Đức chuẩn bị kế hoạch bãi bỏ yêu cầu bắt buộc các nhà sản xuất thực phẩm phải ghi rõ hạn dùng trên bao bì các sản phẩm lưu hành trên thị trường. Thay vào đó là con chíp điện tử thông minh thông báo chất lượng sản phẩm. Bộ trưởng Nông nghiệp – thực phẩm Christian Schmidt còn cho biết trong những tháng tới đây, Cộng đồng châu Âu sẽ có chỉ thị tương tự cho các thành viên quốc gia thực hiện đồng loạt.
Tờ báo chính trị Funke Mediengruppe bình luận đó là một yêu cầu xác đáng, bởi phần lớn thực phẩm đóng gói công nghệ cao vẫn đảm bảo chất lượng, dù đã hết hạn sử dụng ghi trên bao bì. Thế là lãng phí thải loại không biết bao thực phẩm, chỉ vì các nhà sản xuất quá quan liêu, máy móc, nhắm mắt trước thực tế thực phẩm vẫn đảm bảo an toàn, đáp ứng các chỉ số vệ sinh khắt khe.
Thay cho hạn sử dụng vô tích sự là con chíp điện tử công nghệ xác định hằng ngày chất lượng thực phẩm trên thang màu: đỏ – không đảm bảo, xanh – đảm bảo.
Con chíp này là rào cản hữu hiệu nạn lãng phí thực phẩm. Theo điều tra của tờ Die Zeit theo đơn đặt hàng của Bộ Nông nghiệp Đức, hằng năm Đức đổ đi 11 triệu tấn thực phẩm, chủ yếu là rau củ quả: 44%, sản phẩm từ bột mì: 15%.
Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc cảnh báo hằng năm thế giới đổ đi 1/3 sản lượng lương – nông vất vả mới tạo ra được. Riêng châu Âu mỗi năm thải đi cả trăm triệu tấn lương thực – thực phẩm còn chất lượng. Năm 2014, vấn đề bãi bỏ chỉ định thời hạn sử dụng lương thực – thực phẩm, trước hết với mì sợi, gạo, đường, phô mai cứng, rau muối, nhưng bị lạnh nhạt, không chính phủ nào đoái hoài tới. Nhưng từng cá nhân lại tích cực thỉnh cầu. Năm 2014, công dân Pháp Baptiste Dubanchet đạp xe 4.800km từ Paris tới thủ đô Warsawa, Ba Lan, chỉ ăn những thứ bới trong các thùng rác siêu thị, nhà hàng, cửa hàng bánh… Baptiste Dubanchet tận mắt chứng kiến nhiều người đói ăn, khi đi du lịch Colombia, Haiti, Đông Nam Á… trong khi châu Âu phí phạm vô chừng lương thực – thực phẩm.
Lê Lành theo Der Spiegel (DNSGCT)