Những người ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp dường như có thêm niềm tin khi được sự mở lời từ ông Eddie Thái, người điều hành của Quỹ 500 Startups, một trong ba quỹ mạo hiểm lớn nhất thế giới. Tại hội nghị Saigon Tech Startup Fest 2016 với chủ đề “Mang tinh thần thung lũng Silicon tới Việt Nam” được tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua, ông đã có lời khuyến khích các nhà khởi nghiệp tìm đến mình để có cơ hội được tài trợ vốn kinh doanh.
Quỹ 500 Startups do hai “ông lớn” Google và Paypal thành lập ở thung lũng Silicon (Mỹ) từ năm 2010. Quỹ này hiện có tổng số vốn trị giá 267 triệu USD, đã đầu tư vào 686 nhà khởi nghiệp trên thế giới. Ông Eddie Thái, một doanh nhân Việt kiều sống lâu năm tại Mỹ là người đã thuyết phục 500 Starups vào Việt Nam từ năm ngoái.
Theo ông Eddie Thái, Việt Nam là một thị trường có tiềm năng lớn với dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 6% mỗi năm. Chỉ trong vòng 10 năm, số lượng người sử dụng điện thoại tại Việt Nam đã gia tăng gấp 10 lần, từ 4 triệu người trong năm 2005 tăng lên 40 triệu người năm 2015 và hơn một nửa trong số đó sử dụng điện thoại thông minh. Hãng Apple cho biết Việt Nam đang là thị trường phát triển nhanh nhất của hãng này trên toàn thế giới. Hơn nữa, một số lượng lớn các du học sinh Việt Nam ở Mỹ cùng với cộng đồng người Việt tại thung lũng Silicon, trong đó có ông Eddie Thái, luôn có khát vọng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của nước nhà, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Những triển vọng trên là những lý do thuyết phục để 500 Startups quyết định đầu tư vào Việt Nam từ tháng 8 năm ngoái.
Quỹ 500 Startups dự kiến sẽ đầu tư cho từ 100 đến 150 nhà khởi nghiệp Việt Nam với số vốn là 10 triệu USD. Quỹ này dành nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực B2B, doanh nghiệp dịch vụ phần mềm SaaS, công nghệ tài chính Fintech và thương mại điện tử. Những nhà khởi nghiệp được 500 Startups đầu tư không chỉ nhận được số vốn từ 100.000 USD đến 250.000 USD mà còn được sự tư vấn, huấn luyện từ 3.000 nhà cố vấn và các thành viên sáng lập, ngoài ra còn có thể được vay ưu đãi để mở rộng quy mô kinh doanh lên đến 1,5 triệu USD từ các đối tác như Amazon, Facebook và các nguồn hỗ trợ khác.
Quỹ này hiện đang hỗ trợ tài chính cho tám doanh nghiệp Việt Nam như: Ipsy (công ty về dạy làm đẹp trên internet), Lightbox (ứng dụng chụp ảnh xã hội), DataRank (thông tin về trí tuệ xã hội), ELSA (ứng dụng đào tạo kỹ năng phát âm trên điện thoại), Ticketbox (bán vé cho các sự kiện lớn) và Tappy (ứng dụng mạng lưới xã hội định vị)… Từ những người có năng lực và khát khao khởi nghiệp, họ đã được hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm về cách bắt đầu một doanh nghiệp, huy động vốn, cải thiện sản phẩm, cách thu hút khách hàng… để có thể phát triển một doanh nghiệp thành công. Quỹ này vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nhà khởi nghiệp sáng tạo, năng động đang ấp ủ một dự án có giá trị lâu dài hơn là những dự án đầu tư ngắn hạn. “Chúng tôi hầu như không có giới hạn về các ý tưởng kinh doanh, nhưng thường ưu tiên cho bạn trẻ khởi nghiệp có ý tưởng khả thi, biết cách sử dụng vốn hiệu quả, có hướng mở rộng về lâu dài và sản phẩm hữu ích cho cộng đồng ở Việt Nam và thế giới”, ông Eddie Thái cho biết.
Xuân Lộc (DNSGCT)