Với việc thay đổi các nhà lãnh đạo quốc gia mới sau Đại hội X Đảng Nhân dân Cách mạng Lào kết thúc ngày 22-1 và bắt giữ một số nhân vật vì lý do tham nhũng, dường như đất nước này đang có chiều hướng giảm nhẹảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế.
Ông Bounnhang Volrachith giữ chức Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước và ông Thongloun Sisoulith được đề bạt chức Thủ tướng thay cho hai ông Choummaly Sayasone và Thongsing Thammavong mà thời gian tại chức đã tạo quá nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Lào.
Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia thuộc nhiều viện nghiên cứu ở châu Á, châu Âu và Mỹ đều nhận định rằng Lào là nạn nhân của việc Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng về kinh tế, tài chính và dòng người Hoa nhập cư.
Thông tấn xã Lào mới đây có đăng bài nghiên cứu về tình hình chính trị và kinh tế tại Lào của tác giả Đê-Niêu-Then với tiêu đề: “Có điều gì phải lo về việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Lào?”. Nghiên cứu của ông cho thấy thêm một vấn đề là trong 10 năm qua, Trung Quốc đã tăng cường trợ giúp Lào về kinh tế, mục đích chủ yếu là sử dụng tài nguyên thiên nhiên và dùng Lào làm bàn đạp tiến vào các nước ASEAN khác.
Ảnh hưởng của Trung Quốc tại Lào đã tăng lên đáng kể, trong lúc dòng người Trung Quốc đổ vào Lào cũng ở mức cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt từ năm 2008 lúc kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng tại Mỹ và châu Âu, trong khi nền kinh tế Trung Quốc chẳng những không bịảnh hưởng mà còn tăng trưởng ở mức đứng đầu thế giới.
Đến năm 2014, đầu tư của Trung Quốc vào Lào tăng lên 5 tỉ USD, vượt Thái Lan và Việt Nam. Đầu tư của Trung Quốc vào các tỉnh phía Bắc Lào tăng rất nhanh. Chẳng hạn Trung Quốc thuê 10.000 hécta đất tại huyện Tộn Phợng tỉnh Bò Kẹo thời hạn 99 năm để xây dựng một cộng đồng Trung Quốc mới, trong đó 300 hécta dành cho Casino King Roman với khu liên hợp gồm dịch vụ đồng bộ và du lịch, đã chính thức khai trương hồi tháng 9-2009. Dự án tiếp theo là kết hợp xây dựng sân bay tại đặc khu kinh tế tỉnh Luang Namtha, với 1.000 hécta đất thuê trong 99 năm để phát triển đặc khu kinh tế tại huyện biên giới Bò Tèn – Bò Hản.
Đầu tư của Trung Quốc vào Lào chủ yếu từ một số công ty nhà nước và các công ty lớn chuyên về khai thác khoáng sản, xây dựng đập thủy điện, ngành nông nghiệp thương mại, đầu tư thương mại và dịch vụ…
Theo thống kê năm 2008, trong số hơn 100 công ty đầu tư về khoáng sản có đến 33 công ty của Trung Quốc và chiếm một nửa đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Lào.
Hiện Trung Quốc đang sở hữu mỏ vàng Sêpon, nơi sản xuất vàng và đồng đỏ tại tỉnh Savannakhet. Trung Quốc cũng là cổ đông lớn tại mỏ vàng Phu Bia và bản Huội Sai, tỉnh Vientiane. Ngoài ra họ cũng nhận khảo sát khoáng sản trên cả nước Lào.
Năm 2014, công ty nhà nước Trung Quốc là chủ đầu tư 14 đập thủy điện đã hoặc đang được xây dựng tại Lào. Ngoài ra các công ty của Trung Quốc cũng nhận được hợp đồng xây dựng ba đập thủy điện mà Lào có kế hoạch xây dựng và nhận được giấy phép khảo sát đánh giá khả thi ít nhất 11 đập khác.
Trong khi đó kết quả nghiên cứu của một số chuyên gia tại Singapore cho biết trong đầu tư của Trung Quốc vào Lào, người hưởng lợi nhiều nhất chính là nhà đầu tư và thua thiệt nhất chính là người dân. Do các lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc vào Lào đều hủy hoại môi trường, diện tích trồng trọt của người dân địa phương bị giảm mạnh do mô hình nông nghiệp 2+3 mà Trung Quốc đưa ra và được tỉnh hay cá nhân cho phép, khiến người dân mất đất và trở thành kẻ làm thuê cho các nhà đầu tư.
Chính sách đổi đất thành vốn, theo đó cho nhà đầu tư nước ngoài thuê hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên trong 99 năm là các dự án có nhiều nguy cơ, mặc dù nhiều tổ chức phi chính phủ đã bày tỏ sự lo ngại về chính sách này.
Theo các nhà phân tích, thời gian qua quan hệ chính trị Lào – Trung và đầu tư của Trung Quốc vào Lào liên tục gia tăng, nhưng điều đó cũng đi đôi với cái giá phải trả rất cao, bởi số nợ mà Lào phải trả cho Trung Quốc tăng cao hằng ngày. Trước đây Trung Quốc từng xóa cho Lào khoản nợ trên 1 tỉ USD, nhưng không phải cho không mà có sự trao đổi. Do đó, chống lại sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại nước này đối với Lào là bài toán cực khó.
Các câu hỏi về dự án đường sắt cao tốc Lào – Trung Quốc hiện cũng đang gây tranh cãi. Mới đây Vientiane và Bắc Kinh đã đồng ý về mức lãi suất cho một gói vay trị giá 480 triệu USD của Trung Quốc nhằm giúp xây dựng dự án đường sắt trị giá 7 tỉ USD. Một buổi lễ động thổ đã được tiến hành tại Vientiane vào ngày 2-1 vừa qua.
Đường sắt này là một phần của tuyến đường sắt khu vực dài 3.000km chạy từ Côn Minh, tỉnh Vân Nam phía nam Trung Quốc, qua Lào, Thái Lan và Malaysia đến Singapore. Dù tuyến đường sắt dự kiến sẽ giúp thúc đẩy kinh tế của đất nước kém phát triển và không giáp biển này, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về chi phí của nó.
Câu hỏi đặt ra là dự án đường sắt Lào – Trung Quốc sẽ tiếp tục được tiến hành êm thấm hay sẽ phải đối mặt với những rào cản sau khi hai ông Choummaly và Thongsing ra đi.
Trước đây, ông Keith Barney, chuyên gia nghiên cứu về Lào của Trường Đại học Quốc gia Australia từng khuyến cáo, GDP của Lào là 8,3 tỉ USD, trong khi dự án xây dựng tuyến đường sắt nối Lào với Trung Quốc gần 7 tỉ USD và chính điều này đã gây quan ngại. Bởi theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoản cho vay của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank), được xây dựng như khoản tín dụng bảo lãnh tối cao, sẽ bao gồm doanh thu từ dự án và tất cả tài sản của dự án sẽ là một phần của bảo lãnh ngân hàng, ngoài ra còn có thu nhập từ các nguồn tài nguyên khác của Lào.
Các dự án lớn của Trung Quốc tại Lào
Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã không ngừng tăng cường đầu tư vào Lào trên các lĩnh vực xây dựng thủy điện, khai thác khoáng sản, trồng cây công nghiệp, kinh doanh khách sạn lớn, siêu thị… với mục đích chính là tăng cường ảnh hưởng kinh tế, chính trị và thương mại.
Các dự án sau đây được xem là tiêu biểu cho mục đích này:
– Dự án chợ Sanchieng ở thủ đô Vientiane (2007) là khu chợ đầu tiên của người Trung Quốc tại Lào. Hàng hóa hầu hết nhập từ Trung Quốc, chủ hàng là người Trung Quốc.
– Dự án Đầm Thatluang ở Vientiane (2012) diện tích 365 hécta, gồm nhiều tòa nhà cao tầng, siêu thị, khu du lịch, bệnh viện quốc tế, trường học. Tổng giá trị đầu tư 1,6 tỉ USD, thời gian tô nhượng 99 năm, di dời 435 hộ gia đình.
– Dự án Vientiane New World (2014) có vị trí đắc địa ngay bờ sông Mekong, diện tích 42 hécta, di dời hơn 300 hộ gia đình. Dự án gồm các hạng mục khách sạn, tòa nhà lớn, trung tâm thương mại với dịch vụ khép kín. Hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc.
– Dự án Khách sạn năm sao Latsavong 28 tầng, cao nhất thủ đô Vientiane với siêu thị, nhà hàng, có thời gian tô nhượng 99 năm. Tổng đầu tư dự án là 100 triệu USD trong đó 75% vốn Trung Quốc, 25% của Bộ Quốc phòng Lào.
– Chính phủ Lào đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ thành lập 58 đặc khu kinh tế (đến nay đã thành lập được 11 đặc khu). Hiện có 420 nhà đầu tư tham gia, trong đó có 234 công ty của Trung Quốc đã đầu tư vào các đặc khu trên.
Viết Đỉnh tổng hợp (DNSGCT)