Một doanh nhân khởi đầu doanh nghiệp của mình, hay một người bắt đầu bước vào cuộc mưu sinh, đó đều là khởi nghiệp. Đây là một hành vi cơ bản nhằm để sinh tồn của con người, cũng là động lực phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia trong mọi thời đại.
Tinh thần khởi nghiệp là yếu tố có sẵn trong mỗi người, sẽ thể hiện ra khi có yếu tố thúc bách hay yếu tố kích thích, cũng như dạ dày tiết ra dịch vị khi có thức ăn, như mùi thơm của trái cây khi chín, như hương thơm của hoa khi đến mùa nở rộ… Điều khác biệt ở đây là yếu tố khởi nghiệp của mỗi người là thụ động hay chủ động, được nuôi dưỡng trong môi trường thuận lợi hay khó khăn là tùy thuộc vào hoàn cảnh và ý chí cá nhân của mỗi người cũng như môi trường luật pháp, kinh tế, văn hóa – xã hội của một quốc gia.
Yếu tố cá nhân, tạo động lực để chủ động khởi nghiệp
Ai là cha mẹ cũng mong muốn con cái mình trưởng thành trong một môi trường thuận lợi, được học hành đến nơi đến chốn, đỗ đạt, vững bước vào đời, khởi nghiệp từ một vị trí “có đẳng cấp” trong xã hội. Thế nhưng, trong xã hội chúng ta, bao nhiêu người có được điều kiện như thế? Vì sự nghèo khó của cha mẹ hay nhiều lý do khác, một số em nhỏ phải nghỉ học từ bậc tiểu học, một số lớn hơn rơi rụng dần ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, sớm rời mái trường khi còn ở tuổi thiếu niên để bước vào đời. Nếu cố gắng vươn lên bằng hình thức vừa học vừa làm để lên bậc cao đẳng, đại học thì rồi họ cũng phải vào đời, lập nghiệp ngay từ độ tuổi chưa trưởng thành. Những trường hợp như thế là thụ động khởi nghiệp, do yếu tố bên ngoài bức bách, kiểu “bụng đói thì đầu gối phải bò”.
Trạng thái chủ động khởi nghiệp, bên cạnh yếu tố cá nhân, cần có nhiều hơn yếu tố giáo dục của gia đình (yêu lao động, có ý chí và tinh thần trách nhiệm…) và của xã hội. Chính tinh thần khởi nghiệp chủ động này sẽ là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Chúng ta kêu gọi tuổi trẻ phải có tinh thần khởi nghiệp, điều này đúng, nhưng làm sao tạo được một động lực thật sự để họ chủ động khởi nghiệp mới thật sự là điều đáng nói.
Khi một quốc gia có được một lực lượng khởi nghiệp với tinh thần chủ động làm nòng cốt, lực lượng này sẽ dẫn dắt lực lượng đông đảo lao động vốn dĩ đã vào đời lập nghiệp rất sớm do sự bức bách của cuộc sống. Sự hợp lực của hai dạng khởi nghiệp này sẽ tạo nên một khí thế lao động sáng tạo hăng say trong xã hội và đây chính là động lực phát triển kinh tế xã hội. Khi những tấm gương thành đạt từ lực lượng khởi nghiệp này, nhất là của những người vì sự bức bách của cuộc sống hay vì một ước mơ cần nhanh chóng thực hiện mà sớm rời khỏi ghế nhà trường (như tỉ phú Lý Gia Thành ở Hongkong, tỉ phú Bill Gates ở Mỹ, v.v…) thì tinh thần khởi nghiệp sẽ trở thành lực lượng sáng tạo, một động lực phát triển kinh tế xã hội quan trọng nhất để đưa nước ta vào hàng ngũ cường quốc kinh tế thế giới.
Hãy nhìn vào các thành phố lớn và những vùng đất mới của nước ta, đâu đâu cũng có những tấm gương khởi nghiệp thành đạt. Nhất là TP. Hồ Chí Minh – một thành phố của những người khởi nghiệp đến từ khắp cả nước. Sự phát triển năng động của thành phố chính là cái hồn, cái tinh thần khởi nghiệp của tầng tầng lớp lớp ông cha ta hơn ba trăm năm qua và vẫn đang hừng hực sôi sục như thuở nào. Từ ba, bốn giờ sáng cho đến nửa đêm, đường xá bến bãi luôn có người hoạt động, tinh thần khởi nghiệp dù chủ động hay thụ động là không ngưng nghỉ. Đó chính là hơi thở của thành phố và các nhà làm chính sách chỉ cần sâu sát tìm hiểu để đưa ra những chính sách cụ thể thì tinh thần này sẽ lan rộng và vươn lên trở thành một lực lượng xung kích phát triển, đưa thành phố tiến nhanh hơn nữa.
Yếu tố môi trường, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước
Vạn sự khởi đầu nan, đối với khởi nghiệp, vấn đề không chỉ phải vượt qua khó khăn ban đầu, mà còn phải xác định một lộ trình đúng. Như đã nói, bên cạnh yếu tố cá nhân và điều kiện gia đình của người khởi nghiệp, môi trường kinh tế – xã hội có một vai trò không nhỏ đối với sự thúc đẩy tinh thần chủ động khởi nghiệp. Chúng ta cần xây dựng và nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp chủ động, vì môi trường xã hội luôn là yếu tố quan trọng nhất tạo nên phương thức sinh tồn của con người.
Để có một lộ trình tạo nên tinh thần khởi nghiệp chủ động, đúng đắn, chúng ta phải bắt đầu từ giáo dục (gia đình, nhà trường, xã hội), đi từ thấp lên cao, từ thực tiễn cuộc sống hằng ngày đến những ước mơ cao xa. Từ đó vun đắp nuôi dưỡng những giá trị đúng đắn cho cá nhân và xã hội. Chúng ta có thể gợi lên những yếu tố giáo dục cần phải có như rèn luyện tinh thần yêu lao động ngay từ nhỏ, trong những độ tuổi khác nhau đều có những công việc phải làm, cho bản thân và cho người chung quanh. Bên cạnh đó, cần rèn luyện tinh thần trách nhiệm, từng bước tự lập trong quá trình trưởng thành của mỗi cá nhân, có trách nhiệm với hành vi của mình đối với gia đình, xã hội. Ngoài ra, rất cần khuyến khích tinh thần học tập cầu tiến, tinh thần tìm hiểu và tính sáng tạo…
Riêng với Nhà nước, phải xây dựng một hệ thống giáo dục và luật pháp xuyên suốt nhằm đảm bảo các mầm khởi nghiệp (dù chủ động hay thụ động) đều có cơ hội phát triển. Trước mắt, cần thực hiện những điểm sau:
1. Đảm bảo quyền được hưởng sự giáo dục đào tạo của mọi công dân.
2. Đảm bảo mọi trẻ em, thanh thiếu niên được phổ cập văn hóa theo quy định (hết trung học cơ sở). Không vì bất cứ lý do gì ngăn cản ước vọng học tập của các đối tượng trên (như thiếu các điều kiện thủ tục, hộ khẩu, giấy khai sinh, người giám hộ, học bạ, v.v…). Trường hợp vì lý do gia đình nghèo phải ra đời mưu sinh sớm, cần có một loại trường nghề vừa học vừa làm để hỗ trợ cho họ.
Chúng tôi vừa đến thăm một trường học cho đối tượng này ở tại chợ Tân Mỹ, Q.7. Trường do những người quan tâm đến các trẻ cơ nhỡ thuộc gia đình mà cha mẹ đều từ phương xa đến TP. Hồ Chí Minh tìm cơ hội lập nghiệp. Họ thuộc thành phần những người không thể có hộ khẩu thành phố, ngay chỗở cũng chính là nơi họ lao động, sản xuất. Con em họ, vì vậy, không có cơ hội để được học hành ở trường công với mức học phí thấp, đồng nghĩa với quyền được giáo dục của các em đã bị rào cản thủ tục ngăn lại.
Rất may là xã hội vẫn còn nhiều người có cái tâm lo lắng cho những thân phận như thế. Một thân phận thua thiệt đau thương được nâng đỡ sẽ bớt đi cảm giác thua thiệt đau thương. Được biết, trường này rất may được “du di” để được tồn tại, dạy học, trong khi ở nhiều nơi khác có thể không được cấp phép vì không đủ các điều kiện vật chất cũng như những điều kiện, quy định khác của ngành giáo dục.
3. Phải xây dựng hệ thống trung học kỹ thuật nghề (từ lớp 10 đến lớp 12) song song với trường trung học phổ thông ở cấp quận huyện (ở Đài Loan, những năm 1955, tỷ lệ trường kỹ thuật nghề và trường phổ thông là 2:1, rồi từng bước chuyển dần 1:1 theo đà phát triển kinh tế). Sau này các trường kỹ thuật nghề chuyển thành trường “ngũ chuyên”: ba năm trung học kỹ thuật và hai năm học cao đẳng), loại trường này cũng liên thông lên đại học.
Như vậy, chúng ta có thể giúp cho sự khởi nghiệp của thanh thiếu niên, phù hợp với trạng thái kinh tế xã hội hiện nay. Tuy nhiên, để hướng đến điều này, chúng ta trước hết phải giải quyết tốt công tác phân luồng sau bậc trung học cơ sở, xóa dần tâm lý vào đại học bằng mọi giá để rồi dẫn đến cảnh thừa thầy thiếu thợ. Có một thực trạng đáng buồn là hầu hết phụ huynh và học sinh hiện nay đều không muốn cho con em theo học trường trung học kỹ thuật nghề, khiến trường nghề dù ít nhưng vẫn không đủ học viên.
4. Nên dành ngân sách để xây dựng mỗi quận huyện một trường trung học kỹ thuật nghề. Đồng thời có chính sách thuế, chính sách đất đai và hỗ trợ mọi phương tiện để khuyến khích người dân, doanh nghiệp xây dựng loại trường này ở những nơi cần thiết. Đây là sự nuôi dưỡng mầm khởi nghiệp cho quốc gia.
5. Nhà nước hay các tổ chức xã hội xây dựng các loại vườn ươm khởi nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ cho những ý tưởng sáng tạo sớm được áp dụng. Hỗ trợ về mặt vốn đầu tư, nhà xưởng làm việc, bộ máy hành chính, các thủ tục pháp lý, v.v… để người có sản phẩm sáng tạo sớm khởi nghiệp.
6. Hằng năm nên có những cuộc thi sáng tạo. Những sáng tạo có giá trị sẽ được giải thưởng xứng đáng. Những sáng tạo có thể tạo được giá trị kinh tế cũng có thể đem ra áp dụng tại các vườn ươm, hay bán quyền sở hữu trí tuệ lại cho các doanh nghiệp. Nhà nước phải có chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ này.
Trên đây mới chỉ là ý kiến phác thảo ban đầu, cũng là góp thêm một tiếng nói để khơi gợi và cổ động cho tinh thần chủ động khởi nghiệp của quốc gia. Để những ý tưởng đó áp dụng được trong thực tiễn, rất cần có sự đầu tư, nghiên cứu và quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền và toàn xã hội.