách đây vài tháng, đảng Độc lập còn liên tiếp hối thúc đảng Bảo thủ phải cam kết rút nước Anh ra khỏi EU càng sớm càng tốt. Về phía mình, đảng Bảo thủ khẳng định họ sẽ không xét đến những gì yêu cầu của đảng Lao động trong việc thảo luận về ngân sách nữa vì cho rằng kinh tế nước Anh trước đã từng chịu lạm phát nặng bởi gói ngân sách do chính đảng Lao động đưa ra.
Thủ tướng David Cameron
Thủ tướng Cameron đã nhấn mạnh rằng việc bóp chặt gói ngân sách đóng góp cho EU được xem là có hại cho người đóng thuế ở nước Anh, đồng thời khẳng định nước Anh muốn EU chi tiêu thật tiết kiệm và hợp lý khi cả châu Âu đang phải đối mặt với khó khăn về tài chính và nhiều nước đang phải cắt giảm ngân sách. Ông vẫn muốn Anh ở lại EU vì tổ chức này có ảnh hưởng đến cán cân thương mại quốc tế của nước mình và còn cam kết sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo EU về sự đóng góp ngân sách thỏa đáng từ phía Anh.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc thảo luận với EU sẽ là một bài toán hóc búa đối với ông Cameron vì không ít nhà lãnh đạo của 27 quốc gia châu Âu đang xem Chính phủ Anh như một nhân vật “biệt lập và cơ hội”, luôn đưa ra những điều kiện và đòi hỏi trong lúc các nước trong khối EU phải nỗ lực tự cứu mình trong cuộc khủng hoảng nợ chung. Hồi tháng 12-2011, Thủ tướng Cameron đã phủ quyết hiệp định kinh tế và tài khóa của EU, mà nội dung cơ bản là việc giúp đỡ 17 quốc gia thuộc khu vực Eurozone thoát khỏi khủng hoảng tín dụng. Theo ông Tim Montgomerie – nhà bình luận kiêm hoạt động xã hội thuộc đảng Bảo thủ, những gì đảng Lao động đang làm là một “bước đi chính trị thông minh”, bởi nó gây ra không ít khó khăn nhức đầu cho ông Cameron bằng việc khiến cho ngày càng có nhiều nhà báo lẫn người dân Anh có cái nhìn không thiện cảm với EU.
Lâm Kiên theo Reuters