Nguồn vốn tri thức dân tộc mãi nghèo nàn
Khó có thể phủ nhận rằng Việt Nam đang có một trình độ dân trí thấp, một nền văn hóa đọc yếu. Độc giả chủ yếu chỉ quan tâm tới loại sách bình dân, nặng tính giải trí, hiếm người tìm đọc những tác phẩm có thể giúp con người trưởng thành, bổ sung kiến thức nền tảng, hoàn thiện về mặt tư duy và xa hơn, có thể giúp dân tộc trở nên văn minh, tiến bộ và phát triển hơn. Một đơn vị xuất bản có tâm và có định hướng xuất bản những cuốn sách giá trị thì chắc chắn phải đối mặt với tình trạng thua lỗ, vì sản phẩm của họ gần như không thể tiêu thụ trong một phân khúc thị trường quá nhỏ bé. Vì thế, để đảm bảo sự tồn tại thì các doanh nghiệp kinh doanh xuất bản phẩm buộc phải xuất bản sách đại trà. Điều này không thể trách vì họ phải tồn tại, duy trì hoạt động sản xuất và nhanh chóng quay vòng vốn nhằm phát triển kinh doanh như bao công ty khác. Do nhu cầu của thị trường, nên loại sách này chắc chắn vẫn sẽ nở rộ trong thời gian tới. Chúng ta cũng không thể kêu gọi lương tâm của các đơn vị làm sách, vì mỗi đơn vị có những định hướng xuất bản, kinh doanh khác nhau. Cách hạn chế sự ảnh hưởng của loại sách này với độc giả, nhất là các độc giả trẻ là tăng cường các hoạt động văn hóa bổ ích, giúp người trẻ nhận ra được giá trị của những cuốn sách tốt so với loại sách này để có những điều chỉnh tốt cho bản thân.
Nhìn về phía các học giả, trí thức – những người nắm giữ nền tảng tri thức của dân tộc, chúng ta cũng có thể thấy họ chưa mặn mà lắm với việc xuất bản những cuốn sách hay. Thị trường nhỏ bé, sách bán được ít, thì tất nhiên nhuận bút trả cho tác giả cũng rất thấp. Đây phải chăng cũng là một lý do cho hiện trạng càng về sau này càng có ít tác phẩm lớn, có giá trị của người Việt Nam để lại cho hậu thế. Việc thiếu đi những người viết tâm huyết, thiếu đi những sản phẩm trí tuệ đã dẫn đến tình trạng công chúng sẽ không có cơ hội tiếp cận những cuốn sách hay. Nền dân trí cũng như nền văn hóa đọc của cả xã hội trong nhiều chục năm qua cứ lụn bại dần, “nguồn vốn” tri thức cho cả dân tộc không được làm đầy thêm… Khi nền kinh tế – xã hội thế giới chuyển sang giai đoạn kinh tế tri thức thì tri thức được coi là thước đo chính xác nhất cho sức mạnh quốc gia. Bởi vậy, những số liệu kinh tế cho thấy Việt Nam vẫn đang tăng trưởng, nhưng nhìn tổng thể thì rõ ràng sự phát triển đó vẫn chưa phải là thực chất… Nếu ta coi những năm đầu của công cuộc đổi mới là giai đoạn đất nước chuyển mình nhằm đảm bảo sự tồn tại của một dân tộc, một chế độ thì với xu hướng phát triển của tính chất đa phương hóa, quốc tế hóa hiện nay thì cần thiết có một tư duy đổi mới ở tầng bậc cao hơn, đề cao khả năng hội nhập và phát triển của nền kinh tế xã hội Việt Nam theo hướng nâng cao trình độ dân trí, đầu tư nguồn lực cho kinh tế tri thức.
Đối mặt với sự phân hóa tri thức
Một vấn đề lớn của ngành xuất bản Việt Nam là nạn sách giả. Có một nguyên tắc đã được khẳng định ở quy mô toàn cầu: nếu không có sự đảm bảo về sở hữu trí tuệ thì sẽ không có sản phẩm trí tuệ ra đời… Những xuất bản phẩm nhái trước mắt có thể giúp sinh viên, những người có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận. Tuy nhiên, xét trên tổng thể, dung dưỡng sách giả là giết chết sách thật. Vì vậy, muốn có một nền dân trí phát triển hơn thì nhà nước nhất thiết phải chú trọng đến việc đảm bảo về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, ngành xuất bản cần thành lập được một hiệp hội mạnh, trong đó các nhà xuất bản, công ty sách liên kết với nhau, xác định động lực phát triển của toàn ngành. Chúng ta cần tìm ra giải pháp chống in lậu, tìm cách xây dựng những cầu nối để đưa sách đến tay độc giả nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn và cần có các hoạt động hiệu quả để khuyến khích thói quen đọc sách của người dân. Quan trọng hơn cả đó là xây dựng những khung giải pháp để giảm giá sách nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm… Mọi người thường nói sách khó bán là tại thị trường, tại người đọc ít, tại vì cạnh tranh sách lậu… nhưng cũng một phần tại người làm sách chưa giỏi, làm việc chưa thật hiệu quả, liên kết với nhau chưa chặt chẽ. Nếu thường xuyên làm được sách đúng với nhu cầu, thị hiếu của độc giả như Trăng non, Harry Potter, Nhật ký Đặng Thùy Trâm… thì lợi nhuận của ngành sẽ không hề thấp.
Đối với bên ngoài ngành, một thị trường, một môi trường sống và một xã hội lành mạnh hơn sẽ tác động tích cực trực tiếp đến văn hóa đọc. Mọi người sẽ có cơ hội và điều kiện trong việc tiếp cận nguồn tri thức. Lẽ ra ngành kinh doanh sách, hoặc ngành giáo dục sẽ thịnh vượng hơn nếu như GDP được phân bổ đồng đều hơn. Ngành làm sách muốn phát triển được thì nền dân trí phải cao lên, thu nhập, sự phân bổ tiêu dùng phải không quá chênh lệch. Cũng giống như việc học tập của các em học sinh bây giờ sẽ khác đi, sẽ tốt hơn nếu như toàn xã hội đều đòi hỏi những bằng cấp có giá trị thực sự.
Để đánh giá sự giàu có của một quốc gia, người ta dùng thu nhập bình quân theo đầu người; nhưng để đánh giá tri thức của một quốc gia thì phải xem nền xuất bản và nền giáo dục. Nếu chúng ta đã đi sau Mỹ khoảng 100 năm tri thức thì chúng ta cần cố gắng làm thế nào đọc sách, học tập để rút ngắn dần khoảng cách này, đừng muộn hơn, chậm hơn nữa. Còn không thì khoảng cách sẽ ngày càng dãn ra. Như vậy là bên cạnh phân hóa giàu nghèo, còn có sự phân hóa về tri thức. Và trong thời đại ngày nay, sự phân hóa tri thức mới là đáng sợ nhất!
Nguyễn Cảnh Bình (Chủ tịch HĐQT – CEO Alpha Books)