Trên báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần số phát hành ngày 11-3-2016 có bài viết Giải bài toán giao thông đô thị, trước hết từ xe buýt với những thông tin có thể nói là phần nào thuyết phục, thế nhưng vẫn chỉ là suy nghĩ chủ quan và chưa đầy đủ của tác giả Trần Đại Lộc.
Tôi sống ở thành phố này lâu năm, một thời gian dài xem xe buýt là phương tiện đi lại thuận tiện nhất đối với một người trung niên có công ăn việc làm ổn định với thu nhập trung bình. Nhưng gần đây tôi đã phải giã từ xe buýt, không phải vì đây là những hung thần đường phố như nhiều người ví von, bởi về sau này những chiếc xe cồng kềnh đã tỏ ra biết… phục thiện sau bao nhiêu búa rìu dư luận nên cũng ít gây tai nạn hơn trước, cũng không phải vì quá mất thì giờ bởi đây là điều tiên quyết phải chấp nhận một khi đã chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển.
Điều chưa được lớn nhất nằm ở bên trong xe buýt, đó là tổ chức phục vụ quá kém, không ít lái xe ăn nói thô lỗ, thậm chí xúc phạm khách đi xe. Không biết bao nhiêu lần tôi phải chứng kiến việc tài xế mắng mỏ thậm tệ các em sinh viên chưa kịp trình thẻ để được giảm giá, nặng lời với những khách mới đi xe lần đầu trả tiền chậm chạp, lớn tiếng văng tục với các lái xe khác trên đường…
Điều này cho thấy cơ quan quản lý chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc tuyển dụng, bởi vì những người làm công tác tiếp xúc với nhiều người như các tài xế và tiếp viên trên xe buýt phải được huấn luyện kỹ năng về cư xử và giao tiếp.
Ngán ngẩm nhất là chuyện lên xuống xe buýt, lái xe do áp lực muộn giờ nên hầu hết đều chỉ chạy chậm lại ở mỗi trạm mà không cho xe dừng hẳn, bất chấp nguy hiểm cho khách lên xuống nhất là những người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em. Tình trạng đó khiến ai từng đi xe buýt cũng phải lo lắng, chưa đi thì không dám thử dù chỉ một lần cho biết.
Mới đây có vị quan chức lên tiếng kêu gọi cán bộ, công chức đi xe buýt và cho rằng như thế người dân sẽ hưởng ứng. Nghĩ vậy là hoang tưởng, trước hết một lời kêu gọi suông thì liệu cán bộ, công chức có nghe theo không, mà áp đặt bằng biện pháp hành chính trong trường hợp này là không tôn trọng quyền riêng tư của con người.
Cho nên tôi đồng ý với tác giả bài viết rằng giải pháp giao thông đô thị phải bắt đầu từ xe buýt, nhưng để có nhiều người đi thì trước hết phải xây dựng được văn minh xe buýt bằng một chiến dịch lâu dài và có hiệu quả.
Chỉ khi nào người dân cảm nhận được xe buýt là “người bạn biết điều” (chứ chưa dám hy vọng là “người bạn thân thiết”) thì họ mới chủ động tìm đến. Riêng tôi thì chỉ trở lại với phương tiện này khi thấy “văn hóa xe buýt” được phát động.
Phương Mai (quận 7) (DNSGCT)